Trung Quốc: Tàu sân bay Type 001A chỉ là “bàn đạp” để tiến xa hơn

Phong Vân |

Trong ngắn hạn, tàu sân bay Trung Quốc có thể chủ yếu đóng vai trò là một công cụ để khẳng định vị thế nước lớn toàn cầu, chứ không phải dùng để đối đầu với tàu sân bay Mỹ.

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 3/5 dẫn báo chí Mỹ cho rằng, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A của Trung Quốc sẽ nhanh chóng hoàn thành ở nhà máy đóng tàu Đại Liên. Chiếc tàu sân bay này vẫn chưa được đặt tên, cần thời gian 2 năm lắp ráp thiết bị rồi mới có thể đưa vào sử dụng thực tế như tàu chị em của nó - chiếc Liêu Ninh.

Chiếc tàu sân bay này có nguồn gốc từ tàu lớp Kuznetsov thời đại Liên Xô. Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh được cải tạo trên nền tảng của tàu sân bay lớp Kuznetsov.

Điều đó lý giải vì sao hầu hết các chuyên gia tỏ ý chê bai loại tàu sân bay này, bởi vì chúng có một số điểm yếu rất rõ rệt khi so sánh với các siêu tàu sân bay động cơ hạt nhân của hải quân Mỹ.

Tàu sân bay tự chế mới Type 001A của Trung Quốc có chiều dài 300 m, lớn hơn một chút so với tàu Liêu Ninh, dự đoán sẽ chở nhiều máy bay chiến đấu J-15 hơn một chút, nhiều nhất có thể chở 30 chiếc.

Trong khi đó, hiện nay, liên đội máy bay trên tàu sân bay Mỹ thường có 64 máy bay. Nhưng, nếu đem so sánh trực tiếp khả năng tác chiến của tàu Liêu Ninh với tàu sân bay Mỹ thì đó là một việc thể hiện không nắm được bản chất vấn đề.

Tàu sân bay Type 001A được chế tạo nhằm tạo cơ sở để đóng và đưa vào biên chế nhiều tàu sân bay có sức chiến đấu hơn. Điều này có thể liên tưởng đến tình hình tàu sân bay đầu tiên USS Langley của Hải quân Mỹ trước đây.

Trung Quốc: Tàu sân bay Type 001A chỉ là “bàn đạp” để tiến xa hơn - Ảnh 1.

Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Cankao

Tàu USS Langley được cải tạo từ một tàu chở than động cơ hơi nước hạ thủy năm 1912. Chiếc tàu sân bay này dài 165 m, hoàn toàn khác với những siêu tàu sân bay sau này. Nhưng, tàu USS Langley vẫn là một thiết kế mang tính cách mạng.

Tàu USS Langley đã giúp cho Hải quân Mỹ biết cách quản lý, kiểm soát vô số thách thức khi tiến hành hoạt động của máy bay trên biển: hạ cánh, cất cánh, điều chỉnh máy bay trên đường băng và trong hầm chứa...

Đối với Trung Quốc, điều may mắn là họ không phải tìm kiếm các kỹ năng chuyên môn trong hoạt động tàu sân bay từ con số không. Bởi vì nước khác đã làm việc này vào đầu thế kỷ 20.

Nhưng, phát triển công nghệ của nước này và hình thành kinh nghiệm có hệ thống vẫn là một thách thức rất lớn. Mặc dù tàu sân bay mới của Bắc Kinh có lẽ không thể so sánh với tàu sân bay của hải quân Mỹ, nhưng nếu Trung Quốc muốn cạnh tranh thì thủy thủ và nhà máy đóng tàu của họ phải nhanh chóng tiếp thu kinh nghiệm.

Tàu sân bay Type 001A hoàn toàn không dự định chứng tỏ điều gì và tiến hành tác chiến với đối thủ có tiềm năng. Mặc dù vậy, ngoài đóng vai trò là công cụ thử nghiệm chiến đấu thực tế rất quan trọng, chúng có lẽ còn có một vai trò thứ yếu có ích.

Trung Quốc: Tàu sân bay Type 001A chỉ là “bàn đạp” để tiến xa hơn - Ảnh 2.

Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Cankao

Dù sao, trong thập niên 1970 sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tàu sân bay của Mỹ cũng hoàn toàn không phải luôn tham gia các cuộc chiến tranh quy mô lớn - để thay thế, chúng đã tạo ra khả năng tấn công cho các cuộc viễn chinh và đã trở thành biểu tượng răn đe của ý chí chính trị.

Trung Quốc đang từng bước phát triển khả năng tầm xa. Họ đã triển khai các tàu chiến ở vùng biển Somalia để tiến hành chống cướp biển, đồng thời đang xây dựng một căn cứ hải quân ở Djibouti, khu vực Đông Phi.

Vì vậy, trong ngắn hạn, tàu sân bay Trung Quốc có thể chủ yếu đóng vai trò là một công cụ để Trung Quốc khẳng định vị thế nước lớn toàn cầu, chứ không phải là một công cụ dùng để đối đầu với tàu sân bay Mỹ.

Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các loại tên lửa tầm xa để đe dọa tàu sân bay Mỹ. Đây là phương thức phi đối xứng, có hiệu quả mà chi phí lại rẻ hơn nhiều.

Bắc Kinh vẫn có ý định xây dựng một lực lượng tàu sân bay mạnh hơn. Theo truyền thông, họ có kế hoạch chế tạo tới 5 tàu sân bay. Quá trình này có thể cần tới vài chục năm. Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo tàu sân bay Type 002.

Các quan chức từng cho biết, tàu sân bay Type 002 sẽ áp dụng thiết kế "kiểu Mỹ" mới thực sự, sẽ có hệ thống phóng hơi nước, từ đó có thể làm cho máy bay chiến đấu trên tàu sân bay có tầm hoạt động xa hơn và tải trọng hiệu quả hơn.

Trung Quốc: Tàu sân bay Type 001A chỉ là “bàn đạp” để tiến xa hơn - Ảnh 3.

Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Cankao

Trung Quốc có thể chế tạo tàu sân bay Type 003 vào thập niên 20 của thế kỷ này. Đó sẽ là siêu tàu sân bay động cơ hạt nhân thực sự, đồng thời có thể áp dụng công nghệ phóng điện từ như tàu sân bay lớp Gerald Ford mới nhất hiện nay của Mỹ.

Lực lượng tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc còn yếu. Trước mắt, siêu tàu sân bay của hải quân Mỹ mặc dù chỉ 1 chiếc độc lập hoạt động thì cũng không có đối thủ nào trên thế giới có thể so sánh. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi thực tế này, tiến hành đầu tư dài hơi mang tính thử nghiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại