Toàn cảnh vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo

Trung Hiếu |

Mỹ và Nhật Bản thực sự lo ngại trước việc Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Pukguksong-2.

CHDCND Triều Tiên đã phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo mới, theo truyền thông nhà nước của quốc gia này.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 đã được phóng thử vào ngày 12/2 dưới sự giám sát của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Kim có mặt tại điểm phóng và đích thân ra lệnh phóng. Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên do Bình Nhưỡng tiến hành kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Hãng KCNA mô tả tên lửa này là một “hệ thống vũ khí chiến lược kiểu mới mang phong cách Triều Tiên”.

Cả Hàn Quốc và Mỹ đều xác nhận vụ phóng này vào hôm 13/2.

Một quan chức Mỹ cho biết, tên lửa này bay được 500km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. Tên lửa được phóng đi từ tỉnh Bắc Pyongan.

Các tên lửa đạn đạo tầm trung thường bay được khoảng cách 3.000-5.500km.

Tên lửa Pukguksong-2 được cho là đã sử dụng một động cơ đẩy nhiên liệu rắn giúp việc phóng nhanh hơn và làm tăng tính cơ động của quá trình phóng, theo một phát ngôn viên của người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc.

Các tham mưu trưởng Hàn Quốc cũng tin rằng Bình Nhưỡng đã sử dụng một hệ thống phóng lạnh, theo đó tên lửa được nhấc khỏi mặt đất bằng áp lực rồi kích hoạt giữa đường bay, ngược với phương pháp thông thường là kích hoạt ngay trên mặt đất.

Toàn cảnh vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo - Ảnh 1.

Họp khẩn

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết họ có kế hoạch tổ chức tham vấn khẩn cấp vào chiều 13/2 liên quan đến vấn đề Triều Tiên, theo nguồn tin Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Cuộc họp này được tổ chức theo yêu cầu của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Abe đã thông báo tại một buổi họp báo ở Palm Beach, Florida, rằng “vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là tuyệt đối không thể dung thứ được”. Ông nói: “Triều Tiên phải tuân thủ đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Triều Tiên bị cấm tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo theo tinh thần của các nghị quyết này. Mục đích của các nghị quyết là hạn chế việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Trump khi đó tuyên bố: “Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng Mỹ đứng đằng sau Nhật Bản 100%”.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga, cho biết việc tên lửa được phóng vào đúng lúc ông Abe gặp ông Trump đã cho thấy rõ “đây là một sự khiêu khích rõ ràng đối với Nhật Bản và khu vực”.

Tokyo đã thể hiện sự phản đối của mình đối với Triều Tiên thông qua Đại sứ quán của họ ở Bắc Kinh.

“Hành động trừng phạt”

Hãng tin KCNA cho biết quả tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể “tránh tên lửa đánh chặn”.

Theo tin KCNA, lãnh đạo Kim “đã bày tỏ sự rất hài lòng về việc sở hữu một phương tiện tấn công hạt nhân mạnh mẽ nữa, góp phần củng cố thêm sức mạnh khổng lồ của quốc gia”.

Họ loại trừ khả năng đây là một tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa hơn – vốn được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.

KCNA cho biết, vụ phóng “đã được thực hiện bằng một phương pháp phóng góc cao thay vì sử dụng cự ly bán, qua đó chú ý đến an ninh của các nước láng giềng”.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn nói: “Chính phủ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đang hợp tác để có những hành động trừng phạt thích hợp trước vụ phóng”.

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Michael Flynn, đã nói chuyện với người đồng cấp Hàn Quốc là Michael Flynn, theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc. Hai người lên án vụ phóng và nhất trí “tìm kiếm các giải pháp có thể” để răn đe Bình Nhưỡng trong tương lai.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh ngày 13/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ra tuyên bố nhấn mạnh, hành động này là đi ngược lại các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, yêu cầu Triều Tiên dừng chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như không được tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân và tên lửa nào.

Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử tên lửa chưa từng có tiền lệ vào năm 2016 và một vụ phóng tên lửa mà các chuyên gia xem như dấu hiệu của việc nước này đã khắc phục được các trở lực đáng kể đối với công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhưng kể từ ngày 20/10/2016 đến 12/2/2017 thì họ chưa thử một vụ tên lửa đạn đạo nào.

Vào tháng 1/2017, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã nói với CNN rằng Triều Tiên có thể chuẩn bị sẵn sàng hai quả tên lửa đạn đạo liên lục địa nữa để phóng thử trong tương lại gần.

Tướng về hưu Mark Hertling cho rằng cuộc phóng thử vào hôm 12/2 sẽ giúp Triều Tiên cải thiện công nghệ tên lửa của họ và có thể giúp họ phát triển một quả tên lửa ICBM.

Tướng Hertling nói: “Đây là mục tiêu của các chính trị gia Triều Tiên... Quả tên lửa đạn đạo tầm trung này chắc chắn nguy hiểm. Nó có tầm xa hơn một số tên lửa Musudan mà họ thử trước đó. Đó là mối quan ngại cho không chỉ Mỹ mà còn các đối tác châu Á của Mỹ”.

Bình Nhưỡng đã và đang đều đặn cải thiện năng lực tên lửa và vũ khí của mình. Họ đã thực hiện cuộc thử hạt nhân thứ 5 vào tháng 9/2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại