Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí về lộ trình rút quân khỏi biên giới

Hải Vân |

Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý rút quân khỏi biên giới “theo đợt” nhằm xoa dịu căng thẳng sau những thỏa thuận tại cuộc đàm phán mới nhất.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), các nhà quan sát ngoại giao cho biết thỏa thuận này sẽ ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ. Tuy nhiên, việc rút quân không có nghĩa là hai nước sẽ ngừng triển khai quân dọc biên giới dãy Himalaya và tình trạng đối đầu sẽ còn kéo dài.

Hôm 25/6, tờ Global Times đã đưa tin cả bên bên đã đồng ý thực hiện biện pháp nhằm giảm căng thẳng ở các khu vực biên giới. Theo đó, các binh sĩ sẽ được rút “theo đợt”. Các nhà quan sát cho rằng điều này có nghĩa là các binh sĩ khác nhau sẽ rút quân từ các khu vực khác nhau.

Thiếu tướng Liu Lin, Chỉ huy khu vực quân sự phía Nam Tân Cương của Trung Quốc, và Trung tướng Harinder Singh, chỉ huy quân đoàn 14 của Ấn Độ, đã gặp nhau tại Chushul, Ladakh hôm 30/6, lần thứ 3 trong một tháng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hai bên đã đạt được “những tiến triển tích cực” và sẽ tiếp tục đàm phán với nhau.

Lực lượng hai bên lần đầu đụng độ vào đầu tháng 5 dọc theo Đường Kiểm soát thực (LAC) giữa Ladahk do Ấn Độ kiểm soát và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Căng thẳng gia tăng trong hai tháng tiếp theo dẫn đến các cuộc xung đột khác tại nhiều địa điểm dọc đường biên giới kéo dài 3.400 km.

Hai vị tướng chỉ huy đã đồng ý hai bên sẽ rút khỏi những điểm gây tranh cãi dọc biên giới tranh chấp tại cuộc gần đây nhất của họ vào ngày 22/6, một tuần sau khi xảy ra cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ. Cuộc đụng độ đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng tại thung lũng Galwan hôm 15/6.

Cuộc đụng độ cũng làm gián đoạn việc thực hiện một thỏa thuận rút quân đạt được giữa hai vị tướng vào ngày 6/6.

Ông Sun Shihai, một nhà nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết các cuộc đụng độ vô tình dẫn đến chết người ở biên giới có thể tránh được bằng việc rút quân. Tuy nhiên, đây không phải là một thỏa thuận chính trị để chấm dứt tình trạng căng thẳng tại biên giới.

“Quân tiếp viện vẫn đang ở đó và căng thẳng biên giới vẫn sẽ tiếp tục. Ấn Độ đang mua thêm vũ khí và Trung Quốc cũng đang triển khai thêm quân. Cả hai bên không thể giải quyết tranh chấp của họ và họ vẫn không tin tưởng nhau. Họ đều lo lắng rằng phía bên kia sẽ có hành động bất ngờ”, ông Sun nói.

Vụ đụng độ nói trên là cuộc đối đầu biên giới lớn đầu tiên giữa hai nước kể từ sự kiện Doklam năm 2017, kéo dài hơn 70 ngày. Đây cũng là lần đầu tiên hai bên đối đầu tại thung lũng này kể từ cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962.

Ông Lin Minwang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á của Đại học Fudan, cho biết căng thẳng có thể kéo dài cho đến khi khí hậu ở dãy Himalaya buộc hai bên phải chấm dứt. “Hai bên đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Điều duy nhất có thể giảm căng thẳng cho cả hai bên là ngồi vào bàn đàm phán”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại