Trump liên tiếp chọn 3 tướng vào nội các, người Mỹ lo quân đội thao túng Nhà Trắng

Thi Anh |

Không chỉ vì lòng ngưỡng mộ thầm lặng mà Trump dành cho các vị tướng, ở ngoài đời và cả trên màn ảnh.

Trước đây, Donald Trump chưa bao giờ tỏ ra coi trọng các quan chức quân đội. "Tôi còn hiểu biết về ISIS hơn các tướng quân đội", Trump nói hồi mùa thu năm nay, "Tin tôi đi".

Tháng 9, ông ta còn nói, "Tôi nghĩ, dưới sự lãnh đạo của Barack Obama và Hillary Clinton, các tướng chẳng còn là gì cả. Họ bị hạ thấp tới mức khiến đất nước phải xấu hổ... Tôi có thể thấy - ví dụ như - Tướng George Patton thất vọng tới mức nào nếu ông còn sống vì chúng ta không thể đánh bại ISIS".

Nhưng sự coi thường của Trump cũng có giới hạn: "Tôi có niềm tin lớn lao vào quân đội. Tôi tin tưởng vào một số Tư lệnh nhất định".

Và hiện thời, Trump đang thể hiện lòng tin ấy. Tổng thống đắc cử của Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, đã chọn 3 vị Tướng về hưu vào các vị trí trong Nội các của mình.

Ngày 6/12, ông đề cử Tướng Thủy quân lục chiến James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ngày 7/12, nhiều báo đưa tin ông đã tín nhiệm John Kelly, một Tướng thủy quân lục chiến khác vào vị trí Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa. Trung tướng Michael Flynn cũng đang được Trump nhắm vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia.

Tạp chí Atlantic cho rằng đó chưa phải là tất cả. Trump vừa gặp Tướng David Petraeus, cựu Giám đốc CIA để cân nhắc vị trí Bộ trưởng Ngoại giao. Stanley McChrystal, Tướng Lục quân về hưu cũng cho biết, ông đã từ chối một vị trí mà Trump đề nghị, nhưng tên của ông vẫn đang được nhắc tới. Đô đốc Mike Rogers, Giám đốc NSA cũng vậy.

Giải mã Donald Trump

Tạp chí Atlantic đã thử sử dụng phân tâm học để lý giải động thái này của Trump.

Vốn là người làm giải trí giỏi giang, có vẻ Trump rất ngưỡng mộ những nhân vật "giống trong phim" như Patton và McArthur, dù ngoài đời thực hay trong các bộ phim phục dựng trên màn ảnh.

Tuy nhiên, có một số lý do khá thực tế.

Thứ nhất, Trump không có kinh nghiệm về quốc phòng an ninh và cũng không có vẻ quan tâm tới việc trau dồi cho bản thân về lĩnh vực này. Có những người biết mình đang nói gì ở bên Trump là một điều quan trọng với Chính quyền của Trump cũng như mức độ tín nhiệm ông. Mà các quan chức quân đội thì lại làm được điều đó.

Thứ hai, Trump đã xa lánh rất nhiều nhân vật dân sự của Đảng Cộng hòa - đặc biệt là những người trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Vì thế ông ta không có nhiều lựa chọn.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân chính trị.

Trump đã dành mấy tháng qua cam kết "dọn đường" và "rào chắn" công tác tổ chức đội ngũ, cũng như Đảng Cộng hòa. Nỗ lực này đã loại bỏ hầu hết những người đủ năng lực nắm giữ các trọng trách cốt yếu, kể cả những người sẵn sàng phục vụ trong chính quyền của Trump.

Quân đội là một trong số ít các cơ quan vẫn còn được xã hội Mỹ tin tưởng. Theo khảo sát của Gallup, đó là lựa chọn phổ biến nhất của người Mỹ. Thế nên, chọn các tướng về hưu vào các vị trí chủ chốt sẽ giúp Trump ghi điểm. Ông ta có thể bổ nhiệm những lãnh đạo vừa có năng lực, sẵn sàng phục vụ, lại vừa được dân Mỹ tín nhiệm.

Nội các nhiều tướng lĩnh

Nội các với nhiều tướng lĩnh không phải một cảnh tượng thường thấy. Cựu Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant, vốn cũng là một tướng quân đội, từng đưa 4 tướng về hưu vào Nội các của mình, nhưng đó là thời điểm chính trường Mỹ không được phân bổ đồng đều. Đàn ông da trắng giữ các chức vụ cao hơn trong hàng ngũ lãnh đạo thời kỳ Nội chiến.

Vốn đã có nhiều mâu thuẫn liên quan tới ưu thế mà các tướng quân đội có được nếu làm việc trong chính quyền Tổng thống. Quyết định bổ nhiệm ông Mattis còn trái luật. Theo luật, để đảm bảo "quyền kiểm soát dân sự" đối với lực lượng vũ trang, những người phục vụ trong quân đội trong vòng 10 năm không được phép lãnh đạo Lầu Năm Góc.

Trump liên tiếp chọn 3 tướng vào nội các, người Mỹ lo quân đội thao túng Nhà Trắng - Ảnh 1.

Tướng về hưu James Mattis, người đang được Trump chọn vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Các chuyên gia chính sách cũng tranh luận về tác động của một Nội các nhiều tướng lĩnh và liệu chuyện này có gây nguy hiểm cho đất nước hay không. Một số nhà phân tích cho rằng, quá nhiều tướng lĩnh sẽ làm chệch hướng các mục tiêu ưu tiên của đất nước.

"Bổ nhiệm quá nhiều tướng quân đội sẽ làm mất cân bằng đối với một hệ thống vốn thiên về lãnh đạo dân sự", cây viết của NYTimes Carol Giacomo nhận định.

"Vấn đề không phải là các lãnh đạo quân đội sẽ kéo đất nước tham chiến nhiều hơn. Mà là Lầu Năm Góc, với ngân sách khoảng 600 tỉ USD vốn đã ảnh hưởng lớn tới các quyết sách về an ninh và tác động tới nguồn lực của Bộ Ngoại giao".

Cây viết của Washington Post thì cảnh báo: "Tướng tài không phải lúc nào cũng là quan chức Nội các giỏi" và "phụ thuộc vào quan chức quân đội trong việc điều hành đất nước có thể làm tê liệt các mối quan hệ giữa quân sự và dân sự".

Giới quân đội cũng lo ngại. Nếu xét tới sự cạnh tranh ngầm giữa các lực lượng thì các lãnh đạo Không lực và Hải quân hoàn toàn có thể lo lắng khi thấy các tướng về hưu Lục quân và Thủy quân Lục chiến đạt được những ảnh hưởng nhất định ở Nhà Trắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại