Trung tướng Phan Thu và những câu chuyện về "Trinh sát nhiễu"

Đặng Thị Lan Hương |

Trong chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ rất coi trọng và đề cao cuộc chiến tranh điện tử, trong đó, trinh sát điện tử và gây nhiễu là biện pháp kỹ thuật, chiến thuật hàng đầu của địch.

Để có được những chiến thắng vang dội trên bầu trời miền Bắc, không thể không kể đến sự đóng góp "thầm lặng" của đơn vị trinh sát nhiễu, trong đó có Trung tướng Phan Thu và đồng đội của ông.

Đúng vào thời kỳ đế quốc Mỹ đưa máy bay B-52 (pháo đài bay) đánh phá miền Bắc Việt Nam với hệ thống gây nhiễu của chúng, tất cả các loại ra đa cảnh giới, cao xạ, tên lửa của ta đều bị nhiễu nặng, rất khó phát hiện máy bay địch.

Trước yêu cầu của cuộc chiến đấu, ngày 10/01/1967, đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân ký quyết định số 508/TM-QL thành lập "Đội Trinh sát nhiễu" trực thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng.

Đội Trinh sát nhiễu có nhiệm vụ nắm tình hình gây nhiễu của địch, nghiên cứu tìm ra biện pháp chống nhiễu và phổ biến kinh nghiệm chống nhiễu cho các đơn vị trong toàn Quân chủng.

Những cán bộ đầu tiên của Đội Trinh sát nhiễu gồm: Đồng chí Phan Thu - Đội trưởng, đồng chí Trương Liêu - Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Xuân Đại và Đặng Đình Vinh - Đội phó.

Thiết bị trinh sát gồm đầy đủ các máy thu sóng mét P-313, P-314, P-315; máy thu sóng đềximet, centimet D1K; máy thu tín hiệu rađa PC-1, PC-2, PC-3, cùng các thiết bị bổ trợ, phân tích phổ tín hiệu, máy ghi âm, máy quay phim, máy chụp ảnh, sau đó có thêm các trạm trinh sát rađa exOCT-2M, exOCT-3M.

Cho đến ngày 16/01/1970, Đội Trinh sát nhiễu được phát triển thành Tiểu đoàn Nhiễu, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 8 (d8), đồng chí Phan Thu được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng.

Tháng 6/1967, khi máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang ở Hà Nội, Đội nhiễu đã bắt đầu mở máy và thu được những tín hiệu nhiễu của địch, đo được các dải tần số nhiễu, đặc biệt là phát hiện được các dải tần số nhiễu rãnh đạn tên lửa phòng không, giúp cho các chuyên gia Liên Xô tìm ra nguyên nhân mà nhiễu của địch đã làm cho tên lửa của ta mất điều khiển, tạo cơ sở cải tiến tên lửa chống nhiễu rãnh đạn có hiệu quả đối với lực lượng Phòng không - Không quân.

Trung tướng Phan Thu say sưa kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của những tấm ảnh Nhiễu:

"Tôi và đồng chí La Văn Sàng thường mang theo máy chụp ảnh, máy quay phim ra dáng những phóng viên chiến tranh đi các chiến trường, nhưng không phải để chụp ảnh, quay phim đạn bay, bom nổ, những đoàn quân hành quân ra mặt trận hoặc xung phong vào đồn bốt địch mà chụp ảnh quay phim màn hình các loại ra đa, tên lửa phòng không trong chiến đấu.

Đó là chiến trường của đội ngũ cán bộ nghiên cứu nhiễu và chống nhiễu chúng tôi".

Để ghi lại những hình ảnh nhiễu, những diễn biến chiến đấu trên màn hiện sóng, những "phóng viên nhiếp ảnh" không chuyên đã "nằm vùng" cùng chiến đấu với bộ đội ra đa, pháo phòng không, tên lửa cũng vất vả, gian nan và không kém phần nguy hiểm.

Những tấm ảnh kỳ diệu, những thước phim quý giá mà họ đã chụp hoặc quay được đã khích lệ và động viên chính mình vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

Đầu năm 1968, khi Đội nhiễu cơ động vào phục vụ Sở chi huy tiền phương của Quân chủng được bố trí tại nông trường Đông Hiếu (Yên Thành, Nghệ An). Thời gian này, địch đã xuống thang chiến tranh, chỉ đánh từ vĩ tuyến 19 trở vào.

Đồng chí Phan Thu và La Văn Sàng tham gia chiến đấu thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236.

"Lúc đó vào khoảng 12 giờ đêm, có 2 chiếc máy bay A6E của Hải quân Mỹ đi tìm và đánh các trận địa tên lửa Phòng không của ta bằng Shrike. Đài điều khiển của ta phát sóng, bắt được mục tiêu ở cự ly tương đối gần và phóng luôn hai quả đạn.

Chúng tôi phân công mỗi người chụp ảnh trên một màn hiện sóng, góc tà và góc phương vị trong suốt quá trình chiến đấu, trắc thủ bám sát mục tiêu và điều khiển đạn.

Tôi liên tục lên phim và bấm máy mong sao chụp được nhiều kiểu ảnh nhất, tư tưởng hoàn toàn tập trung vào công việc, không hề hay biết mình đã chụp được bao nhiêu kiểu ảnh, ngay cả khi Shrike do địch phóng về trận địa chỉ cách có vài chục mét.

Kết quả chiến đấu đêm hôm đó, máy bay địch bị trúng đạn và rơi tại chỗ. Đạn của ta gặp mục tiêu trước khi tên lửa Shrike phóng xuống khu vực trận địa của ta và bị chệch ra ngoài trận địa, do đài điều khiển đã tắt máy phát sau khi máy bay địch đã bị tiêu diệt".

Thời gian đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng Trung tướng Phan Thu và đồng đội trong Tiểu đoàn nhiễu vẫn còn nhớ rõ:

"Sáng hôm sau về Sở chỉ huy Đội nhiễu, chúng tôi tráng cuộn phim đã chụp được, những kiểu ảnh nối tiếp nhau phản ánh rất trung thực diễn biến của trận chiến. Thật bất ngờ, trong đó có một kiểu ảnh có tín hiệu phản xạ từ Shrike của địch khi bắt đầu rời máy bay và phóng về phía ta.

Qua diễn biến thực tế chiến đấu và qua bộ ảnh chụp được trong đêm bắn rơi máy bay A6E, chúng tôi đã rút ra kết luận rằng nếu chú ý và quan sát kỹ trên màn hiện sóng đài điều khiển tên lửa, trắc thủ hoàn toàn có thể thấy được tín hiệu phản xạ cùng với tín hiệu phản xạ của máy bay nếu đó là máy bay phóng Shrike.

Và nếu chúng ta chọn cự ly phát sóng và cự ly phóng đạn thích hợp thì có thể tránh được Shrike và tiêu diệt được máy bay địch trước khi Shrike phóng đến trận địa của ta".

Trên khuôn mặt của vị "tướng già" vẫn sáng ngời vẻ vui mừng về kết quả đã đạt được, ông tiếp tục câu chuyện với chúng tôi bằng lời kể đầy hãnh diện: Tài liệu về tổng kết Nhiễu và chống Nhiễu 12 ngày đêm cuối năm 1972

Những "phóng viên nhiếp ảnh" của đội nhiễu không chỉ chụp những tấm ảnh nhiễu chân thực, mà còn nghiên cứu tìm ra bản chất của từng loại nhiễu, giải thích từng hiện tượng nhiễu: Nhiễu giọt mưa, nhiễu quét, nhiễu râu, nhiễu xoắn thừng, nhiễu tích cực, nhiễu tiêu cực, nhiễu nguỵ trang, nhiều đánh lừa...

Đây là công việc rất quan trọng vì nó quyết định việc bám sát mục tiêu để đánh không quân địch.

Là những cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học quân sự, trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, thực tiễn chiến đấu, họ đã nghiên cứu nhiễu trên màn hiện sóng các loại ra đa, các thiết bị gây nhiễu mà chúng ta thu được sau khi bắn rơi máy bay địch. Từ đó, tìm ra bản chất các dạng nhiễu của địch trên từng ra đa cụ thể để có cách đối phó chống nhiễu.

Ngay sau đó, bộ ảnh nhiễu và một tài liệu phân tích các dạng nhiễu trên màn hiện sóng tên lửa được in thành nhiều bản và gửi đến các Tiểu đoàn, Trung đoàn tên lửa làm tài liệu huấn luyện, rút kinh nghiệm chiến đấu.

Trong cuốn: Tài liệu về tổng kết Nhiễu và chống Nhiễu 12 ngày đêm cuối năm 1972, đồng chí Phan Thu đã phân tích rất rõ về chất nhiễu của máy bay B-52.

Cuối năm 1972, Mỹ đã đưa máy bay B-52 tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng. Không quân địch đã sử dụng tối đa chiến tranh điện tử để phục vụ cho B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng như: Nhiễu B-52 trong đội hình có cường độ nhiễu rất mạnh; Nhiễu giả B-52 trong đội hình; Nhiễu tiêu cực của máy bay F4E (từ 4 đến 8 chiếc F4E), trước trận đánh từ 10 đến 15 phút (tạo hành lang nhiễu tiêu cực dài từ 10 đến 70 km, độ cao từ 3 – 5 km); Nhiễu trong đội hình cường kích. Nhiễu của Sư đoàn đi bảo vệ; Nhiễu hạm tàu; Nhiễu EB-66 ngoài đội hình.

Âm mưu của địch nhằm tạo thành một hệ thống nhiễu tổng hợp để che lấp mục tiêu B-52 trên nền hiện sóng của ra đa tên lửa, làm cho tên lửa không bắt được mục tiêu B-52.

Trong thực tế, ta đã nắm được âm mưu chiến lược này của địch. Quân uỷ Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo từ tháng 8/1972, Quân chủng tổ chức tập huấn rút kinh nghiệm đánh B-52, giả B-52 ở Sư đoàn 363 Hải Phòng.

Trong thời gian này, Đội Trinh sát nhiễu phải mở máy trực 24/24 giờ trong ngày. Các trắc thủ của Đội Nhiễu kiên trì không mệt mỏi, làm việc trước máy thu, các màn hiện sóng phân tích phổ tín hiệu

Đồng chí Phan Thu đã phân tích về quy luật của nhiễu B-52 và cách chống. Trước các thông tin phức tạp về nhiễu như: Thời điểm xuất hiện các loại nhiễu khác nhau, cường độ nhiễu và sự biến động cường độ nhiễu, hướng xuất hiện nguồn phát nhiễu, hướng và số lượng ra đa hạm tàu được mở máy làm việc…

Bằng phương pháp thống kê tỉ mỉ, khoa học, đội nhiễu đã xử lý rất công phu để rút ra những dấu hiệu cho thấy có máy bay B-52 vào đánh và khả năng đánh vào hướng nào? Qua nhiều lần nghiên cứu, Đội nhiễu đã có thể biết trước được khoảng 10 đến 15 phút thời điểm máy bay B-52 thả bom.

Do đặc điểm địa hình, lực lượng phòng không của từng khu vực có khác nhau nên ảnh hưởng về nhiễu khi B-52 vào cũng khác nhau. Trong thời gian này, để có cách đánh hiệu quả, chúng ta phải nắm được đặc điểm nhiễu B-52 khi vào Hà Nội.

Máy bay B-52 càng vào gần, góc tà của máy bay càng nâng cao, thoát khỏi sự yểm hộ nhiễu của EB-66. Do vậy, càng vào gần, tốc độ biến đổi góc tà của B-52 càng nhanh giúp trắc thủ phân biệt dễ dàng dải nhiễu EB-66 và dải nhiễu B-52.

Đây là yếu tố để lộ mục tiêu của B-52. Lúc này B-52 chỉ trông mong vào máy gây nhiễu của bản thân nó. Trong khi đó, trận địa phòng không bảo vệ Hà Nội được bố trí dày đặc xung quanh mục tiêu, trải ra một diện tích khá rộng, B-52 muốn cắt bom vào Hà Nội phải vào sâu trong khu vực hoả lực của tên lửa.

Ta đã chủ động bố trí đội hình chiến đấu cho các lực lượng Phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng nên khi B-52 vào đánh, yếu tố bất ngờ dùng thủ đoạn nhiễu tổng hợp bảo vệ B-52 không còn nữa. Cường độ nhiễu đã bị phân tán. Hầu hết các đơn vị tên lửa đã bắt được mục tiêu trên nền nhiễu tạp ở cự ly 40 km, phổ biến là từ 24 - 26 km.

Căn cứ vào tình hình các loại nhiễu của địch, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân đã đưa ra các biện pháp chống nhiễu về mặt chiến thuật, xạ kích, thao tác và cải tiến kỹ thuật để chống nhiễu như: Cải tiến kỹ thuật nâng cao tính năng cho bộ khí tài tên lửa; Cải tiến kỹ thuật dùng rađa K8-60 phục vụ cho tên lửa xác định toạ độ mục tiêu để chống nhiễu và chống Shrike.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, Mỹ dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng tuy kỹ thuật chiến tranh điện tử của ta có hạn, song bằng sự thông minh sáng tạo đã hoá giải được mặt mạnh của kỹ thuật nhiễu điện tử tổng hợp của địch bằng chiến thuật kết hợp với kỹ thuật, bố trí đội hình chiến đấu tên lửa đánh bọc lót cho nhau, góp phần quan trọng đánh tan âm mưu của địch.

Bộ đội Phòng không - Không quân với quyết tâm "vạch nhiễu tìm thù" đã nghiên cứu thủ đoạn của địch, các trận đánh trong nhiễu ngày càng có hiệu quả, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay Mỹ, trong đó có cả máy bay chiến lược B-52.

Sáng kiến chống nhiễu của Quân chủng Phòng không - Không quân từ năm 1968 - 1972 đã được Đảng, Nhà nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về khoa học kỹ thuật, trong đó có sự đóng góp lớn của Trung tướng Phan Thu và các đồng chí trong Tiểu đoàn Nhiễu.

Qua những câu chuyện về "Trinh sát nhiễu" của Trung tướng Phan Thu và những tư liệu, hiện vật, hình ảnh giới thiệu về chiến thắng "Chiến tranh điện tử" trưng bày tại Bảo tàng Phòng Không - Không quân, các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu thêm về tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm, sáng tạo của Bộ đội Phòng không - Không quân anh hùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại