Trung Quốc điều cả chiến đấu cơ ‘lỗi thời’ vào vùng phòng không Đài Loan làm gì?

Minh Thu |

Nhằm kiểm tra năng lực phối hợp hành động với các máy bay quân sự tối tân, Trung Quốc đã điều cả chiến đấu cơ “lỗi thời” như J-7 vào vùng phòng không của Đài Loan.

Chiến đấu cơ lỗi thời J-7 được không quân Trung Quốc điều động vào ADIZ của Đài Loan. (Ảnh: SCMP)

Chiến đấu cơ lỗi thời J-7 được không quân Trung Quốc điều động vào ADIZ của Đài Loan. (Ảnh: SCMP)

Nhằm kiểm tra năng lực phối hợp hành động với các máy bay quân sự tối tân, Trung Quốc đã điều cả chiến đấu cơ “lỗi thời” như J-7 vào vùng phòng không của Đài Loan.

Hôm 17/6, 7 chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Sự việc này diễn ra chỉ sau 2 ngày, Trung Quốc điều động số lượng kỷ lục máy bay quân sự lên tới 28 chiếc vào ADIZ của Đài Loan, khiến Mỹ phải lên tiếng cảnh báo.

Các nhà quan sát nhận định sự xuất hiện của 7 máy bay quân sự Trung Quốc bao gồm 2 chiến đấu cơ mẫu mới J-16, cùng 4 máy bay đời cũ J-7 và 1 máy bay tác chiến điện tử Y-8 dường như nhằm mục đích tăng khả năng phối hợp hoạt động giữa 2 thế hệ máy bay chiến đấu.

Ngoài ra, thông qua sứ mệnh này, Trung Quốc còn muốn thử năng lực hoạt động của 2 dòng chiến đấu cơ khi đối phó với sự can thiệp điện tử.

Trong tuyên bố, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho hay sự xuất hiện của các máy bay quân sự Trung Quốc đã buộc lực lượng không quân Đài Loan cho “điều động các chiến đấu cơ, phát cảnh báo qua radio và triển khai các hệ thống tên lửa giám sát”.

Cũng theo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, đây là lần thứ 6 trong tháng này các máy bay quân sự Trung Quốc di chuyển vào ADIZ của Đài Loan.

Phần lớn hoạt động của các máy bay thuộc quân đội Trung Quốc là nhằm gửi lời cảnh báo tới các lực lượng muốn giành độc lập cho Đài Loan. Song theo các nhà quan sát, mỗi lần triển khai các máy bay quân sự Trung Quốc đều có sứ mệnh riêng như tăng cường tinh thần chiến đấu của quân đội Trung Quốc, hay triển khai huấn luyện và trinh sát.

Điển hình, việc Trung Quốc điều động kỷ lục 28 máy bay quân sự vào ADIZ của Đài Loan hôm 15/6 gồm 14 chiến đấu cơ J-16, 6 J-11 cùng máy bay chống ngầm và các máy bay ném bom hạt nhân có thể là phản ứng của Bắc Kinh sau tuyên bố của G7 về Đài Loan.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là phản ứng của Trung Quốc sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ thực hiện tuần tra trên Biển Đông. Thậm chí, mới đây các nhà lãnh đạo NATO còn cảnh báo mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc là “những thách thức mang tính toàn diện”.

Ông Chang Yen-ting, một cựu chỉ huy không quân Đài Loan, nhận định việc các máy bay quân sự Trung Quốc bay vào ADIZ của Đài Loan hôm 17/6 là bài kiểm tra khả năng phối hợp giữa 2 thế hệ chiến đấu cơ.

“J-7 là mẫu máy bay cũ, trong khi J-16 là phiên bản cải tiến mới hơn. Thông qua việc bay cùng nhau, không quân Trung Quốc muốn kiểm tra năng lực phối hợp hành động của 2 thế hệ máy bay ở tầm cao và tầm thấp nhằm mục đích gia tăng bắt nạt đối với Đài Loan”, ông Chang nói.

Chiến đấu cơ J-7 được Trung Quốc lần đầu tiên biên chế vào lực lượng không quân hồi năm 1967. Do thời gian sử dụng đã lâu, nhiều máy bay thuộc thế hệ này đã được cho nghỉ hưu. Trong khi đó, J-16 mới gia nhập không quân Trung Quốc vào năm 2015.

Ông Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng tại Đài Bắc, cho rằng J-7 hiện không còn là máy bay ở tiền tuyến. “Do đó, mục đích của không quân Trung Quốc là thử nghiệm khả năng của J-7 đối phó với sự can thiệp điện tử”, ông Su cho hay.

Sự xuất hiện liên tiếp của các máy bay quân sự Trung Quốc trong ADIZ Đài Loan còn được cho liên quan tới 2 bản hợp đồng mua vũ khí của Mỹ gồm Hệ thống rocket pháo cơ động cao và Hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon.

Hai hệ thống này có khả năng giúp nâng cao năng lực chiến tranh bất đối xứng cho Đài Loan. Trị giá của 2 bản hợp đồng là 1,8 tỉ USD và từng được công khai thông báo dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10/2020.

Ông Lu Shaye, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã lên tiếng cáo buộc Mỹ cố tình hậu thuẫn cho lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan. Theo ông Lu, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.

“Chắc chắn chúng tôi hy vọng tái sáp nhập theo các biện pháp hòa bình. Nhưng nếu ai đó đổ thêm dầu vào lửa, nó sẽ chỉ dẫn tới chiến tranh”, ông Lu nhấn mạnh.

Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”.

Dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.

Trong những tháng gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần điều động tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan, cũng như tiến hành các hoạt động ngoại giao với giới chức Đài Loan bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại