Trường kỳ đấu tranh chống dâm tặc ở Ấn Độ

Thái An |

Năm năm sau vụ hiếp dâm tập thể và sát hại nữ sinh viên 23 tuổi trên xe buýt ở Delhi, giờ đây Ấn Độ đã trở thành nơi an toàn hơn cho phụ nữ?

Trường kỳ đấu tranh chống dâm tặc ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Người dân biểu tình chống dâm tặc với khẩu hiệu "Ấn Độ chống lại nạn hiếp dâm".

Hơn 9h tối ngày 16/12/2012, nữ sinh viên ngành vật lý trị liệu cùng một người bạn (nam giới) lên xe buýt. Cô bị tài xế và 5 người đàn ông khác trên xe hãm hiếp tập thể, trong khi bạn cô bị họ đánh trọng thương. Sau đó, họ bị vứt xuống lề đường trong tình trạng khỏa thân, máu me đầy người.

Cuối cùng, hai nạn nhân được đưa tới bệnh viện sau khi một số người đi đường nhìn thấy họ và gọi cảnh sát. Cô gái chống chọi được hai tuần thì đầu hàng thần chết vì vết thương quá nặng. Bạn cô thoát chết nhưng mang sẹo suốt đời.

Vụ việc gây chấn động Ấn Độ và báo chí gọi nữ sinh viên là Nirbhaya (người dũng cảm). Một thập kỷ trước đó, phóng viên BBC cũng đã gặp một Nirbhaya như vậy. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở bang Gujarat, cô đến thủ đô Delhi cùng chồng và con nhỏ.

Trong vòng vài tháng, hai vợ chồng lao động vất vả kiếm tiền công theo ngày, rồi lâu lâu trở về quê. Tại nhà ga xe lửa, trong đám đông xô đẩy, cô bị lạc chồng con.

Họ lên tàu, còn cô bị bỏ lại phía sau. Thấy cô ngồi khóc trên sân ga, một người đàn ông theo đạo Sikh, trông có vẻ tử tế lại gần hỏi han. Người này bảo mình là tài xế xe tải và sẽ đưa cô về nhà. Vì không có tiền, cô nhận lời.

Trong 4 ngày sau đó, cô bị nhốt trong xe tải để tên tài xế và 3 người đàn ông khác hiếp dâm tập thể một cách tàn bạo. Nghĩ rằng nạn nhân sắp chết, đám dâm tặc quẳng cô xuống vệ đường. Sau đó, người ta tìm thấy cô và đưa đến bệnh viện.

Sau nhiều tháng chữa trị, cô được đưa tới một mái ấm dành cho phụ nữ ở Delhi do một tổ chức phi chính phủ lập ra. Cơ thể cô giống như một vùng chiến địa. 

Nội tạng của cô bị tổn thương nghiêm trọng, phải sinh hoạt cùng với một chiếc ống đi ra từ phần bụng dưới và gắn với một chiếc túi.

Ngực cô chi chít vết bỏng do bọn dâm tặc gí thuốc lá đang hút dở. Cô không biết chồng con mình ở đâu vì cả ở quê và Delhi, họ đều sống kiểu tạm bợ, không có nơi ở cố định.

Thay đổi thái độ

Sau vụ 16/12/2012, người dân Ấn Độ đổ xuống đường biểu tình khắp nơi và nỗ lực đấu tranh của họ được đền đáp. Một luật mới ra đời với các hình phạt nặng hơn dành cho đối tượng phạm tội ác chống phụ nữ. 

Và thay đổi lớn nhất là về thái độ. Hiếp dâm, tấn công tình dục trở thành chủ đề trao đổi, trò chuyện trong phòng khách, điều trước đây hiếm khi xảy ra ở Ấn Độ, nơi tình dục và tội phạm tình dục là một chủ đề cấm kị. Đây được coi là bước đi đầu tiên để Ấn Độ trở thành nơi tốt hơn cho phụ nữ.

Bất kể vụ việc nào diễn ra, dù lớn hay nhỏ, đều được bàn luận, được báo chí đăng tải. Quyền của phụ nữ được sống an toàn, hưởng sự bình đẳng được đề cao. 

Báo chí đăng tải về nhiều phong trào đấu tranh cho phụ nữ, như quyền được vào đền Hindu, quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn, quyền chống lại thủ tục ly hôn cấp tốc…

Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất của cơ quan lưu trữ hồ sơ tội phạm của Ấn Độ cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa. 

Năm 2016, tội ác nhằm vào phụ nữ vẫn tiếp tục gia tăng. Hàng nghìn cô dâu vẫn bị sát hại vì vấn đề của hồi môn, hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em gái vẫn bị hiếp dâm, hàng trăm nghìn vụ bạo lực gia đình, nạo thai (khi biết giới tính thai nhi là nữ) vẫn diễn ra.

Tuần qua, báo chí lại đưa tin về một vụ hiếp dâm, tra tấn và sát hại một em bé 6 tuổi, hiếp dâm một bệnh nhân ung thư 16 tuổi và một nữ diễn viên Bollywood bị quấy rối tình dục trên máy bay.

Nhưng tin vui là phụ nữ Ấn Độ vẫn kiên cường, bất khuất, không chịu đầu hàng. Họ vẫn đang đấu tranh cho một tương lai tươi sáng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại