Trung Quốc lập siêu cơ quan để thúc đẩy việc chống tham nhũng

Cẩm Bình |

Báo cáo của Ủy ban kiểm tra kỉ luật trung ương (CCDI) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết từ năm 2018, một siêu cơ quan sẽ bắt cả công chức không phải đảng viên nếu phạm tội tham nhũng.

Theo báo cáo, siêu cơ quan mới sẽ mang tên “Ủy ban Giám sát quốc gia”, dự kiến sẽ được thành lập trong thời gian diễn ra kì họp “lưỡng hội” (họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và họp Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc) năm sau. Như vậy, thời gian các thành viên ủy ban này ra mắt sẽ là tháng 3.2018

Tân Hoa Xã cho hay Văn phòng trung ương Đảng quyết định cho phép Ủy ban Giám sát quốc gia thí điểm công tác, bắt đầu tiến hành giám sát tất cả viên chức bất kể phải hay không phải đảng viên.

Báo cáo của CCDI cũng nêu rõ: “Tất cả tỉnh, thành và khu vực cần phải căn cứ theo quyết định của Trung ương, kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm thực thi và thí điểm cải cách cụ thể từng nơi, hoàn thiện nhân viên giám sát, tiến hành hợp nhất tổ chức”.

Theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ tiến hành hợp nhất nhiều cơ quan chống tham nhũng lại với nhau, để đảm bảo phục vụ tốt cho công tác chống tham nhũng trên quy mô toàn quốc.

Trang Sina cho biết chuyện thành lập một cơ quan chống tham nhũng có phạm vi giám sát rộng hơn CCDI đã được thực hiện thí điểm tại Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang.

Vào tháng 1.2017, người đứng đầu Bộ Giám sát Trung Quốc Tiếu Bồi đã đề cập chuyện thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia. Ông cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với CCDI và sẽ dùng chung các nguồn lực, kể cả nhân lực.

Ông Tiếu đánh giá: “Trên thực tế thì đây là một bộ máy nhưng mang hai chức danh”.

Trang China Times nhận định rất có thể tân Bí thư CCDI Triệu Lạc Tế sẽ kiêm thêm chức Chủ nhiệm Ủy ban giám sát quốc gia vào năm tới. Hai Phó bí thư CCDI Dương Hiểu Độ và Lưu Kim Quốc cũng sẽ theo ông Triệu tham gia vào bộ máy lãnh đạo của cơ quan mới.

Trung Quốc lập siêu cơ quan để thúc đẩy việc chống tham nhũng - Ảnh 1.

Tân Bí thư CCDI Triệu Lạc Tế có thể sẽ kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia – Ảnh: Ifeng

Ủy ban chống tham nhũng mới này được đánh giá sẽ giúp ích rất nhiều cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng chiến dịch chống tham nhũng của mình.

Tạp chí Stratfor Worldview đánh giá quyết định thành lập cơ quan mới sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với cảnh sát và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực chống tham nhũng.

Theo Stratfor Worldview, từ trước đến nay việc hợp tác rất hạn chế, vì cảnh sát và các tổ chức quốc tế lo ngại CCDI là “một cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Hơn nữa, danh tiếng của tổ chức này cũng bị tổn hại, khi nhiều trường hợp tham nhũng lại chính là người của CCDI.

Do đó để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc quyết định thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới, tương đối độc lập hơn so với CCDI và cũng dễ hợp tác với quốc tế hơn, Stratfor Worldview nhận định.

Phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vừa qua, Chủ tịch Tập đã xác định tham nhũng “vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với đảng”, vì vậy “kiên quyết giữ thái độ không khoan nhượng với nạn tham nhũng, không nao núng trong thực hiện “đả hổ, đập ruồi lẫn săn cáo””.

Cũng theo ông Tập, chiến dịch chống tham nhũng “là không thể đảo ngược”. Ông Tập trong bài phát biểu tại Đại hội 19 cũng tuyên bố sẽ bỏ cơ chế “song quy” và thay bằng những quy định về tạm giam giữ.

"Song quy" là biện pháp kỷ luật yêu cầu đảng viên bị điều tra hợp tác với các quan chức phụ trách kỷ luật đảng và phải có mặt tại địa điểm, thời gian xác định để tường trình về các vấn đề liên quan đến vụ án. Địa điểm và thời gian thẩm vấn thường không được sắp xếp hay hé lộ trước theo bất kỳ quy tắc nào.

Các quan chức Trung Quốc bị áp dụng "song quy" khi điều tra nghi vấn tham nhũng thường sẽ bị hạn chế tự do đi lại và bị cách ly để thẩm vấn nhằm ngăn chặn đối tượng kéo dài thời gian, đào tẩu, thông cung hoặc tìm cách xóa chứng cứ vi phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại