Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy

Vũ Huế |

Bây giờ, Nam Cực không có gì ngoài tuyết trắng. Nhưng bạn đừng quên, hàng trăm triệu năm về trước, nó cũng xanh tốt không kém bất cứ khu vực màu mỡ nào trên Trái đất. Lẽ dĩ nhiên, đã có sự sống thì có kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn.

Nam Cực được bao phủ bởi một lớp băng dày cả ngàn mét, có chỗ lên tới 2835m. Suốt mùa đông, toàn Nam Cực không nhận được lấy một tia nắng. Sang mùa hè, mặt trời cũng chỉ lấp ló ở đường chân trời. Ngay lúc ấm nhất, vùng đất quanh năm tuyết phủ này cũng vẫn dưới 0C. Còn nhiệt độ thấp nhất thì có thể là -89,2C.

Nhưng đó là hiện tại. Còn trong quá khứ, đã có thời điểm Nam Cực cũng rậm rạp cây xanh và các loài động thực vật cực kỳ phong phú.

Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy - Ảnh 1.

Trong cái mốc 250 triệu năm về trước

Bạn sẽ muốn tham quan Nam Cực để ngắm một thế giới trắng xóa như vùng đất của Công chúa Băng trong truyện cổ tích, nhưng không lý nào lại muốn sống lâu dài. Tuy nhiên, nếu là Nam Cực của 250 triệu năm về trước thì lại khác.

Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy - Ảnh 2.

Đây là thế giới 250 triệu năm trước

Theo lý thuyết siêu lục địa của nhà nghiên cứu Alfred Wegener (Đức), Trái đất thuở sơ khai chưa được chia ra nhiều châu lục như bây giờ. Ở khoảng 542 triệu năm đến 1 tỷ năm về trước, toàn thế giới là 1 lục địa – Pangea (còn gọi là Toàn Lục Địa).

Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy - Ảnh 3.

Và vị trí của Nam Cực khi đó

Nam Cực lúc bấy giờ cũng không cô độc như bây giờ, mà chiếm một khoảng rộng lớn trong nửa phía nam nóng ẩm, mưa nhiều của Pangea. Đương nhiên là trong điều kiện khí hậu vô cùng thuận lợi cho thực vật phát triển ấy, nó từng hết sức xanh tốt.

Thiên đường nhiệt đới

Giả sử có thể quay ngược thời gian mà trở về hành tinh xanh của 250 triệu năm về trước, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vùng đất sẽ tạo thành Nam Cực bây giờ. Trải ngút tầm mắt là những đồng cỏ xanh ngắt, dòng sông ngập nước và rừng núi rậm rạp.

Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy - Ảnh 4.

Nhờ nhiệt độ ấm áp và ẩm, mặt đất hiếm khi bị đóng băng. Trên bờ, các loài côn trùng, lưỡng cư sinh sôi mạnh mẽ. Thực vật lấn chiếm mọi khoảng trống, biến mặt đất thành tấm thảm sự sống diệu kỳ.

Như chúng ta đã biết, Pangea chỉ bắt đầu tách vỡ cách đây khoảng 200 triệu năm. Cũng tức là chí ít thì Trái đất vẫn là một thể thống nhất cho đến tận đầu Kỷ Jura.

Trong cái nửa trước của thời Đại Trung Sinh và toàn bộ thời Đại Cổ Sinh này, lớp bò sát phát triển cực thịnh. Tiếp đến là vô số các loài khủng long, từ loài ăn cỏ đến loài ăn thịt nô nức xuất hiện.

Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy - Ảnh 5.

Nằm giữa cái nôi ban sơ của sự sống này, Nam Cực tất nhiên cũng đầy rẫy các loài bò sát. Và như mọi vùng đất khác, trong nó xuất hiện một "vị vua" thống lĩnh. Đó là Antarctanax shackletoni.

"Ông hoàng" của các khu rừng

Antarctanax shackletoni là cái tên kết hợp giữa cụm từ "Antarctic king" (vua Nam Cực) và danh xưng của nhà thám hiểm nổi tiếng của thế kỷ XX - Ernest Shackleton.

Trong Kỷ Trias (200-251 triệu năm), Trái đất vừa trải qua một biến cố sinh học vĩ đại - sự kiện tuyệt chủng hàng loạt Kỷ Permi (252-300 triệu năm), khiến 95% sinh vật bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, sự sống đã hồi phục nhanh và mạnh không ngờ.

Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy - Ảnh 6.

Antarctanax shackletoni

Nhờ nhiệt độ nóng ẩm và lượng mưa vừa phải, thực vật thuận lợi nảy mầm đâm lá, ngày càng to lớn khủng khiếp. Như thể cộng hưởng với cây cối, các loài bò sát không chỉ bùng nổ về số lượng mà còn mỗi ngày một phát tướng. Chúng thậm chí biết tiến hóa để trở thành khủng long bay và ăn thịt.

Nhưng trước đó, tại vùng đất tiền thân của Nam Cực, kẻ khuấy đảo mặt đất thực ra lại là nhà bò sát tầm trung Antarctanax shackletoni.

Tiên phong xây dựng "đế chế" khủng long

Xét về mặt kích thước, Antarctanax shackletoni chỉ bằng một con cự đà ngày nay. Theo Brandon Peecook, nhà nghiên cứu của Bảo tàng Field, thì chúng là tổ tiên của nhà cá sấu và khủng long. "Về cơ bản, nó hơi giống với một con thằn lằn," – ông cho hay.

"Ngoài Antarctanax shackletoni, Nam Cực thuở ấy có lẽ còn nhiều loài ăn thịt kích thước nhỏ khác," – Peecook lý giải thêm. "Một số chúng to bằng Antarctanax shackletoni. Và như mọi loài lưỡng cư, chúng cũng đều ăn thịt. Có rất nhiều con mồi để chúng bắt, từ côn trùng đến các đồng loại bé hơn."

Thực chất, hóa thạch Antarctanax shackletoni mà các nhà khai quật tìm được ở Nam Cực chỉ bao gồm phần đốt sống, xương chân và xương sườn. Song cho dù chưa tìm thấy hộp sọ có răng nanh, giới nghiên cứu vẫn tự tin khẳng định chúng là loài ăn thịt, có cái đầu tương tự như đầu cá sấu.

Từng có một Nam Cực ấm áp không băng giá, cây cỏ xanh tốt và đây là vị vua thống trị thế giới ấy - Ảnh 8.

Sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt Kỷ Permi, Antarctanax shackletoni là một trong 5% những loài may mắn sống sót. Nhờ sẵn thức ăn và ít đối thủ cạnh tranh, chúng mới bùng phát, cuối cùng lấp đầy khoảng trống của không gian sinh thái cổ xưa.

Khoảng 10 triệu năm sau, khủng long mới bắt đầu xuất hiện uy lực trên mặt đất, phô bày dáng vẻ của những "vị vua" đĩnh đạc, oai hùng. Nhưng chúng dẫu sao cũng chỉ là hàng con cháu kế nhiệm của Antarctanax shackletoni mà thôi, chứ không phải là "quốc vương" tiên phong thành lập "đế chế".

Tham khảo: MNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại