Tiêu tiền cũng tạo ra nỗi đau và đây là cách để bạn bị đau ít nhất

P.V |

Viêm màng túi là một cơn đau rất nhiều người gặp phải, thế nhưng đó không phải là vấn đề được nhắc tới ở đây khi não bộ sinh ra một cơn đau ngắn mỗi khi ta tiêu tiền.

Có rất nhiều cách thức khác nhau để mua sắm ở thời điểm hiện tại, bạn có thể trả một phần, trả hết khi chốt mua. Hoặc mua theo kiểu trả góp hay với một số dịch vụ cho phép bạn dùng chán chê mới phải trả tiền.

Thế nhưng, ở góc độ tâm lý học thì những cách thanh toán này không hề giống nhau và nó mang lại những trải nghiệm mua sắm khác nhau.

Vậy, đâu là cách thức thanh toán hợp lý nhất để bạn có được món đồ đồng thời có được cảm giác thoải mái về tâm lý?

Theo Giáo sư Dan Ariely, khoa tâm lý học trường Đại học Duke thì trả hết từ ban đầu sẽ là cách thoải mái nhất để bạn có được trải nghiệm toàn diện về những thứ mình mới mua. Lý do vì sao ư?

Tiêu tiền cũng tạo ra nỗi đau và đây là cách để bạn bị đau ít nhất - Ảnh 1.

Giáo sư Dan Ariely.

Ông lấy ví dụ về một chuyến du lịch, bạn có thể trả hết trước toàn bộ cho chuyến đi này, bạn cũng có thể vừa đi vừa trả trong quá trình du lịch hoặc bạn trả sau khi đã hoàn tất chuyến đi.

Không những nó có sự khác biệt về tài chính khi mà trả hết đầu tiên nhiều khi rẻ hơn trả góp, trả sau mà hiệu ứng tâm lý mua sắm cũng sẽ thôi thúc chúng ta tới với phương thức trả thẳng.

Vậy, trả tiền trước có lợi ích gì?

Tiếp về ví dụ đi du lịch bên trên, khi bạn trả hết cho toàn bộ chuyến đi và rồi bắt đầu nó, trong suốt hành trình bạn sẽ chẳng cần phải lo lắng tới những thứ mình chưa chi trả.

Cảm giác bận tâm vì còn "mắc nợ" sẽ không xuất hiện nữa vì đơn giản bạn đã trả hết sạch rồi. Thay cho nó sẽ là sự hào hứng cũng như những cách thức khác nhau để "vắt kiệt" trải nghiệm, thu về được nhiều nhất so với những gì mình bỏ ra.

Tiêu tiền cũng tạo ra nỗi đau và đây là cách để bạn bị đau ít nhất - Ảnh 2.

Trả hết tiền từ đầu bao giờ cũng "sướng" và đỡ lo âu nhất.

Thế còn trả sau thì sao?

Ở giai đoạn đầu của hành trình hay bất kì hành động mua sắm nào, bạn sẽ chẳng phải lo lắng về tiền bạc. Giai đoạn đầu của quá trình trả sau sẽ rất tốt đẹp, bạn chẳng phải lo lắng nghĩ ngợi gì và tận hưởng trải nghiệm tương tự như trả trước.

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu thay đổi gần tới ngày bạn phải thanh toán, trả tiền. Bạn bắt đầu nghĩ tới những chi phí phải chi trả.

Mặc dù nó chẳng khác gì so với trả trước nhưng theo giáo sư Dan Ariely thì việc suy nghĩ về tiền bạc sẽ khiến cho chuyến đi kém hấp dẫn hơn, bản thân mỗi người lo lắng nhiều hơn từ đó không thấy thoải mái bằng.

Tệ hại nhất có lẽ là trả góp hoặc vừa đi vừa trả

Vì sao? Vì mỗi khi bạn tới một nơi mới hay chuẩn bị chi tiêu một khoản nào, bạn sẽ suy nghĩ rất nhiều đến tiền bạc. Không những nó khiến việc quản lý tài chính thêm phần phức tạp mà tâm lý lo lắng cũng sẽ khiến trải nghiệm giảm đi.

Hay lấy một ví dụ khác như bạn muốn mua một chiếc điện thoại mới chẳng hạn, trả hết ngay từ ban đầu sẽ giúp bạn có được cảm giác sử dụng nó thoải mái nhất, vô tư nhất.

Trong khi trả góp hay dùng chán chê mới trả, thâm tâm sẽ luôn có xu hướng mang nợ từ đó dẫn tới sự mệt nhọc trong suốt quá trình.

Đó chính là lý do vì sao nếu muốn mua một thứ gì, hãy tiết kiệm đủ tiền để có được nó chứ đừng mua trả góp để rồi ôm cái lo vào mình.

Tiêu tiền cũng tạo ra nỗi đau và đây là cách để bạn bị đau ít nhất - Ảnh 3.

Việc quản lý chi tiêu để trả theo từng giai đoạn cũng là trải nghiệm rất mệt mỏi.

Giáo sư Dan cho rằng hiệu ứng này có tên "nỗi đau chi tiêu", qua những thiết bị y học, khoa học tiên tiến thì mỗi lần suy nghĩ tới tiền bạc bạn phải đưa ra một lựa chọn từ đó não bộ sẽ sản sinh ra một cơn đau tạm thời dù nó không ghê gớm nhưng sẽ khiến lạc mạch suy nghĩ.

Ngoài ra, giáo sư Dan Ariely cũng chỉ ra thêm một góc khác của việc chi tiêu đó chính là việc tiêu tiền không phải của mình.

Giả sử 2 người cùng có 10 triệu đồng mỗi người, người kiếm được 10 triệu đó rồi tiêu sẽ tiêu số tiền của mình hợp lý và lâu hơn rất nhiều so với người tự dưng được cho 10 triệu.

Người bỗng dưng có tiền mà không phải do mình kiếm ra không gặp phải bất kì rào cản nào trong suy nghĩ. Từ trên trời rơi xuống cục tiền, tội gì không tiêu? Thế nhưng, những người này cũng chi tiêu bừa bãi, không có kế hoạch so với những người tự kiếm tiền.

Kết

Hiệu ứng tâm lý này có thể được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, hãy suy nghĩ về nỗi đau kể trên mỗi khi bạn mua một thứ gì đó.

Giả sử bạn muốn mua một thứ gì đó vượt ra ngoài khả năng chi trả, hãy nghĩ về nỗi đau ấy rồi xem nó có xứng đáng để bạn bỏ tiền ra hay không.

Giáo sư Dan Ariely cho hay hiệu ứng này sẽ giúp bạn chi tiêu một cách hợp lý hơn, tiết kiệm được tiền cũng như có được trải nghiệm sử dụng thoải mái, tốt nhất.

Theo: Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại