Tìm và diệt “thủ phạm” gây hôi miệng

BS. Nguyễn Minh Anh |

Hôi miệng là hiện tượng hơi thở có mùi hôi, gây khó chịu cho người đối diện, ảnh hưởng rất nhiều đến giao tiếp hàng ngày.

Bên cạnh cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng không đúng thì hôi miệng có thể là biểu hiện sức khỏe không tốt.

Khoang miệng là môi trường ẩm ướt, thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Bệnh hôi miệng có nhiều nguyên nhân, thường là do nguyên nhân từ bệnh răng, nướu, trong hốc miệng - đáy lưỡi, đôi khi có nguyên nhân bệnh mũi xoang và hệ tiêu hóa.

Nguyên nhân tại miệng

Vệ sinh răng miệng không đúng cách là nguyên nhân gây hôi miệng. Do vệ sinh răng miệng kém sẽ hình thành mảng bám, thức ăn đọng trong khoang kẽ răng tạo cơ hội cho vi khuẩn lên men và phát triển, phóng thích các hợp chất có mùi. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng kém dẫn đến hình thành các lỗ sâu.

Đây cũng là nơi ẩn trú và phát triển của vi khuẩn cũng như chứa đọng các mảnh vụn thức ăn dẫn đến tình trạng có mùi hôi. Nhiễm khuẩn miệng cũng là nguyên nhân gây hôi miệng, trong đó viêm nướu (nướu sưng dễ chảy máu), viêm niêm mạc miệng, viêm nha chu (có túi nha chu răng lung lay), áp-xe răng miệng.

Ngoài ra, do một số nguyên nhân từ những người hàm giả không đúng, khô miệng sau điều trị xạ trị làm cho lượng nước bọt trong miệng giảm nên khả năng tự chải rửa tự nhiên giảm rất dễ bị sâu răng và hôi miệng.

Sản phẩm chuyển hóa của một số thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh lý thận, bệnh lý tâm thần cũng có thể gây hơi thở hôi khi được thải trừ qua phổi.

Nguyên nhân từ các bệnh khác

Một số người bị viêm nhiễm đường hô hấp (viêm xoang, viêm họng,...) cũng gây ra tình trạng hôi miệng. Người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dạ dày cũng khiến cho hôi miệng thêm trầm trọng.

Ngoài ra có một số nguyên nhân khác gây mùi hôi ở miệng đó là do một số thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi,... Đây là 2 thủ phạm đứng đầu trong danh sách gây hôi miệng do trong tỏi và hành có chứa hợp chất sulfur tự nhiên gây hôi miệng.

Thực phẩm khiến cho tình trạng hôi miệng trầm trọng do thực phẩm tiếp theo là các loại nước ép cam quýt (ép cam quýt có chứa một lượng lớn axit citric giúp vi khuẩn phát triển nhanh chóng tạo ra nhiều hợp chất sulfur là nguyên nhân gây hôi miệng); sử dụng quá độ lượng đồ uống có cồn (rượu, bia) không những gây khô miệng mà còn làm xuất hiện mùi hôi khó chịu vùng miệng.

Trong miệng rất cần có đủ lượng nước bọt cần thiết để hạn chế tối đa lượng tế bào chết quanh vùng miệng và cổ họng.

Hút thuốc làm hơi thở hôi ở hai lý do: hút thuốc gây khô miệng, gây nhiều viêm nhiễm trong khoang miệng như viêm quanh răng, viêm lợi, viêm lưỡi, viêm xoang. Khói thuốc lá, thuốc lào cũng chứa nhiều hợp chất mà khi bám quyện với nước bọt tạo mùi rất hôi.

Điều trị hôi miệng

Tùy theo nguyên nhân gây hôi miệng có thể dự phòng và điều trị theo các cách sau: Chải răng, lưỡi, niêm mạc miệng sau khi ăn. Trám răng sâu. Điều trị các viêm nhiễm trong miệng như viêm nướu, nha chu, áp-xe. Điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, họng, tiêu hóa. Sửa chữa các phục hình răng giả không tốt gây nhồi nhét thức ăn.

Dùng thuốc súc miệng: không phải thuốc súc miệng nào cũng tốt trong điều trị hôi miệng. Phần lớn thuốc súc miệng trên thị trường có thành phần cồn, sẽ gây khô miệng và làm cho tình trạng hôi miệng trở nên nặng nề hơn.

Thuốc súc miệng có chứa chlorine clioxide (CIO2) có khả năng phân hủy hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và có tính diệt khuẩn. Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm ra những bệnh lý ảnh hưởng đến răng miệng cũng như hơi thở hôi.

Cách phòng tránh

Có thể phòng tránh chứng khô miệng, hôi miệng bằng cách giữ vệ sinh răng miệng: Làm sạch thức ăn còn giắt trong kẽ răng bằng chỉ nha khoa hàng ngày, nạo sạch lưỡi vào buổi sáng. Dùng kem đánh răng có chứa fluoride, súc miệng nước muối nhiều lần trong ngày (khi bị khô miệng) hoặc súc miệng hàng ngày bằng các dung dịch súc miệng có bán tại các hiệu thuốc.

Uống nước thường xuyên để giữ ẩm miệng. Cần khắc phục các chứng bệnh tai mũi họng, răng miệng, hầu họng, tuyến nước bọt, hạn chế thở bằng miệng sẽ bớt khô miệng, hôi miệng. Nếu khô miệng do dùng thuốc, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Nếu khô miệng, hôi miệng do mắc một số bệnh lý đòi hỏi người bệnh cần phải thay đổi lối sống và đi khám bác sĩ thường xuyên. Điều trị tích cực các bệnh lý ở các cơ quan khác: bệnh gan, thận, bệnh đái tháo đường, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản... Nên hạn chế sử dụng nước uống và thực phẩm có hàm lượng đường cao, không uống rượu, không hút thuốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại