Thực hiện quyền tự vệ chính đáng

DIỆU THÚY (tổng hợp) |

Sau chiến thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam tha thiết mong muốn hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước. Chúng ta đã thực hiện chủ trương giảm quân thường trực kể cả các quân khu ở phía Nam để tập trung cho nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và xây dựng, phát triển đất nước.

Trước hành động khiêu khích, xâm phạm biên giới Tây Nam Việt Nam của quân Pôn Pốt, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm mong muốn Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Chúng ta thực hiện nghiêm các thỏa thuận tại cuộc gặp mặt đại diện Việt Nam và Campuchia tại Phnôm Pênh diễn ra vào tháng 4-1976.

Kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với Campuchia, Quân ủy Trung ương Đảng ta đã chỉ thị cho các quân khu, tỉnh có đường biên giới với Campuchia tăng cường đoàn kết với nhân dân Campuchia, tránh mọi sự khiêu khích.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 12-1976, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường của mình:

"Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và Campuchia, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa nước ta với hai nước anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tôn trọng lợi ích của nhau, làm cho ba nước vốn gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước".

Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt ra sức tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, chủ động gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam; huy động phần lớn sức mạnh quân sự, hàng chục sư đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam.

Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng - Ảnh 1.

Pháo binh của ta bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9-1977. Ảnh: TTXVN

Với dã tâm xâm lược, mở đầu cuộc chiến tranh, Pôn Pốt liên tiếp mở 3 cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam. Ngày 30-4-1977, chúng đánh vào 14/16 xã biên giới thuộc tỉnh An Giang, tàn phá các bản làng, trường học, cơ sở sản xuất của ta, bắn pháo vào những nơi đông dân cư ở sát biên giới và vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam.

Các cuộc tiến công và pháo kích của quân Pôn Pốt vào An Giang tính đến ngày 19-5-1977 đã giết hại 222 người và làm 614 người dân Việt Nam bị thương, phá nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân...Những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt là không thể dung tha.

Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, giúp đỡ những người cách mạng chân chính Campuchia làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội.

Trước hành động xâm lược trắng trợn của quân Pôn Pốt, các lực lượng biên phòng và dân quân, du kích các xã Vĩnh Xương, Vĩnh Gia, Nhân Hưng… đã anh dũng chiến đấu, ngăn chặn địch.

Quân đội ta đã sử dụng 1 trung đoàn (thuộc Sư đoàn 330), 1 trung đoàn tàu thuyền và 2 tiểu đoàn địa phương An Giang đánh trả, diệt 300 tên, buộc quân Pôn Pốt rút về bên kia biên giới.

Ngày 23-5-1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang ở phía Nam:

"Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia.

Tìm mọi cách làm nhụt tinh thần của bọn khiêu khích. Tuyên truyền vận động nhân dân bạn và tranh thủ sự đồng tình của dư luận, tạo điều kiện ổn định một bước biên giới với Campuchia. Đập tan âm mưu chia rẽ các nước anh em trên bán đảo Đông Dương".

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, các đơn vị Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 tổ chức điều chỉnh lực lượng, phương tiện, xây dựng phương án, sẵn sàng chiến đấu.

Tổng cục Hậu cần triển khai một số kho, bảo đảm yêu cầu chiến đấu; các binh chủng Công binh, Pháo binh triển khai một số đơn vị sẵn sàng đánh địch ở các hướng; mạng thông tin liên lạc từ quân khu tới các đồn, chốt biên phòng được tăng cường thêm lực lượng và phương tiện.

Từ ngày 25-9-1977, quân Pôn Pốt tập trung 9 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công lớn thứ 2 đánh sang địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh, gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam.

Riêng ở 3 xã thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu (Tây Ninh), quân Pôn Pốt đã tàn sát trên một nghìn người dân.

Trước diễn biến mới của cuộc chiến tranh, do ta chưa tổ chức được tuyến phòng thủ biên giới, Bộ Tổng Tham mưu quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực cơ động của Bộ đánh lui các cuộc tiến công của quân Pôn Pốt ở nhiều khu vực trên biên giới, giành lại những khu vực bị lấn chiếm, sau đó lui về củng cố lực lượng.

Phát hiện ta đã lui quân về phía sau, ngày 15-11-1977, quân Pôn Pốt lại mở cuộc tiến công mới nhằm đánh chiếm thị xã Tây Ninh

Trước tình hình đó, từ 5-12-1977 đến 5-1-1978, Quân đoàn 4, Quân đoàn 3 và Quân khu 7, Quân khu 9 tập trung 8 sư đoàn mở đợt phản công trên các hướng đường 7, đường 1, đường 2, truy kích quân Pôn Pốt sâu vào đất Campuchia 20-30km; đánh thiệt hại 5 sư đoàn, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng - Ảnh 2.

Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam liên tiếp làm nên những chiến thắng: Giải phóng Kro chê, Xtung Treng, Bát tam boong, Xiêm Riệp, hải cảng Công pông Xom...ở Campuchia. Ảnh: TTXVN


Với âm mưu thủ đoạn nham hiểm "vừa ăn cướp, vừa la làng", tập đoàn Pôn Pốt đưa chiến tranh biên giới ra trước dư luận thế giới: Ngày 31-12-1977, chúng ra tuyên bố vu khống Quân đội Việt Nam "tiến công xâm lược Campuchia dân chủ" nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế.

Cũng trong ngày 31-12-1977, Chính phủ ta ra tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam- Campuchia, nêu rõ lập trường và nguyên tắc của ta là: Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mình; luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, làm hết sức mình để bảo vệ tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị Việt Nam- Campuchia; vạch trần âm mưu thủ đoạn và những tội ác man rợ của tập đoàn Pôn Pốt đối với đồng bào ta ở các tỉnh vùng biên giới Tây Nam.

Tinh thần xây dựng, lập trường chính nghĩa của Đảng, Nhà nước ta mong muốn giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước Việt Nam- Campuchia thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng lẫn nhau được dư luận thế giới đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới của Chính phủ ta đều bị tập đoàn Pôn Pốt từ chối. Chúng tiếp tục phát động chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại