Vì sao Trump liên tục ưu ái Đài Loan, "dằn mặt" TQ mà Đài Loan vẫn không buồn lên tiếng?

Thủy Thu |

Donlad Trump chắc chắn không phải là vị tổng thống đầu tiên thực hiện chính sách "cứng trước, mềm sau" với Trung Quốc - theo Hãng thông tấn trung ương Đài Loan (CNA).

Sau cuộc điện đàm khiến Bắc Kinh "bị sốc" với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục đặt dấu hỏi về việc có hay không nên tiếp tục thừa nhận chính sách "Một Trung Quốc" - điều mà Mỹ đã tuân thủ trong gần 4 thập kỷ qua.

Washington Post (Mỹ) cho rằng, cuộc điện đàm là sự khởi đầu cho một chiến lược mới nhằm thay đổi nước Mỹ, bắt tay với Đài Loan và thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chính quyền Đài Loan không công khai thêm thái độ nào ngoài lần lên tiếng duy nhất của bà Thái Anh Văn hôm 7/12.

Chính truyền thông Đài Loan không hề lạc quan trước những tuyên bố "rắn mặt" của ông Trump. CNA cho hay, giới nghiên cứu lịch sử phổ biến nhận định thái độ của các đời Tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc luôn là "trước cứng rắn, sau mềm mỏng".

Một chuyên gia cho biết, cuộc điện đàm Trump-Thái Anh Văn là chưa từng có tiền lệ, nhưng thái độ cứng rắn của Washington với Bắc Kinh thì hoàn toàn không như thực tế.

Từ trước tới nay, các tổng thống Mỹ sau khi lên nắm quyền hầu như đều mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc nhưng cách thể hiện sau đó lại khác.

Giáo sư David Lampton - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viên nghiên cứu quốc tế cao cấp, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - nhận định, việc các chính trị gia Mỹ vốn có "truyền thống lâu đời" là mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc, nhưng "khi lên nắm quyền, họ sẽ phát hiện ra nếu tiếp tục thái độ như trước đây sẽ tạo nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng".

Đầu tiên là trường hợp của cố Tổng thống Ronald Reagan.

Khi ông Reagan nhậm chức năm 1981, quan hệ Trung - Mỹ vốn không mấy tốt đẹp. Trong thời gian tranh cử, ông đã chỉ trích việc Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter cắt đứt quan hệ với Đài Loan và bình thường hóa với Bắc Kinh.

Reagan khi đó đã hứa, sau khi đắc cử sẽ khôi phục quan hệ chính thức với Đài Loan và tiến tới thỏa thuận mua bán vũ khí mới.

Nhưng sau khi nhậm chức, ông lại thúc đẩy phát triển quan hệ sâu sắc với Trung Quốc hơn cả người tiền nhiệm. Năm 1982, Washington và Bắc Kinh đã ký kết Thông cáo chung 17/8 (một trong 3 Thông cáo quan trọng trở thành nền tảng chính trị cho quan hệ Trung-Mỹ), đồng ý cắt giảm số lượng vũ khí bán cho Đài Loan.

Hay như cựu Tổng thống Bill Clinton, trong thời gian tranh cử, ông cũng lên án chính phủ Trung Quốc và hứa sẽ khiến Bắc Kinh phải thay đổi.

Tuy nhiên, Clinton rất nhanh chóng phải đối mặt sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp Mỹ đối với chính sách về Trung Quốc bởi họ lo lắng, điều này sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại.

Sau đó, Clinton đã nhượng bộ, không những tăng cường đãi ngộ thương mại cho Trung Quốc mà còn giúp Bắc Kinh đàm phán, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Năm 1998, ông Clinton đã đề xuất "chính sách ba không" với Đài Loan, gồm không ủng hộ chính sách "hai Trung Quốc" hoặc "một Trung Quốc, một Đài Loan", không ủng hộ Đài Loan độc lập và không ủng hộ Đài Loan gia nhập bất cứ tổ chức quốc tế nào với danh nghĩa "quốc gia".

Ngay cựu Tổng thống George W. Bush trong thời gian tranh cử cũng từng phát biểu, Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh" chứ không phải là "đối tác chiến lược" của nước Mỹ.

Nhưng sau sự kiện 11/9, ông Bush đã đổi giọng, miêu tả quan hệ Trung - Mỹ là "sự hợp tác thẳng thắn và mang tính xây dựng" và Trung Quốc là đối tác cần thiết của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Và đến đương kim Tổng thống Barack Obama, trong thời gian tranh cử đã hứa rằng sẽ định danh Trung Quốc là quốc gia thao túng ngoại tệ nhưng sau đó ông đã thay đổi quan điểm. Trump cũng tuyên bố tương tự.

Trump có thể tạo ra đột phá ngoại giao khi điện đàm với bà Thái, nhưng cho đến khi chính thức nắm quyền, chưa có gì bảo đảm với Đài Loan rằng chính sách của ông sẽ khác với 4 người tiền nhiệm kể trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại