Trump-Clinton lần đầu “so găng”: Kinh nghiệm không phải là tất cả

Trần Khánh |

Kinh nghiệm chính trường là một lợi thế cho bà Hillary Clinton nhưng đó có thể vẫn chưa đủ để “hạ gục” đối thủ khó lường như Donald Trump.

Dự kiến 21h ngày 26/9 (theo giờ Mỹ) tỷ phú Mỹ Donald Trump và bà Hillary Clinton sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp lần đầu tiên trên truyền hình để trình bày về các chính sách của họ nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Theo NBC News, đây là cuộc “so găng” giữa một người phụ nữ rất giàu kinh nghiệm, một người tạo ra ấn tượng rằng “bà hiểu từng chân tơ kẽ tóc về mọi hoạt động của Chính phủ Mỹ” và một người đàn ông luôn chăm chăm “chỉ trích điểm yếu của đối phương” thay vì phải chứng tỏ với cử tri rằng ông ấy xứng đáng trở thành lãnh đạo của một quốc gia hàng đầu thế giới.

Chi tiết làm nên sự khác biệt

Là một chính trị gia “lão luyện” bà Clinton không gặp khó khăn gì trong việc đưa ra một kế hoạch cực kỳ chi tiết cho gần như mọi vấn đề mà cử tri quan tâm, từ việc miễn tiền học phí Đại học cho các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của Mỹ đến việc hỗ trợ trẻ em tự kỷ.

Trong khi đó, là một “doanh nhân nhà nòi” tỷ phú Trump chỉ đưa ra những đề xuất rất chung chung và tập trung trình bày tầm nhìn khái quát của ông về công việc quản trị đất nước.

Sự khác biệt này được thể hiện rõ trên trang web của cả hai ứng cử viên. Bà Clinton vạch ra kế hoạch cụ thể cho 39 vấn đề của đất nước, trong khi ông Trump chỉ nêu giải pháp cho vỏn vẹn 9 vấn đề. Tỷ phú Mỹ nói rất sơ sài về hệ thống tư pháp, an sinh xã hội, y tế, hôn nhân đồng giới và nạo phá thai.

Tình hình còn tệ hơn cho ông Trump khi một nhóm cố vấn về chính sách cho tỷ phú Mỹ đã ngừng công việc này vào tháng trước do không nhận được tiền công từ những người điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Ở phía ngược lại, nhóm của bà Clinton bao gồm hơn một chục cố vấn chính sách tập trung làm việc tại trụ sở chính tại Brooklyn cùng hơn 30 nhóm công tác phụ trách hàng loạt các vấn đề khác nhau.

So kè từng vấn đề

Trước đó, tại một diễn đàn được tổ chức gần đây, bà Clinton đã đưa ra một cam kết cụ thể rằng bà sẽ không điều bộ binh Mỹ sang Iraq hoặc Syria để chiến đấu chống IS.

Trong khi đó, Tỷ phủ Trump lại từ chối bình luận về vấn đề này với lý do: ‘Nếu tôi giành chiến thắng, tôi không muốn công bố sớm cho kẻ thù của mình biết rằng tôi sẽ dự định làm gì”.

Liên quan đến việc bà Clinton tuyên bố sẽ miễn học phí cho sinh viên đại học của các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại Mỹ, ông Trump đã đáp trả bằng việc công bố kế hoạch chi 20 tỷ USD của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ cho mọi sinh viên có thể theo học tại các trường tư nếu muốn.

Không những thế, tỷ phú Mỹ “đột nhiên” quan tâm đặc biệt đến một vấn đề được cho là không mấy được các ứng viên Tổng thống Mỹ từ trước đến nay chú ý. Theo đó, ông đã liệt kê danh sách những người mà ông dự định đề cử trở thành Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ và mới đưa thêm một số tên tuổi nữa vào danh sách này.

Theo các chuyên gia, việc bà Clinton đề xuất giải pháp cho nhiều vấn đề hơn ông Trump cũng không có gì quá bất thường. Điều này phản ánh rất rõ bản chất từ trước đến nay của đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Theo đó, đảng Dân chủ tin rằng, Chính phủ liên bang cần can thiệp vào nhiều vấn đề hơn so với những vấn đề mà các ứng viên đảng Cộng hòa quan tâm.

Sẽ khó có chuyện một ứng viên của đảng Cộng hòa, kể cả ông Trump- người được coi là ít “Cộng hòa nhất trong số những người Cộng hòa” đưa ra những đề xuất liên quan đến việc ngăn chặn nạn tấn công tình dục trong học đường hay cho phép một số bang mở cửa các điểm bỏ phiếu sớm hơn thường lệ như bà Clinton đã làm.

Thay vì thế, các ứng viên đảng Cộng hòa thường có xu hướng tuân chủ chặt chẽ các quy định của các bang cũng như các quy định về bầu cử và tin tưởng chắc chắn vào vai trò của giới chức địa phương trong các vấn đề của từng bang.

Trump kém về giải pháp nhưng giỏi nêu vấn đề

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, tỷ phú Trump đã cho thấy kiến thức của ông trong nhiều vấn đề khá hạn hẹp, tuy nhiên, ông cũng không mấy bận tậm đến việc nâng cao hiểu biết của mình.

Thay vì thế, ông Trump lại lên tiếng chỉ trích bà Clinton là “giáo điều”: “Bà ấy nhốt một nhóm người trong 4 bức tường và yêu cầu họ viết ra mọi chính sách cho mình và hầu như mọi chính sách đó đều vô dụng. Chúng chả khác gì những mớ giấy lộn”.

Theo ông Trump: “Những người ủng hộ tôi và công chúng Mỹ không quan tâm đến những chính sách đó. Họ biết rõ ai là người làm được việc ngay khi các ứng viên bắt tay hành động”.

Dù Chính phủ Mexico nhiều lần tuyên bố không đời nào chi trả số tiền được cho là để xây tường ngăn cách biên giới giữa 2 nước do ông Trump đề xuất và nhiều người cho rằng, đề xuất này của ông Trump là “viển vông” rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ ông Trump khi ông nêu đề xuất này.

Điều này là bởi, đề xuất của ông Trump đã đánh trúng tâm lý lo ngại của họ về tình trạng con số người Mexico nhập cư vào Mỹ đang gia tăng đến mức chóng mặt. Bản thân những người này cũng không mấy quan tâm đến việc liệu bức tường đó có được dựng lên hay không.

Tương tự như vậy, không mấy ai tin rằng, kế hoạch cấm cửa người Hồi giáo của ông Trump có thể thành hiện thực.

Tuy nhiên, không khó để thấy rằng, kế hoạch đó đã giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ của các cử tri da trắng- những người lo ngại về cái gọi là “chính sách né tránh, nói vòng vo để tránh làm người Hồi giáo bị tổn thương”.

Chuyên gia Mike Konczal tại Viện nghiên cứu Roosevelt khẳng định, chiến dịch tranh cử của ông Trump bao gồm “rất nhiều chính sách khác nhau”, chỉ có điều các chính sách này không được thể hiện theo cách thông thường.

Đối với hầu hết các cử tri, chính sách không đồng nghĩa với việc nêu giải pháp mà đôi khi chỉ cần nêu được vấn đề là đủ”, ông Konczal nhận định: “Ông Trump quá giỏi trong việc nêu lên những vấn đề của nước Mỹ trong khi những giải pháp của ông ấy không mấy rõ ràng”.

Clinton giàu chi tiết nhưng chưa chắc đã chiến thắng

Thay vì thế, chính sách của bà Clinton tập trung vào việc thể hiện rằng, bà xứng đáng trở thành Tổng thống Mỹ trong khi đối thủ của bà thì không. Tuy nhiên, điều này đôi khi cũng gây phản tác dụng.

Nhiều cử tri cho rằng, bà Clinton không đáng tin cậy và thậm chí không thích bà dù họ thừa nhận rằng, kinh nghiệm làm Ngoại trưởng của bà Clinton là ưu thế để bà có thể trở thành bà chủ Nhà Trắng đầu tiên của nước Mỹ.

Hơn thế nữa, dù các đề xuất của bà Clinton là rất chi tiết, không khó để nhận thấy những giải pháp mà bà đưa ra đều không mấy có tính đột phá. Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng, bà Clinton đang “dựa hơi” Tổng thống Obama do chính sách của hai người không mấy khác nhau.

Trong rất nhiều trường hợp đề xuất của bà chẳng khác gì những gì mà Chính phủ Mỹ đang thực hiện và thiếu hẳn cá tính riêng so với ông Trump hay ông Bernie Sanders- đối thủ chính của bà tại đảng Dân chủ.

Đó chỉ là những sửa đổi nhỏ về chính sách đối với nước Mỹ, bà Clinton chưa đưa ra được một tầm nhìn hoàn toàn mới cho nước Mỹ”, nhà phân tích chính trị trên tờ Politico Michael Grunwald nhận định: “Việc bà Clinton cố bám víu vào tầm nhìn của Tổng thống Obama đối với nước Mỹ cho thấy ông Obama đã quá thành công với tầm nhìn của mình”.

Thách thức lớn nhất đối với bà Clinton là ở chỗ, hầu hết các cử tri lựa chọn người để họ bỏ phiếu dựa trên những tiêu chí rất chung chung thay vì quá cụ thể.

Chính vì thế, dù chỉ là “tay mơ” về chính trị và đôi khi không tuân thủ chặt chẽ chính sách của đảng Cộng hòa, ông Trump vẫn nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cử tri trong đảng và những người theo xu hướng bảo thủ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại