Trung Quốc khoe tên lửa phòng không HQ-16 hơn cả Buk của Nga: Bị chuyên gia bóc mẽ

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến, Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng |

Sự xuất hiện của Hồng Kỳ HQ-16 tại một Triển lãm làm dấy nên nghi ngờ về sự sao chép toàn bộ hay chỉ là phiên bản copy ý tưởng của hệ thống phòng không Buk nổi tiếng của Nga.

Trong cuộc Triển lãm hàng không Chu Hải tháng 11/2016, Trung Quốc tiếp tục giới thiệu hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-16 (HQ-16) do Tập đoàn Khoa học kỹ thuật vũ trụ Trung Quốc (CASC) nghiên cứu chế tạo.

Sự xuất hiện của Hồng Kỳ-16 làm dấy nên nghi ngờ về sự sao chép của hệ thống phòng không Buk nổi tiếng của Nga. Vậy giữa hai hệ thống này có điểm gì giống và khác nhau.

Hồng Kỳ-16 có phải là "hàng nhái" toàn bộ hay chỉ là phiên bản "copy" ý tưởng hay một phần của hệ thống tên lửa phòng không Buk; chúng ta tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ cũng như so sánh tính năng kỹ chiến thuật của hai hệ thống này.

Trung Quốc khoe tên lửa phòng không HQ-16 hơn cả Buk của Nga: Bị chuyên gia bóc mẽ - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-16 Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật.

Nguồn gốc xuất xứ của Hồng Kỳ-16

Theo tạp chí "Kỹ thuật và vũ khí" Nga, Trung Quốc chưa được tiếp cận toàn bộ với hệ thống Buk-9K37; nhưng sở dĩ Trung Quốc nghiên cứu phát triển được loại vũ khí có quy cách và tính năng tương tự, có thể liên quan đến một giao dịch thương mại quân sự khác.

Tháng 8/1997, Trung Quốc và Nga đã ký kết hợp đồng mua bán tàu quân sự. Trong hợp đồng này, Nga đã bán cho Trung Quốc 2 chiếc tàu khu trục 956 lớp Sovremenny cùng hệ thống vũ khí đi kèm. Trung Quốc rất hài lòng với tính năng ưu việt của tàu 956 trong đó có hệ thống tên lửa phòng không Shtil (phiên bản của Buk trên tàu hải quân) trang bị trên tàu.

Rất nhanh chóng, loại vũ khí này được cục thiết kế Ngưu Lang Tinh và cục thiết kế Cách Tân phối hợp nghiên cứu và sản phẩm Hồng Kỳ-16 ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Từ copy một phần đến phiên bản Trung Quốc

Dự án nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa Hồng Kỳ-16 chính thức bắt đầu từ tháng 7/1999, năm 2009 chính thức công khai hóa trong lễ duyệt binh mừng quốc khánh; năm 2012 được đưa ra giới thiệu lần đầu tại Triển lãm hàng không Chu Hải.

Chính vì Trung Quốc không được tiếp cận đồng bộ với hệ thống tên lửa Buk, nên đơn vị tác chiến tiêu chuẩn của Hồng Kỳ-16 cũng khác với đơn vị tên lửa Buk nguyên bản. Hệ thống nguyên bản Buk bao gồm 1 xe radar trinh sát mục tiêu, 1 xe chỉ huy và 3 đến 4 xe radar điều khiển hỏa lực kiêm xe phóng. Ngoài ra, mỗi đại đội có thể có từ 2 đến 3 xe chở đạn kiêm xe phóng.

Hệ thống Hồng Kỳ-16 cũng bao gồm một xe radar trinh sát mục tiêu, 1 xe chỉ huy nhưng chỉ có 1 xe radar điều khiển hỏa lực, xe phóng được tách riêng và không có xe chở đạn kiêm xe phóng như của Buk.

Lý giải về điều này, các chuyên gia quân sự cho rằng, hệ thống Buk là hệ thống phòng không lục quân dã chiến, được tăng cường hoặc phối thuộc cho các sư đoàn cơ giới của Liên Xô (trước đây) và Nga ngày nay.

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã rút ra bài học kinh nghiệm từ những cuộc chiến tranh Trung Đông, nếu chỉ có radar điều khiển hỏa lực hoặc radar tìm bắt mục tiêu đơn nhất sẽ khó đảm bảo khả năng tác chiến liên tục của toàn bộ hệ thống tên lửa đất đối không, nếu radar hệ thống bị phá hủy, tất cả các nhánh hệ thống sẽ bị tê liệt.

Trung Quốc khoe tên lửa phòng không HQ-16 hơn cả Buk của Nga: Bị chuyên gia bóc mẽ - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-16 Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật.

Vì vậy, khi thiết kế hệ thống tên lửa Buk, họ mới bố trí riêng cho mỗi xe phóng đạn được phối thuộc 1 radar điều khiển hỏa lực; họ hết sức nhấn mạnh đến thiết kế dự phòng.

Đối với Hồng Kỳ-16 của Trung Quốc, tất cả thiết kế đều tiếp cận Hồng Kỳ-9 của không quân, khái niệm thiết kế gần với phòng không khu vực, chứ không phải dùng cho phòng không dã chiến lục quân.

Với hệ thống Buk của Nga, không cần chuẩn bị trận địa trước; nó có thể "dừng bắn không chuẩn bị trước" (với phiên bản cũ) hoặc "vừa chạy vừa bắn" (đối với phiên bản Buk-2M). Còn hệ thống HQ-16, các trận địa bắn đều được chuẩn bị trước.

Tuy Hồng Kỳ-16 quảng cáo có hệ thống radar điều khiển hỏa lực với tính năng ưu việt, nhưng một khi radar này bị phá hủy, toàn bộ hệ thống sẽ bị tê liệt. Ngoài ra, xe tiếp đạn của Hồng Kỳ-16 cũng không có khả năng phóng đạn.

Hiển nhiên, trong lĩnh vực phòng không dã chiến, Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và không đưa được vào trong thiết kế vũ khí như của Nga; có thể coi đây là điểm trừ của Hồng Kỳ-16 so với Buk.

Xe phóng tên lửa HQ-16 chở sẵn 6 quả đạn. Thời gian chuyển từ trạng thái hành quân chuyển sang trạng thái chiến đấu (phóng quả đạn đầu tiên) mất 12 đến 14 phút, trong đó không bao gồm thời gian tìm bắt mục tiêu, vì việc xác định mục tiêu chủ yếu do xe radar và xe chỉ huy phụ trách, mỗi quả đạn phóng cách nhau 3 giây, thời gian phóng hết cơ số đạn từ 25 đến 30 giây.

Hồng Kỳ liệu có hơn cả Buk?

Một tạp chí quốc phòng khá nổi tiếng nói rằng, khi đại diện thương mại quân sự Trung Quốc giới thiệu Hồng Kỳ-16 tại triển lãm nước ngoài, đã không trực tiếp trả lời chủ đề về tên lửa Buk-9M38; nhưng họ lại muốn so sánh Hồng Kỳ-16 với hệ thống Buk, cho rằng tên lửa của mình có ưu thế vượt trội về chỉ tiêu kỹ, chiến thuật.

Tuy nhiên, do các nhà thiết kế Trung Quốc chỉ được tiếp cận hệ thống Buk từ phiên bản của hải quân (Shtil), do vậy họ không nắm được tính năng kỹ chiến thuật ưu việt của toàn hệ thống Buk.

Về những khác biệt cụ thể giữa Hồng Kỳ-16 so với Buk; trước hết nói về thiết kế phần khung gầm. Hiện nay, hầu hết hệ thống Buk đang trong biên chế sử dụng kiểu bánh xích GM-569, trọng lượng xe bệ phóng lên tới 33 tấn, về khả năng cơ động trên đường bộ đương nhiên không thể bằng Hồng Kỳ-16.

Trung Quốc khoe tên lửa phòng không HQ-16 hơn cả Buk của Nga: Bị chuyên gia bóc mẽ - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa phòng không Buk của Nga.

Tuy nhiên đây chính là sự khác biệt về địa hình và sự vận dụng chiến thuật của hai bên (Nga và Trung Quốc). Mọi người đều biết, nước Nga đất rộng nhưng hạ tầng giao thông lại không được hoàn chỉnh, cộng thêm phương thức tác chiến của Buk chủ yếu là đi theo các đơn vị cơ giới trên đồng bằng của châu Âu, cho nên sử dụng thiết kế bánh xích.

Điểm cộng của Buk nữa là sử dụng rất nhiều linh kiện thuộc hệ thống phòng không dã chiến thường dùng khác của quân đội Nga như Tor-M1, Tunguska… nên thiết kế khung gầm như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng hậu cần.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Nga tăng cường xuất khẩu vũ khí nên đã đưa ra loại xe sử dụng thiết kế bánh hơi theo yêu cầu của khách hàng.

Hồng Kỳ-16 sử dụng loại bánh hơi, chủ yếu là xem xét đến mạng lưới đường bộ ở miền Đông Trung Quốc đã rất phát triển, cho dù ở khu vực miền Tây thì phần nhiều vẫn là hoang mạc, thảo nguyên ít mưa, nhưng lại có thể tận dụng mạng lưới đường sắt để chuyên chở, nên lựa chọn loại xe bánh hơi.

uy vậy nhiều loại vũ khí phòng không dã chiến của Trung Quốc lại sử dụng các khung gầm khác nhau, gây khó khăn cho công tác bảo đảm kỹ thuật.

Ngoài ra, thao tác của Hồng Kỳ-16 giống như Hồng Kỳ-9, sau khi xe bệ phóng đến trận địa, nhân viên phải xuống xe để triển khai hệ thống cùng giá anten, khiến thời gian chuyển từ hành quân đến khi phóng được quả đạn tên lửa đầu tiên mất khá nhiều thời gian.

Với hệ thống Buk, nhân viên chỉ cần thao tác trong xe nên thời gian từ khi hành tiến đến khi phóng quả đạn đầu tiên chỉ cần 5 phút.

Trung Quốc nhấn mạnh tính năng radar Hồng Kỳ-16 tốt hơn so với hệ thống Buk. Ở bộ phận radar tìm bắt mục tiêu, Buk sử dụng loại radar 9S18, cự ly tối đa tìm bắt mục tiêu là 160km; xe chỉ huy điều khiển có thể đồng thời xử lý 60 mục tiêu và đưa tham số của 36 mục tiêu trong đó sang xe phóng tên lửa.

Radar trinh sát của Hồng Kỳ-16 là anten điều khiển chủ động, khả năng tìm bắt nhiều nhất là 144 mục tiêu, nhưng trên thực tế nó chỉ có thể theo bám và khóa 48 mục tiêu, khi truyền sang xe chỉ huy điều khiển sẽ chỉ còn điều khiển được hỏa lực đối với 24 mục tiêu. Về radar trinh sát, hệ thống Hồng Kỳ-16 kém hẳn hệ thống của Buk.

Điều mà Hồng Kỳ-16 không thể sánh được là đơn vị hỏa lực của Buk-M2 vốn kèm theo 4 đến 6 xe phóng đạn có gắn radar điều khiển hỏa lực 9S36, có thể bổ sung bù đắp những khiếm khuyết về tìm bắt mục tiêu bay thấp.

Mỗi đơn vị hỏa lực của Buk-M2 mới được tăng cường thêm 2 chiếc xe radar điều khiển hỏa lực 9S36 có thiết bị nâng cao bệ radar, có khả năng tìm bắt mục tiêu bay thấp, điều này có nghĩa 1 đơn vị hỏa lực Buk-M2 có thể đồng thời tấn công 16 đến 32 mục tiêu, gấp 2 đến 4 lần so với Hồng Kỳ-16.

Điều đáng chú ý là, Trung Quốc chỉ muốn thông qua nhập khẩu của Nga tàu khu trục 956E, 956EM để được sở hữu tên lửa 9M38, 9M317. Về tính năng của 2 loại tên lửa đó thì Hồng Kỳ-16 thực sự không thể sánh bằng. Đánh giá chung về tính năng tổng thể thì Buk hoàn toàn vượt trội hơn Hồng Kỳ-16.

Tài liệu tham khảo:

1. Kim Khải, T/c "Tri thức binh khí", số 3/2017.

2. Egyptian President Reinforces Friendship with Russia

3.http://www.onwar.com/weapons/rocket/missiles/Russia_SA11.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại