Tổng thống Trump tự dựng thuyết âm mưu bị 'nghe lén'?

Hồng Hạnh |

Sau khi ban lãnh đạo tình báo Mỹ bác bỏ việc cựu Tổng thống Barack Obama nghe trộm điện thoại Tháp Trump, dường như Tổng thống Donald Trump đang bơ vơ trên hòn đảo "thuyết âm mưu" do mình tưởng tượng ra.

Ngày 20/3, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ: "Về các bài viết trên mạng xã hội Twitter của ngài Tổng thống về cáo buộc nghe trộm điện thoại do chính quyền tiền nhiệm nhằm vào ông ấy, chúng tôi không có bất cứ thông tin nào ủng hộ cho các bài viết đó".

Ngược lại, ông Comey còn xác nhận FBI đang điều tra những nỗ lực của chính phủ Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2016 và liệu xem việc này có bất kỳ mối liên hệ nào với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không.

Phản ứng trước lời tuyên bố trên, trên một dòng trạng thái tweet vào sáng 21/3, ông Trump cho biết vụ điều tra về Nga hoàn toàn là do đảng Dân chủ dựng lên để “ngụy biện” cho thất bại trong tháng 11 năm ngoái.

Tuy dòng tweet trên chỉ là nơi chia sẻ suy nghĩ cá nhân của Tổng thống Trump nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng nó có thể tạo ra nhiều rắc rối sau này.

Ông Matthew Waxman – giáo sư luật ở Columbia từng giữ các vị trí an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush – nhận định: “Lời bình luận của ngài Tổng thống về những cáo buộc người tiền nhiệm nghe lén và vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ là khá nguy hiểm. 

Nó có thể phá hủy mối quan hệ giữa Nhà Trắng và cộng đồng tình báo, can thiệp vào công việc thông thường của các cơ quan chính phủ, phơi bày sự không đồng nhất với những nhà lập pháp trong Quốc hội và mang đến cho các nước đồng minh mối băn khoăn khi thấy rằng sự khiêu khích đến từ phía Nga không được Mỹ xem xét một cách cẩn trọng”.

Nhưng quan trọng hơn hết là mức độ tín nhiệm của ông Trump. Cùng với lời bác bỏ cáo buộc của ông Comey tại phiên điều trần hôm 20/3, dường như mọi lời nói của Tổng thống Trump đều trái ngược với FBI, NSA, Bộ Tư pháp, các quan chức cấp cao ở hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, Ủy ban Tình báo Hạ viện và cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper khi tất cả khẳng định không hề tìm thấy bằng chứng Tháp Trump bị nghe lén.

Đô đốc nghỉ hưu James Stavridis – nhà phân tích kênh truyền hình NBC - bày tỏ: “Sự tín nhiệm của chúng ta với ông Trump đang bị vỡ vụn ra làm nhiều mảnh”.

Không chỉ có cộng đồng tình báo Mỹ bị ảnh hưởng bởi những lời cáo buộc qua Twitter của ông Trump. Cơ quan tình báo Anh GCHQ bị ông Trump và người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer "ám chỉ" là đơn vị được cựu Tổng thống Obama yêu cầu “nghe trộm điện thoại”. 

Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mike Rogers cho biết tuyên bố của ông Trump “hoàn toàn kỳ cục” và lời bóng gió ám chỉ của ông về tình báo Anh rõ ràng “đã khiến một đồng minh thân thiết với Mỹ phật lòng”.

Bỏ ngoài tai mọi lời bác bỏ, dường như ông Trump vẫn một mình “chống lại cả thế giới”.

Ngay sau phiên điều trần ngày 20/3 của ông Comey, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Thư ký báo chí Sean Spicer thông báo: “Tổng thống Trump vẫn sẽ không rút lại những lời cáo buộc của mình, mặc cho ông Comey đã bác bỏ. Đó chỉ là một trong chuỗi các phiên điều trần sẽ diễn ra”.

Thậm chí ngay trong phiên điều trần, trang mạng Twitter của Nhà Trắng liên tục chia sẻ thông tin “tấn công” ông Comey. 

Trong một đoạn clip đăng trên tài khoản Twitter Nhà Trắng, ông Comey “thừa nhận” cựu Tổng thống Obama có thể “giám sát” công dân Mỹ, nhưng thực tế ông sẽ phải thông qua NSA hoặc FBI. 

Trong một đoạn clip khác, Comey “từ chối phủ nhận” việc chính ông đã báo cáo với ông Obama về những cú điện thoại giữa Cố vấn An ninh Quốc gia vừa từ chức Michael Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại