Tổng thống Indonesia họp kín bàn cách phá 'đường lưỡi bò'

An Nhiên |

Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ có chuyến thăm đến quần đảo Natuna ngày 23/6 và có cuộc họp bàn cách phá 'đường lưỡi bò'.

The Straits Times ngày 23/6 dẫn lời nguồn tin giấu tên từ chính phủ Indonesia cho biết, cuộc họp sẽ được tiến hành trên chiến hạm hải quân Indonesia. Tổng thống Widodo sẽ họp kín với các bộ trưởng và quan chức quân sự trên tàu.

Trong khi chương trình họp không được tiết lộ, chắc chắn ông Joko Widodo sẽ tập trung vào chống đánh bắt cá trái phép và bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Natuna trong bối cảnh Bắc Kinh lặp đi lặp lại rằng vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Natuna là một phần "ngư trường truyền thống" của Trung Quốc.

Một quan chức tỉnh Riau nói với The Straits Times hôm 22/6, ông Joko Widodo có kế hoạch trực tiếp kiểm tra tàu cá Trung Quốc số hiệu Yueyandong Yu 19.038 đánh bắt trộm và bị tàu quân sự Indonesia bắt giữ.

Con tàu và 7 thuyền viên Trung Quốc đang bị giam giữ tại căn cứ hải quân Ranai để điều tra. Sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna là thủ đoạn của Bắc Kinh để thực hiện yêu sách bành trướng đường lưỡi bò.

Trước đó, ngày 21/6, Chỉ huy Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia, Chuẩn Đô đốc A.Taufiq R., cáo buộc sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna là âm mưu nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Khi bạn tuyên bố chủ quyền một vùng lãnh thổ, bạn phải có mặt ở đó. Cách của Trung Quốc là triển khai tàu đánh cá”, ông Taufiq nói tại cuộc họp báo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti thề sẽ cứng rắn với những kẻ săn trộm, bất kể họ đến từ Trung Quốc. Indonesia không tham gia các tranh chấp ở Biển Đông nhưng vẫn gặp rắc rối với Trung Quốc tại quần đảo Natuna.

Bắc Kinh bảo vệ hành động của mình bằng cách khẳng định tàu cá Trung Quốc “hoạt động trong ngư trường truyền thống của nước này” xung quanh quần đảo Natuna.

Bên cạnh những tuyên bố trên, mới đây, Bộ trưởng Bộ Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan tiết lộ, Tổng thống Joko Widodo đã ký quyết định thành lập một nhóm chuyên gia luật hàng hải quốc tế nhằm giải quyết vấn đề một cách thân thiện với Trung Quốc.

Rõ ràng, Indonesia đã hết sức chịu đựng những hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Ishak ISEA-Yusof, Singapore nhận định:

“Trước đây mỗi khi xảy ra sự cố tương tự như thế này, Indonesia có xu hướng đánh giá thấp nó hoặc thậm chí xem xét chúng trong những lợi ích của việc duy trì quan hệ hài hòa với Trung Quốc.

Nhưng khi Trung Quốc bắt đầu cho tàu Cảnh sát biển vào thực thi quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Jakarta không còn lựa chọn nào khác là phải công khai hành động này và tìm cách đẩy lùi hành vi leo thang của Bắc Kinh”.

Theo giới phân tích, Indonesia có thể đánh giá lại mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục gây hấn ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại