Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 3.0 diễn ra "trong vài tháng tới"

Hoàng Hà |

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội chưa đạt được thỏa thuận cụ thể, song đã giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hiểu biết rõ hơn lập trường của nhau và đó là tiền đề quan trọng cho một cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 3.0.

Một tín hiệu lạc quan về tiến trình đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lại được phát đi khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1-4 đã lên tiếng bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump sẽ gặp lại “trong vài tháng tới” và tạo ra bước tiến quan trọng nhằm xóa bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp này nếu diễn ra sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ ba, sau các cuộc gặp tại Singapore vào tháng 6-2018 và tại Hà Nội vào tháng 2-2019, về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cho dù còn tỏ ra thận trọng do “rất khó để biết được thời gian chính xác Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ ba”, nhưng ông Pompeo vẫn khẳng định, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên càng sớm càng tốt sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ.

Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cũng hy vọng, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên sẽ gặp nhau “trong vài tháng tới” để có thể đạt được một bước đi đầu tiên quan trọng hoặc một bước tiến lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa, sau đó tiến tới mục tiêu cuối cùng phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên.

Những phát biểu tích cực trên đây của Ngoại trưởng Pompeo khiến không ít người bất ngờ nếu nhìn lại quan hệ Mỹ - Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội. Sau khi không đạt được thỏa thuận theo như kỳ vọng trước đó, nhiều động thái gia tăng căng thẳng xuất hiện trở lại như có những thông tin về việc Triều Tiên có thể tiến hành thử lại hạt nhân và tên lửa, trong khi Mỹ tính siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt…

Tuy nhiên, những động thái đó đến nay vẫn chưa đủ để đảo ngược tiến trình đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Điều đó được minh chứng khá rõ tại Hà Nội khi mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không thể vượt qua những bất đồng, khác biệt quan điểm còn lớn giữa hai bên về thực thi phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Không đạt được thỏa thuận, song Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội đã tạo cơ hội để hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Triều Tiên ngồi lại trực tiếp đàm phán với nhau.

Cũng tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un mới thật sự hiểu rõ quan điểm cũng như cách thức của nhau trong những bước đi thực thi phi hạt nhân hóa, nói cách khác, bắt đầu mở ra tiến trình đàm phán thực chất giữa hai bên sau cam kết mang tính định hướng tại Singapore.

Chính vì thế, trước những động thái căng thẳng mới sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump vẫn gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “người bạn tốt”, người mà ông “rất quý”.

Tổng thống Donald Trump còn có quyết định gây không ít bất ngờ là “bác” lệnh trừng phạt bổ sung chống Triều Tiên đã được Bộ Tài chính Mỹ công bố, điều được giới quan sát cho rằng nhằm luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên mà trực tiếp là nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Rõ ràng, chính những người trong cuộc như Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu rõ hơn ai hết rằng đối thoại mới là con đường thích hợp nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 3.0 vì thế có khả năng sẽ diễn ra “trong vài tháng tới”.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại