Trước thềm Lưỡng hội, Tập Cận Bình cảnh báo sự nguy hiểm của doanh nhân "găng tay trắng"

Thủy Thu |

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng yêu cầu cán bộ dưới quyền nâng cao sức mạnh chính trị nhằm tăng "sức đề kháng" chống lại những "mầm bệnh nguy hại".

Ngày 13/2, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, sáng cùng ngày Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại một hội thảo chuyên đề về Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII.

Hình thức hội thảo này có lịch sử 18 năm (từ năm 1999) và những học viên đều là những người đứng đầu cơ quan đảng-chính phủ-quân đội các cấp.

Đáng chú ý, tại hội thảo, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặc biệt yêu cầu bộ máy quan chức thực hiện nghiêm khắc tự kỷ luật và chống hiện tượng đặc quyền đặc lợi.

"Cán bộ lãnh đạo cần nghiêm khắc tự kỷ luật, cần chú trọng tinh thần tự giác đồng thời đấu tranh với hiện tượng và tư tưởng đặc quyền, bắt đầu thực hiện từ bản thân, quản lý từ người thân, từ địa bàn gần nhất xây dựng 'hàng rào bảo vệ" nhằm phòng chống và ngăn chặn hiện tượng đặc quyền", ông Tập nhấn mạnh.

Đa chiều (Mỹ) nhận định, yêu cầu quan chức các cấp cảnh giác tránh bị lôi kéo bởi những tập đoàn lợi ích, phát ngôn của ông Tập đã truyền tải một thông điệp rõ ràng.

Theo đó, tầng lớp lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ đã nhận thức được rằng, Trung Quốc đã xuất hiện những "tập đoàn lợi ích khổng lồ" và những tập đoàn này thậm chí có thể thông qua việc "giăng bẫy" các đảng viên, làm ảnh hưởng đến hoạch định chính sách quốc gia.

Đối với người Trung Quốc, "tập đoàn lợi ích" chính là sự kết hợp giữa giới chính trị và thương nhân. Cụm từ "găng tay trắng" thường được dùng để chỉ những doanh nhân được "che chắn" bởi các quan chức lãnh đạo tham nhũng. 

Trong các vụ án tham nhũng lớn tại đất nước tỷ dân những năm gần đây đều có bóng dáng đội ngũ "găng tay trắng". Ví như sau cựu Bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân là nữ doanh nhân Đinh Thư Miêu, đằng sau cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai là Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thực Đức Từ Minh v.v...

"Phát triển mối quan hệ tốt với tầng lớp quan chức cấp cao đã trở thành một loại tài sản vô hình đối với giới doanh nhân Trung Quốc", Đa chiều nhấn mạnh.

Đáng chú ý, sau Đại hội XVIII (năm 2012) của ĐCSTQ, ông Tập đã ủng hộ thiết lập mối quan hệ giữa hai giới chính trị-doanh nhân hình thức mới theo hướng "thân và thanh", tức chân thành và trong sạch với doanh nghiệp. 

Nhưng đến nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh cảnh giác sự "giăng bẫy" của tập đoàn lợi ích.

Điều này cho thấy, Bắc Kinh luôn luôn cảnh giác việc những nhóm lợi ích thông qua các hình thức khác nhau để can thiệp chính trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại