Trung Quốc để ý thêm một vùng biển của Philippines?

H.Bình |

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa cho rằng Philippines không thể xem khu vực Benham Rise là lãnh thổ dù nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.

Vào năm 2012, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) chấp thuận đơn đăng ký của Philippines về giới hạn thềm lục địa ở khu vực Benham Rise. Điều này cho phép Manila có thể tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây.

Tuy nhiên, “điều đó không có nghĩa Philippines có thể coi đó như lãnh thổ mình” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm 10-3.

Phản ứng này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Philippines xác nhận các tàu Trung Quốc tiến hành nghiên cứu hải dương học trong khu vực. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana gọi hành động mới nhất của Trung Quốc “rất đáng lo ngại”.

Bộ Ngoại giao Philippines chính thức yêu cầu Bắc Kinh giải thích về sự xuất hiện của các tàu khảo sát ấy tại khu vực Benham Rise.

Nằm cách đô thị Dinapigue của tỉnh Isabela khoảng 250 km về phía Đông , khu vực dưới biển Benham Rise có tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác và rộng 13 triệu héc-ta, được cho là rộng hơn đảo Luzon, Samar và Leyte cộng lại.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 13-3 dẫn các nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch tăng lực lượng lính thủy đánh bộ từ khoảng 20.000 người hiện nay lên 100.000 người.

Nguồn tin nói 2 lữ đoàn đặc nhiệm đã được chuyển sang lực lượng thủy quân lục chiến và sẽ thêm nhiều lữ đoàn nữa được bổ sung. Một nguồn khác nói thêm hải quân Trung Quốc cũng sẽ tăng 15% từ quân số 235.000 lính hiện nay.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 quy định rằng quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không ảnh hưởng đến tính pháp lý của vùng biển chồng lấn và vùng trời phía trên.

Theo Bắc Kinh, quyền này cũng không cản trở sự đi lại tự do của tàu thuyền nước khác trong EEZ của quốc gia ven biển...

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảnh thừa nhận tàu Trung Quốc vượt biển phía Đông Bắc Luzon để nghiên cứu biển vào năm ngoái.

Viên chức này khẳng định rằng tàu của họ thực thi quyền tự do hàng hải và không tiến hành bất cứ hoạt động nào khác. “Những nhận xét của một số cá nhân từ phía Philippines không đúng sự thật” - ông Cảnh phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 10-3.

Theo ông Cảnh, cơ quan chức trách ngoại giao của cả Trung Quốc lẫn Philippines đã giải quyết vấn đề vào tháng 1-2016.

“Hợp tác với nhau, Trung Quốc và Philippines đã giải quyết ổn thỏa những khác biệt, thúc đẩy hợp tác và phát triển mối quan hệ song phương. Hy vọng rằng vài cá nhân Philippines sẽ ngừng tung những thông tin giả mạo, phương hại lòng tin của nhau” - ông Cảnh nói.

Tuy nhiên, giáo sư luật quốc tế Julian Ku của Trường ĐH Hofstra (Mỹ) cho biết phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đối với vấn đề này là khó hiểu và gây lo ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại