Tình bạn của Tổng thống Assad và Erdogan: “Gương vỡ lại lành”?

Kiều Anh |

Liệu khi cuộc chiến ở Syria đi đến hồi kết, mối quan hệ từng thân thiết 1 thời giữa Tổng thống Assad và người đồng cấp Erdogan có thể “gương vỡ lại lành"?

Từng là bạn cũ

Cách đây 10 năm, ông Erdogan, sau là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham gia một kỳ nghỉ gia đình ở khu nghỉ dưỡng Bodrum vùng Aegean trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phát triển ở một tầm cao mới.

Sau hàng thập kỷ Chiến tranh Lạnh, chính quyền do ông Erdogan nắm quyền năm 2002 đã thiết lập mối quan hệ thương mại và ngoại giao với các nước láng giềng phía nam ngày càng nảy nở.

Việc nối lại tình hữu nghị giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ còn được củng cố bởi mối quan hệ cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo của 2 nước khi ông Erdogan và ông Assad đã có nhiều chuyến thăm thân tình.

Tuy nhiên, phong trào "Mùa xuân Arab" cùng với cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria đã khiến mối quan hệ cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo cũng như mối quan hệ giữa 2 quốc gia ngày càng chia rẽ và bất đồng.

Ông Erdogan thậm chí đã gọi Tổng thống Assad là "một kẻ khủng bố" và trong suốt cuộc xung đột 8 năm ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ các nhóm đối lập chống lại chính quyền của ông Assad.

Thay đổi mục tiêu tập trung

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các cường quốc phương Tây và khu vực kêu gọi Tổng thống Assad từ chức, Nga quyết định can thiệp vào Syria nhằm ủng hộ ông Assad hồi tháng 9/2015.

Dù vậy, nếu như một số nước phương Tây và các quốc gia khác lẳng lặng rút lại yêu cầu đòi ông Assad từ chức sau khi chính quyền Tổng thống Syria giành lại phần lớn lãnh thổ, thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục lên tiếng phản đối, nhưng sự tập trung của Ankara đã thay đổi sang mục tiêu khác mà nước này cho là đe dọa đến an ninh trực tiếp hơn. Đó chính là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng YPG có liên hệ mật thiết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở nước này - một tổ chức đấu tranh với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ để đòi ly khai từ năm 1984. Trong khi đó, năm 2015, YPG đã kiểm soát được một khu vực lãnh thổ rộng lớn ở đông bắc Syria dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù Ankara không từ bỏ chính sách thù địch với Tổng thống Assad nhưng ưu tiên này đã giảm xuống khi cuộc chiến chống lại lực lượng YPG giữ vai trò trung tâm.

Trong một chuyến thăm tới Moscow ngày 23/1, ông Erdogan đã khẳng định "mục đích duy nhất" của Thổ Nhĩ Kỳ là đấu tranh chống lại IS và lực lượng YPG.

Tháng 12/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusogle cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc đến việc hợp tác với ông Assad nếu ông trúng cử một cách dân chủ.

"Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng nếu ông Assad chiến thắng bầu cử, nước này sẽ hợp tác với ông ấy. Thổ Nhĩ Kỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với ông Assad. Đó là một sự đảo ngược chính sách của Ankara", Kamal Alam, một nhà phân tích về Syria cho biết.

Những bình luận của ông Cavusoglu về ông Assad được đưa ra một vài ngày trước khi Mỹ thông báo rút quân khỏi đông bắc Syria - khu vực mà quân đội của Washington đang hợp tác cùng lực lượng YPG trong cuộc chiến chống IS.

Điều này đã khiến YPG phải tìm kiếm một thỏa thuận với ông Assad trong bối cảnh xe tăng và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới đe dọa tấn công.

Gương vỡ lại lành?

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ủng hộ các cuộc đối thoại với YPG. Nếu ông Assad giành lại quyền kiểm soát đông bắc Syria, việc nối lại quan hệ với chính phủ Syria có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt lo ngại từ YPG, kể cả trong trường hợp lực lượng này không bị loại bỏ.

Giáo sư thỉnh giảng Alam tại Học viện Quân nhân Hoàng gia ở London nhận định các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ đã "thay đổi đáng kể" từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Syria.

"Tại thời điểm này, tất cả những gì họ có thể đạt được là giữ biên giới an toàn và đảm bảo lực lượng người Kurd YPG không phải mối đe dọa", ông Alam cho biết.

"Ông Erdogan đủ thông minh để đặt tình cảm cá nhân sang một bên nếu nhận thấy những lợi thế chính trị. Không ai có thể khẳng định rằng ông Erdogan sẽ không bao giờ "làm hòa" với ông Assad”, Mitat Celikpala - một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has ở Istanbul cho biết.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau xung đột sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc định hình của chính phủ Syria ở Damascus sau cuộc bầu cử Tổng thống trong 2 năm nữa.

Theo ông Sener Akturk - tác giả của cuốn sách về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong Mùa xuân Arab và cuộc xung đột Syria, Ankara sẽ không công nhận tính hợp pháp nhưng vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Assad.

Một câu hỏi nữa đặt ra sau cuộc chiến ở Syria là liệu điều gì sẽ xảy ra với lãnh thổ mà Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở bắc Syria sau khi nước này hậu thuẫn lực lượng Quân đội Syria Tự do tiến hành các cuộc chiến nhằm chống lại IS và lực lượng YPG.

Khu vực chạy dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ từ Afrin tới sông Euphrates có thể được sử dụng như những "quân bài mặc cả" để tăng cường vị thế của Ankara khi quốc gia này muốn giải quyết vấn đề lực lượng YPG , Joost Hiltermann, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Nhóm xử lý Khủng hoảng Quốc tế nhận định.

Vậy còn mối quan hệ từng thân thiết giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Syria? Nhiều nhà quan sát nhận định rằng dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đặt lợi ích chính trị lên trên mối quan hệ cá nhân nhưng “tình bạn” giữa ông Erdogan và ông Assad sẽ khó mà "gương vỡ lại lành" bởi những khác biệt và bất đồng không thể hóa giải trong nhiều vấn đề giữa hai bên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại