Trực thăng W-3A Sokol: Quả đắng Ba Lan tặng Philippines

Tuấn Hưng |

Philippines vừa có quyết định đầy khó khăn khi cho toàn bộ trực thăng W-3A Sokol mới cứng do Ba Lan sản xuất nghỉ hưu chỉ sau 4 năm sử dụng.

Quyết định khó khăn của Philippines được đưa ra sau khi xảy ra vụ tai nạn hôm 8/11/2016 khi chiếc trực thăng này đang làm nhiệm vụ ở Sitio Sabang trên đảo Palawan. Nguyên nhân vụ việc sau đó được xác định là do hỏng động cơ.

Tại thời điểm gặp nạn, chiếc W-3A Sokol có 4 thành viên tổ bay và 9 hành khách, trong đó có một số quan chức cao cấp của Cảnh sát quốc gia Philippines, kể cả Chỉ huy trưởng Trung tâm Tác chiến, Cảnh sát quốc gia Philippines, ông Camilo Cascolan, vị phó của ông là Nestor Bergonia và Tham mưu trưởng Amador Corpus, cũng như Chi khu trưởng Chi khu cảnh sát 4В Winben Mayor.

 Trực thăng W-3A Sokol: Quả đắng Ba Lan tặng Philippines  - Ảnh 1.

Nhân viên kỹ thuật Philippines phải đẩy chiếc W-3A Sokol vào vị trí đỗ

Trước đó, một chiếc W-3A khác mang số hiệu 310921 của Không quân Philippines đã bị nạn cũng vì lý do kỹ thuật vào ngày 7/8/2014 ở Marawi trên đảo Mindanao, 2 người đi trên trực thăng bị thương. Ngoài ra, hàng loạt sự cố khác liên quan đến yếu tố kỹ thuật đã xảy ra với W-3A của Không quân Philippines trong thời gian vận hành.

Hợp đồng mua trực thăng W-3A Sokol được Philippines ký hợp đồng với Ba Lan năm 2009, tuy nhiên Manila đã "vỡ mộng" vì ngoài vấn đề về động cơ, trực thăng này còn không thể trang bị vũ khí - kỳ vọng lớn nhất của Philippines khi thực hiện thương vụ này.

Vì vậy, thương vụ W-3A Sokol có thể coi là vụ bê bối của Quân đội Philippines và khiến đích thân ông Benigno Aquino (khi còn là Tổng thống Philippines) chất vấn quân đội nước này rằng: "Việc sử dụng một trực thăng có vũ trang để làm gì khi mà chúng ta không thể sử dụng khẩu súng của nó".

Nói về vụ việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết, những chiếc trực thăng này không thể sử dụng trong chiến đấu. Ông nói: “Tôi hiểu rất rõ về chiếc trực thăng này vì tôi là một sĩ quan quân đội, bạn phải loại bỏ các khẩu súng trước khi muốn đi vào bên trong, vì cửa vào quá hẹp”.

Hợp đồng trên được Không quân Philippines (PAF) ký kết với công ty sản xuất máy bay trực thăng PZL Swidnik của Ba Lan. Theo đó, Philippines đã mua 8 chiếc trực thăng đa năng W-3A Sokol trị giá 77 triệu USD do nhà máy PZL-Świdnik, nay thuộc sở hữu của AgustaWestland Świdnik sản xuất cho chương trình trực thăng vũ trang đa tiện ích của Không quân nước này.

Hợp đồng được ký kết vào tháng 8/2009 dưới thời của chính quyền Tổng thống Macapagal-Arroyo cùng với sự tham gia tích cực của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Norbert Gonzalez.

Hợp đồng sau đó đã gây nhiều ngạc nhiên cho giới quân đội Philippines, vì trực thăng W-3 mà họ mua là biến thể bị giới hạn trong một số nhiệm vụ, được xem là sản phẩm loại 2 trên thị trường.

Theo nhà sản xuất PZL Swidnik giới thiệu, trực thăng chiến đấu đa năng W-3A Sokol có thể hoạt động chiến đấu trong nhiều điều kiện thời tiết và tham gia hỗ trợ chung cho các hoạt động an ninh như chống khủng bố, tuần tra.

Loại trực thăng này có thể mang 14 binh sĩ, bao gồm cả 1 phi công và 1 hoa tiêu, và mang tải nặng 2 tấn, tốc độ bay tối đa 260 km/h cùng tầm hoạt động là 745 km. Ngoài ra, trực thăng còn được trang bị cả radar và các thiết bị nhìn đêm.

W-3A Sokol được trang bị khá nhiều vũ khí như tên lửa không đối không, rocket, và súng máy. Ngoài ra, trực thăng còn được trang bị cả radar và các thiết bị nhìn đêm. Trực thăng W-3A Sokol có thể đạt trần bay gần 6.000 m, tức là gấp đôi so với trực thăng UH-1 Huey.

Việc nhận được các trực thăng chiến đấu mới sẽ tăng cường sức mạnh tấn công cho PAF trong nhiệm vụ chống lại các lực lượng nổi dậy, chống khủng bố và sẵn sàng tham gia trong các cuộc xung đột quân sự.

Tuy nhiên thực tế trực thăng W-3A Sokol mà quân đội Philippines nhận được lại hoàn toàn khác. Đầu tháng 7/2013 đã xảy ra một vụ bê bối liên quan đến chất lượng của trực thăng W-3A.

Chiếc trực thăng W-3A mang số hiệu 310.925 được điều động chở Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Emmanuel Batista, đến căn cứ không quân Aguinaldo để dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Không quân Philippines đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp vì lỗi kỹ thuật.

Phát biểu sau sự cố này, đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Voltaire Gazmin đã đặt câu hỏi đối với việc ký kết hợp đồng mua trực thăng này:

“Khi bạn là một người lính đang xông pha giữa chiến trường và khẩu súng được lắp đặt trên trực thăng buộc phải tháo dỡ và không thể bắn để chi viện hỏa lực. Không thể hiểu được tại sao hợp đồng lại được ký kết? Tại sao nó lại được phê duyệt như một vấn đề ưu tiên của quân đội”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại