Tàu đổ bộ cỡ lớn 071E được Thái Lan đặt hàng từ năm 2019 (Ảnh: Weibo)
Những con tàu nói trên – gồm 1 tàu đổ bộ cỡ lớn (LPD) 071E và 2 tàu khu trục Type 054 – đã được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Hỗ Đông-Trung Hoa gần Thượng Hải; theo Cơ quan An toàn Hàng hải và giới truyền thông Trung Quốc.
Chiếc LDP được Thái Lan đặt hàng vào tháng 9/2019 và là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên đối với tàu thuộc lớp này. Con tàu có thể được sử dụng để triển khai nhiều trực thăng chiến đấu và được cho là có thể thực hiện được các nhiệm vụ tuần tra, hậu cần và cả khắc phục thảm họa.
Website của tờ Chiang Rai Times đưa tin rằng, Thái Lan sẽ sử dụng chiến hạm này để thực hiện các nhiệm vụ vận tải của hải quân. Nó cũng có thể được dùng để phục vụ những mục đích dân sự, như khắc phục thảm họa hay các nhiệm vụ viện trợ nhân đạo.
Trong khi đó, một trong số 2 tàu khu trục Type 054 nằm trong số 4 chiến hạm tương tự được Pakistan đặt hàng vào năm 2017 và 2018. Biến thể tàu cung cấp cho Hải quân Pakistan có thể lắp đặt hệ thống radar SR2410C – dàn radar quét điện tử 3D đa chức năng – và chiếc đầu tiên trong số những tàu này đã được biên chế vào đầu tháng 11.
Type 054A được xem là "xương sống" của hạm đội chiến đấu mặt biển của Trung Quốc, với khoảng 30 chiếc đang hoạt động.
Type 054 được coi như "chiến mã" của Hải quân Trung Quốc (Ảnh: Weibo)
Trung Quốc hiện có hơn 20 xưởng đóng tàu để phục vụ công tác chế tạo các tàu mặt nước cho hải quân, ngoài ra còn có hàng chục xưởng tàu thương mại khác, với quy mô vượt qua cả những xưởng tàu lớn nhất của Mỹ. Những cơ sở này được xem như động cơ giúp cho kế hoạch hiện đại hóa quân đội mà Trung Quốc đã khởi động từ năm 2015.
Việc rót vốn cho lực lượng hải quân đã tạo nên một "cơn sốt" đóng tàu và từ đó giúp tăng cường hạm đội chiến hạm của Trung Quốc.
Theo "Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2020" của Lầu Năm Góc, Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với tổng số tàu chiến mặt nước và tàu ngầm khoảng 350 chiếc, trong đó có 130 tàu chiến đấu mặt nước cỡ lớn. Lực lượng chiến đấu Hải quân Mỹ, trong khi đó, chỉ có 293 chiếc.
Theo giới truyền thông trong nước, Trung Quốc đã biên chế ít nhất 8 tàu khu trục và 6 tàu hộ tống trong năm nay.
Tuy nhiên, đối với các hạm đội chiến đấu hải quân, nhiều hơn không có nghĩa là mạnh hơn. Ví dụ, Hải quân Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử, trong khi Hải quân Trung Quốc chỉ có 2 chiếc chạy bằng năng lượng truyền thống đang hoạt động.
Song Zhongping – nhà bình luận quân sự ở Hong Kong – nói rằng Trung Quốc cần thêm chuyên gia và lực lượng nhân công có kỹ năng để đảm bảo những lợi ích ở trong và ngoài nước.
"Một thách thức lớn đối với Hải quân Trung Quốc trong việc hoàn thành những trách nhiệm đó chính là thiếu thốn nhân tài trong lực lượng hải quân" – ông Song nói – "Hải quân Trung Quốc cần phải đào tạo thêm nhân sự có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở những vùng biển sâu và xa. Họ cũng cần lực lượng nhân công có kỹ năng để chế tạo ra những chiến hạm và vũ khí hiện đại."