Tony Tuấn Anh thất bại: Vì sao cầu thủ Việt kiều ít “cửa” ở Việt Nam?

Đăng Huỳnh |

Tony Tuấn Anh đã không thuyết phục được HLV Hoàng Anh Tuấn và Ban huấn luyện ĐT U20 Việt Nam sau hơn 1 tuần “thử việc”. Cầu thủ trẻ này là một trong số các cầu thủ Việt kiều từng về nước tìm kiếm cơ hội nhưng thất bại. Vấn đề được đặt ra, vì sao đa số các cầu thủ Việt kiều ít có cơ hội thành công ở môi trường bóng đá Việt Nam?

Chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với một người là Việt kiều Đức (xin được phép giấu tên) thời gian qua luôn có mong muốn đóng góp nhỏ cho bóng đá Việt Nam. 

Đây cũng là người đại diện cho đối tác đã chắp nối để Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tìm được Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede và chuyên gia thể lực Martin Forkel đến từ Đức cũng như kết nối để U20 Argentina ghé qua Hà Nội đá giao hữu trước khi sang Hàn Quốc tham dự ngày hội U20 World Cup.

Chuyên nghiệp "kiểu Việt Nam"

Thực tế, tất cả các cầu thủ Việt kiều khi đá bóng đều mong muốn vinh dự khoác áo một ĐTQG nào đó. Có những người không còn quốc tịch Việt nữa, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ảnh hưởng nền văn hoá của nơi họ sinh sống. 

Tuy nhiên, thông qua bố mẹ, ông bà và họ hàng là người Việt Nam nên mong có cơ hội khoác áo ĐT Việt Nam, khi họ không có cơ hội khoác áo các ĐTQG ở nơi họ sinh sống.

Trong danh sách tôi nắm được và đánh giá, tất cả các cầu thủ Việt kiều ở Châu Âu và trên thế giới đều chưa đủ trình độ để thi đấu tại Việt Nam. Trong 10 trường hợp trở về chỉ được 1-2 trường hợp có thành công ban đầu như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm.

Kể cả như Mạc Hồng Quân hay những cầu thủ được khán giả biết đến như Micheal Nguyễn, Đặng Văn Robert thì ở nước ngoài, họ không phải là cầu thủ chuyên nghiệp. 

Ở Châu Âu, cầu thủ ở cấp độ ĐT U23 cũng vẫn chỉ là cầu thủ nghiệp dư, khi chưa có hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cho các CLB. Và khi đã là cầu thủ nghiệp dư thì việc tập luyện của họ khác hoàn toàn so với bóng đá Việt Nam.

Tony Tuấn Anh thất bại: Vì sao cầu thủ Việt kiều ít “cửa” ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Do nhiều khác biệt, Tony Tuấn Anh không thuyết phục được về chuyên môn khi thử việc cùng U20 Việt Nam. Ảnh: Duy Anh

Thực tế, các cầu thủ đó tập, chơi bóng chứ không phải đi đá bóng vì kế sinh nhai và thành nghề như các cầu thủ ở Việt Nam. Ví dụ họ chỉ tập 2 ngày 1 lần, hoặc 1 ngày 2 tiếng mỗi ngày rồi ai về nhà ấy chứ không tập luyện thường xuyên và ăn ở tập trung như các cầu thủ Việt Nam. Các cầu thủ Việt được tập luyện, chơi bóng với nhau từ nhỏ nên có sự nhuần nhuyễn, ăn ý và hiểu nhau hơn.

Bóng đá Việt Nam chưa thực sự phát triển như các nước khác, nhưng các cầu thủ trẻ tập luyện tại các trung tâm không khác gì các đội chuyên nghiệp trên thế giới, đó là khác biệt đặc trưng nhất.

Về Việt Nam thi đấu có thể coi là cơ hội cho các cầu thủ Việt kiều. Bởi ở nước ngoài từ ĐT U23 lên ĐTQG là cả một vấn đề cực kỳ khó khăn. Những cầu thủ bị loại ở U23 sẽ không làm được gì, phải làm lại từ đầu. Trong khi đó, về Việt Nam họ có mác Việt kiều, có thể kiếm được những mức lương cao hơn cả các cầu thủ trong nước. Đây là vấn đề được xem là không công bằng.

Tony Tuấn Anh thất bại: Vì sao cầu thủ Việt kiều ít “cửa” ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Những rào cản chủ quan lẫn khách quan

Vấn đề nữa là ngôn ngữ, các cầu thủ Việt kiều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên vốn tiếng Việt đa phần rất kém. Các cầu thủ Việt kiều phải có tiếng Việt rất tốt để có thể hiểu được những giáo án của huấn luyện viên đề ra cũng như hiểu, xây dựng quan hệ và khả năng liên lạc các đồng đội của mình.

Điều kiện thời tiết cũng là trở ngại rất lớn đối với các cầu thủ Việt kiều. Một hoán đổi là chúng ta thử đưa những cầu thủ tốt nhất Việt Nam như Công Phượng, Xuân Trường… sang Châu Âu tập luyện và thi đấu trong mùa đông (nhiệt độ -10 đến -20 độ C) điều này cũng giống như khi một cầu thủ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài khi phải về Việt Nam với sự khác biệt về thời tiết quá lớn.

Tony Tuấn Anh thất bại: Vì sao cầu thủ Việt kiều ít “cửa” ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Phải "hơn 200%" cho cuộc cạnh tranh khốc liệt

Tony Tuấn Anh chẳng hạn, quá khó khi từ môi trường 3 độ C về tập luyện tại Nha Trang với cái nắng nóng nhiệt đới lên đến 37 độ C và độ ẩm không khí gần 100 %.

Về khả năng cạnh tranh và thể hiện bản thân với các cầu thủ trong nước cũng luôn là thử thách lớn. Ở các ĐTQG Việt Nam, bao giờ cũng chỉ có từ 23-25 suất mỗi lần tập trung, đá giải. Do vậy, để cầu thủ Việt kiều cạnh tranh 1 suất với các đồng đội thì cá nhân đó phải thực sự kiệt xuất và nổi trội hơn.

Ngay như ở U20 Việt Nam, tất cả những cầu thủ hiện tại đều khẳng định ở CLB từ các giải trẻ, khoác áo các ĐTQG trẻ và vượt qua nhiều thách thức để giành vé dự U20 World Cup. Theo tôi, nếu Tony Tuấn Anh hơn các đồng đội 20% chưa đủ mà phải hơn 200% mới có thể cạnh tranh một suất trong đội hình.

Thực tế, VFF và Ban huấn luyện cũng đã mở cửa, tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt kiều có thể về nước để chứng tỏ tài năng của mình.

Không nên so sánh cầu thủ Việt kiều với cầu thủ nhập tịch ở ĐTQG Đức. Nhưng phải hiểu là những cầu thủ đó họ sinh ra và lớn lên ở Đức, ảnh hưởng nền văn hoá cũng như bóng đá Đức từ nhỏ. Họ cũng từng thi đấu cho các CLB ở Đức, có đào tạo nên họ được gọi lên ĐTQG chứ không phải họ từ các nước khác trở về.

Tony Tuấn Anh sinh năm 1999 tại CH Czech và có bố mẹ là người Bắc Giang, hiện đang theo tập ở U19 Bohemians Praha. Khi U20 Việt Nam tập trung chuẩn bị cho World Cup U20, cầu thủ này về nước xin tập thử và được tạo điều kiện nhưng chưa thể hiện được nhiều nên chia tay sau 1 tuần tập trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại