Trưởng Khoa Gan mật BV Nhi: Khi trẻ có dấu hiệu này trên 2 tuần, bắt buộc phải khám ngay

Bích Hiền |

Giai đoạn vàng của trẻ teo đường mật bẩm sinh gói gọn trong 100 ngày sau sinh, muộn 1 ngày là trẻ mất đi 1% cơ hội phẫu thuật thành công.

Ngày 28/10, lần đầu tiên, Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội teo mật bẩm sinh đã tổ chức buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ teo mật bẩm sinh. Tham dự buổi sinh hoạt có khoảng hơn 300 người bao gồm người nhà bệnh nhân và các bệnh nhi trẻ tuổi, những người đang được điều trị căn bệnh teo mật bẩm sinh tại Khoa Gan mật.

Đến tham dự buổi sinh hoạt, khá nhiều người bày tỏ lần đầu tiên được nghe đến căn bệnh này. TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện nhi Trung ương cũng cho biết, đây là căn bệnh ít được biết đến ngay cả với nhân viên y tế.

Ở các nơi khác, bệnh này được coi là rất hiếm bởi trẻ mắc bệnh không được phát hiện ra bệnh mà thường bị chẩn đoán nhầm sang các dạng bệnh lý khác như vàng da sinh lý, viêm gan... Chính vì chẩn đoán nhầm, phát hiện muộn, nhiều trẻ bị bỏ qua cơ hội vàng được phẫu thuật để điều trị bệnh.

Trưởng Khoa Gan mật BV Nhi: Khi trẻ có dấu hiệu này trên 2 tuần, bắt buộc phải khám ngay - Ảnh 1.

(TS Nguyễn Phạm Anh Hoa - người ngồi thứ 2 từ phải sang - đang trả lời câu hỏi của cha mẹ bệnh nhi trong buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Teo mật bẩm sinh)

Trẻ vàng da trên 2 tuần bắt buộc phải khám chuyên khoa Nhi

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, teo đường mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật, được đặc trưng bởi sự gián đoạn hoặc thiếu hụt của hệ thống đường mật ngoài gan, dẫn đến cản trở dòng chảy của mật.

Teo mật bẩm sinh ở trẻ em được coi là căn bệnh hiếm gặp. Theo con số thống kê, tỷ lệ mắc bệnh là 1/8000 - 1/14000. Tỷ lệ này tại vùng Châu Á cao hơn các vùng khác trên thế giới, trẻ gái có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trẻ trai.

Tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ trẻ mắc teo mật bẩm sinh, tuy nhiên, ở Khoa Gan mật, bệnh viện Nhi Trung ương, 50 giường bệnh thì đến 1 nửa số giường dành cho bệnh nhân mắc bệnh này.

Có nhiều giả thiết về nguyên nhân gây teo mật bẩm sinh, tuy nhiên cho đến nay các nhà khoa học vẫn nghiêng về giả thiết bệnh do nhiễm khuẩn, virus, do những bất thường trong thai kỳ, do yếu tố môi trường... Bệnh được coi là không có liên quan tới yếu tố di truyền.

Những dấu hiệu chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh được gợi ý như vàng da kéo dài sau sinh, phân bạc màu sớm và liên tục, phát hiện lá lách to khi khám tại các cơ sở y tế. Cụ thể như sau:

+ Vàng da, vàng mắt: Dấu hiệu này thường xuất hiện 2 - 4 tuần sau sinh, vàng da và mắt tăng dần. Triệu chứng này có thể kế tiếp sau giai đoạn vàng da sinh lý nên rất dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm là vàng da sinh lý kéo dài.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, không có chẩn đoán vàng da sinh lý kéo dài. Tất cả những trường hợp vàng da sinh lý kéo dài trên 2 tuần tuổi đều là vàng da bệnh lý, cần được thăm khám và xét nghiệm. Chỉ bằng mắt nhìn thì không ai có thể xác định được vàng da sinh lý và bệnh lý. Nếu có dấu hiệu vàng da trên 2 tuần thì bắt buộc phải đưa con tới bệnh viện chuyên khoa Nhi.

+ Phân bạc màu sớm và liên tục: Đây là triệu chứng rất quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá hiệu quả sớm của phẫu thuật cũng như theo dõi sau mổ các bệnh nhân teo đường mật. Triệu chứng này nhận biết bằng phân bạc màu dần từ tuần 2 - 4 sau đẻ, có một số ít xuất hiện phân bạc màu ngay trong vài ngày đầu khi vừa hết phân su.

Màu phân điển hình là phân bạc màu và trắng như cứt cò hoặc xi măng, tuy nhiên trên thực tế thường hay gặp màu vàng rất nhạt hoặc vàng chanh.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, phân bạc màu trong teo đường mật bẩm sinh xuất hiện liên tục, khác với phân bạc màu trong viêm gan sơ sinh có thể xen kẽ một số ngày phân vàng.

+ Gan lách to: Triệu chứng này sẽ được phát hiện khi trẻ đi khám ở các cơ sở y tế.

Phẫu thuật muộn 1 ngày, trẻ mất đi 1% cơ hội thành công

TS Phạm Duy Hiền nói về áp lực của người làm phẫu thuật Kasai cho trẻ teo mật bẩm sinh

Trẻ được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh sẽ được điều trị bằng phẫu thuật Kasai kết hợp với các điều trị nội khoa. Trong phẫu thuật Kasai, phẫu thuật viên sẽ cắt dải xơ vùng gan rốn, nối rốn gan với quai ruột (hỗng tràng) nhằm mục đích dẫn lưu mật xuống ruột, hạn chế sự ứ đọng mật tại các tế bào gan.

TS Anh Hoa cho biết, nếu trẻ teo mật bẩm sinh không được chẩn đoán và phẫu thuật Kasai, 50 - 80% bệnh nhân sẽ tử vong vì xơ gan mật khi 1 tuổi. Tỷ lệ này tăng 90 - 100% lúc 3 tuổi. Vì vậy nếu trẻ có biểu hiện nghi ngờ teo đường mật bẩm sinh, gia đình cần ngay lập tức đưa trẻ đến viện để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Việc chẩn đoán và phẫu thuật sớm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của điều trị. Theo TS Anh Hoa, giai đoạn vàng của trẻ teo đường mật bẩm sinh gói gọn trong 100 ngày sau sinh, muộn 1 ngày là trẻ mất đi 1% cơ hội thành công, sau 100 ngày, có thể trẻ đã không còn cơ hội phẫu thuật mà phải chờ ghép gan.

"Về mặt lý thuyết, có thể phẫu thuật càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện ra đứa trẻ bị teo đường mật bẩm sinh. Tuy nhiên, phẫu thuật sớm quá thì đứa trẻ đối diện với nguy cơ bục miệng nối, nghĩa là 2 miệng nối rốn gan và võng tràng bị bục ra, chảy máu, biến chứng nhiều hơn.

Vì thế, người ta khuyến cáo nên phẫu thuật cho trẻ từ quanh 1 tháng tuổi, tức là từ 1 tháng trở lên đến 2 tháng tuổi. Cho đến 100 ngày tuổi, em bé vẫn có cơ hội làm phẫu thuật tốt. Nhưng từ 100 ngày tuổi trở đi, mật càng ứ làm gan xơ nên càng muộn càng không tốt" - TS Nguyễn Phạm Anh Hoa trao đổi với PV.

"Em hãy tin chị, đừng tin thuốc Nam"

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, người dành rất nhiều tâm huyết cho các bệnh nhân tại khoa Gan mật, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay các bậc cha mẹ còn rất bỡ ngỡ trước những thông tin về căn bệnh teo đường mật bẩm sinh.

Ngay trong buổi sinh hoạt CLB, TS Nguyễn Phạm Anh Hoa chia sẻ một phụ huynh có mặt tại hội trường, là người đã không đặt niềm tin vào chị mà cho con điều trị bằng thuốc Nam, chính vì thế bé đã mất đi cơ hội được phẫu thuật, phải chờ ghép gan.

Đó là trường hợp rất đáng tiếc, nhưng BS Anh Hoa vẫn rất kiên trì thuyết phục: "Em hãy tin chị, đừng dùng thuốc Nam, cơ hội cho con em vẫn còn, đó là ghép gan".

Chính vì vậy, chị và các đồng nghiệp của mình cố gắng tổ chức ra câu lạc bộ Teo mật bẩm sinh và website ganmatnhi.com nhằm giúp cha mẹ trang bị thêm kiến thức, kết nối cộng đồng cha mẹ các bệnh nhi và cha mẹ với nhân viên y tế nhằm tạo môi trường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh này.

Hiện nay, có nhiều cơ sở quảng cáo điều trị các dấu hiệu teo đường mật bẩm sinh như vàng da, phân bạc màu bằng phương pháp dân gian, thuốc Nam... Rất nhiều cha mẹ cho con điều trị theo cách này với hy vọng con khỏi bệnh mà không cần phẫu thuật hay ghép gan.

TS Anh Hoa khuyến cáo, teo mật bẩm sinh được coi là dị vật bẩm sinh đường tiêu hoá, vì vậy không thể chữa khỏi bằng các phương pháp dân gian hay dùng thuốc Nam. Việc sử dụng các phương pháp này sẽ trì hoãn việc sử dụng các phương pháp điều trị cần thiết, làm mất thời điểm vàng phẫu thuật Kasai, gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh của trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại