Trận chiến Idlib: Phép thử đối với chính sách của Mỹ ở Syria

Thùy Linh |

Mỹ dường như khó có lựa chọn tốt trước trận chiến Idlib khi mà chính sách sa lầy của Mỹ về Syria đã khiến Nga gần như nắm hết các con bài chủ chốt.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các lực lượng đồng minh đang tới rất gần chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria, thì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với áp lực mới nhằm phản ứng một cách mạnh mẽ để ngăn cảnh “tắm máu” ở Idlib.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ hầu như không có lựa chọn tốt, khi mà chính sách “sa lầy” 7 năm của Mỹ về Syria đã khiến Nga gần như nắm hết các con bài chủ chốt.

Các nhà lập pháp có tầm ảnh hưởng ở Washington và các đối tác chủ chốt của Mỹ trên khắp thế giới những ngày gần đây không ngừng kêu gọi Nhà Trắng can thiệp trực tiếp hơn ở Syria và ngăn chặn một thảm kịch nhân đạo có thể xảy ra, đồng thời nhấn mạnh, nếu Mỹ không hành động, sẽ có một hậu quả thảm khốc về con người cũng như về địa chính trị.

Các lực lượng của ông Assad, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nga và Iran, đang lên kế hoạch tấn công vào Idlib, thành trì lớn cuối cùng của các phiến quân ở Syria. Các nhà phân tích nói rằng, một chiến thắng ở Idlib sẽ đảm bảo lực lượng chính phủ của ông Assad chiếm ưu thế trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 2011 tới nay, nhưng nó sẽ lấy đi mạng sống của hàng trăm nghìn người.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã dọa sẽ tấn công đáp trả nếu chính quyền Assad “một lần nữa” sử dụng vũ khí hóa học - điều đã được thực hiện ít nhất 2 lần.

Bà Haley cũng nói rằng, sẽ có “hậu quả thảm khốc” đối với Nga và Iran nếu họ tiếp tục các chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân ở Idlib, động thái “mở đường” cho chiến dịch tấn công trên bộ không thể tránh khỏi từ phía lực lượng của chính phủ Syria.

Chính sách mơ hồ khiến Mỹ mất con bài chủ chốt

Các nhà phân tích cho rằng, cả chính quyền Obama và chính quyền Trump đều “tự đẩy mình vào góc tường” với các chính sách tập trung vào đánh bại những kẻ khủng bố IS ở Syria, nhưng chưa bao giờ đề xuất những kế hoạch thực tế nhằm ngăn chặn đổ máu và “hất cẳng” ông Assad.

Vai trò “quá lớn” của Nga trong cuộc xung đột đã làm phức tạp thêm vấn đề vì Mỹ đơn giản là sẽ không sẵn lòng “giao chiến” với Nga ở Syria.

“Mỹ chưa bao giờ có một chiến lược rõ ràng. Không giống như Nga, như chúng ta biết, họ luôn có một chiến lược rõ ràng: bảo vệ chính quyền Assad và họ hỗ trợ điều đó với lực lượng quân sự”, Michael Sharnoff, giáo sư nghiên cứu về Trung Đông tại trường an ninh quốc gia Daniel Morgan cho biết.

Ông nhấn mạnh: “Cuối cùng, khi bạn nhìn vào bức tranh địa chính trị lớn, ảnh hưởng của Nga vẫn được duy trì và sẽ vẫn tồn tại ở Syria. Dường như nhiều khả năng chính quyền Syria sẽ tái chiếm được Idlib và sẽ chiếm ưu thế. Và Mỹ sẽ khó có thể làm gì nhiều về điều này”.

Chính sách của Mỹ nhiều năm chỉ tập trung vào đánh bại IS và mục tiêu đó dường như hoàn toàn nằm trong tầm tay. Giới chức quân sự Mỹ nói rằng IS đã mất phần lớn lãnh thổ mà nhóm này từng chiếm ở Syria và Iraq và không còn là lực lượng bành trướng như trước đây nữa.

Tuy nhiên, cách tiếp cận đó lại không ngăn được việc chính quyền Assad đang từng bước chiến thắng trước các lực lượng phiến quân. Với chiến dịch Idlib đang ở trước mắt, một số thành viên có tiếng nói trong Quốc hội đã lên tiếng thúc giục chính quyền Trump nên cân nhắc lại về chiến lược ở Syria trước khi quá muộn.

Cuối tuần trước, Hạ nghị sỹ Adam Kinzinger, đại diện đảng Cộng hòa của bang Illinois và cũng là người có tiếng nói thẳng thắn về an ninh quốc gia, đã có những chỉ trích sắc bén về chính sách của Mỹ về Syria. Ông nói rằng, “đã đến lúc hành động” hoặc chấp nhận thực tế rằng hàng chục nghìn người sẽ sớm bỏ mạng ở Idlib và ảnh hưởng của Nga trong khu vực sẽ tăng một cách đột ngột.

“Việc thiếu một chiến lược ở Syria là một thực tế thất bại. Các cuộc tấn công mào đầu đã diễn ra ở Idlib và nó chỉ là sự bắt đầu cho một cuộc “tắm máu” mà thế giới sẽ sớm chứng kiến nếu chính quyền Assad một lần nữa sử dụng vũ khí hóa học đối với người dân”, ông Kinzinger viết cho mục Góc nhìn của Defense One.

“Chúng ta không thể làm ngơ và cho phép thảm kịch nhân đạo xảy ra. Đã đến lúc phải hành động”.

Mỹ có thể làm gì?

Ông Trump đã ra lệnh tấn công nhằm vào chính phủ Syria hồi tháng 4/2018 để đáp trả vụ tấn công vũ khí hóa học mà Mỹ và phương Tây cáo buộc là do lực lượng của ông Assad tiến hành ở Douma.

Đó là lần hiếm hoi Mỹ sử dụng sức mạnh không quân một cách trực tiếp nhằm vào chính quyền Assad. Thế nhưng các nhà phê bình cho rằng, động thái này lại chẳng thay đổi gì nhiều ưu thế ngày càng mở rộng trên mặt đất.

“Tôi không đề xuất tới việc Mỹ xâm lược Syria, đưa hàng nghìn lính Mỹ tới đây và bắt đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3. Nhưng tôi đề xuất chúng ta nên ủng hộ cái gì là đúng, cái gì cần và cái gì nằm trong lợi ích tốt nhất của Mỹ và những người yêu tự do trên khắp thế giới”, ông Kinzinger nói.

“Chúng ta cần một chiến lược dài hạn ở Syria có thể dẫn đến một giải pháp hòa bình và chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu”.

Các quan chức Liên Hợp Quốc tuần trước cũng đã kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là Nga và Iran – đồng minh của chính quyền Assad – bảo vệ dân thường và không cho phép Idlib trở thành một “cuộc thảm sát” như nhiều người lo sợ.

“Điều này [trận chiến Idlib-ND] có thể dẫn tới một cơn ác mộng về nhân đạo chưa từng chứng kiến trong cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua ở Syria”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết.

“Tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế cần phải nhận thức được trách nhiệm của mình khi trận chiến Idlib sắp bắt đầu. Hậu quả của việc không hành động là rất lớn.

Nếu cộng đồng quốc tế, trong đó có cả châu Âu và Mỹ, không hành động ngay bây giờ, thì không chỉ người dân Syria vô tội, mà cả thế giới sẽ phải trả giá”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan viết trong một bài báo trên tờ Wall Street Journal tuần trước.

Tại Liên Hợp Quốc tuần trước, bà Haley và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã kêu gọi phản ứng toàn cầu đối với trận chiến Idlib sắp tới. Bà tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu vũ khí hóa học được triển khai ở Idlib.

Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra lời đe dọa mơ hồ đối với chính quyền Assad và đồng minh: “Nếu chính quyền Assad, Nga và Iran tiếp tục theo con đường này, hậu quả sẽ rất khốc liệt”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại