Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ

Mạnh Mường |

Trong buổi trao tặng sách THƯ VIỆN VÙNG QUÊ tại trường THCS An Mỹ, chúng tôi được nghe những câu chuyện đặc biệt của những người làm công tác giảng dạy và các em học sinh tại đây.

Tâm tư của những người làm thầy, làm cha mẹ ở An Mỹ

Ngày 12/8, Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức trao tặng sách của dự án THƯ VIỆN VÙNG QUÊ cho Trường THCS An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội).

Được biết, trường THCS An Mỹ (tiền thân là Trường Phổ thông cấp II An Mỹ) thành lập năm 1962 với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa cho các xã An Mỹ, Mỹ Thành, Bột Xuyên, Phúc Lâm, Lê Thanh, Hồng Sơn của huyện Mỹ Đức.

Tháng 6 năm 1992, trường Phổ thông cấp II An Mỹ được tách ra thành trường Tiểu học An Mỹ và trường THCS An Mỹ.

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 1.

Không khí buổi trao tặng sách tại trường THCS An Mỹ

Hiện nay, Trường THCS An Mỹ có 378 học sinh, với 43 cán bộ giáo viên. Dù chưa đạt chuẩn vì cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng trong những năm học qua, trường cũng đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, chiếm được lòng tin yêu và cảm mến của bác bậc phụ huynh.

Nhận thấy sự cần thiết và phù hợp của những cuốn sách kỹ năng, sách văn hóa, lịch sử, khoa học,... mang tính cẩm nang trong học đường cũng như trong cuộc sống cần thiết với học sinh nơi đây, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã quyết định thực hiện chương trình trao tặng sách.

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 2.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải, Phó tổng Biên tập Báo điện tử Trí Thức Trẻ nói chuyện, chia sẻ về sách và văn hóa đọc trong buổi trao tặng sách.

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 3.

Trong tất cả các buổi trao tặng sách, phần chia sẻ trò chuyện của Nhà báo Bùi Ngọc Hải luôn là những câu chuyện mang lại tiếng cười và giá trị nhận thức cao cho các em học sinh

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 4.

Phần văn nghệ "cây nhà lá vườn" do các em học sinh tự chuẩn bị gửi tặng đoàn công tác

Phát biểu đáp lời trong buổi trao tặng sách của dự án THƯ VIỆN VÙNG QUÊ NGHÈO do Báo điện tử Trí Thức Trẻ thực hiện, ông Nguyễn Hữu Tam – Hiệu trưởng Trường THCS An Mỹ chia sẻ:

"Trong những năm qua, Nhà trường triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục nên cũng đã gặp được những tấm lòng đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn cùng thầy và trò.

Học sinh trường THCS An Mỹ nói riêng và học sinh ở nhiều trường trên cả nước nói chung là những người may mắn, tự hào được Báo điện tử Trí Thức Trẻ đến thăm, trao tặng những cuốn sách quý. Ngoài những giá trị vật chất từ những món quà, chương trình này còn chứa đựng những ý nghĩa tinh thần lớn lao.

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hữu Tam - Hiệu trưởng Trường THCS An Mỹ

Những cuốn sách do Báo trao tặng, không những giúp tủ sách của thư viện trường chúng tôi thêm sinh động, phong phú, thêm cho các em, các thầy cô giáo cơ hội chọn đọc, mà còn tạo nên không khí học tập sôi nổi trong toàn trường và khơi gợi ở học sinh sự sẻ chia, lòng yêu thương con người, bạn bè và nhân rộng hơn nữa là những tấm lòng nhân ái, yêu thương, vượt khó, vươn lên học giỏi trong cuộc sống."

Ông Nguyễn Bá Tức, đại diện Hội cha mẹ học sinh trường tỏ rõ sự vui mừng, phấn khởi khi chứng kiến thầy, trò trường THCS An Mỹ được tiếp nhận nhiều sách mới. Trong lời phát biểu của mình, ông nhấn mạnh:

"Cảm ơn món quà quý giá từ Báo, mong muốn của các bậc cha mẹ như chúng tôi là, các con luôn cố gắng học tập tốt, trau dồi tri thức, đặc biệt, khi nhận được những cuốn sách quý này, các con phải chủ động học tập, chủ động tìm đọc, sử dụng hiệu quả để xứng đáng với tình cảm tin yêu của Báo và các nhà hảo tâm".

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Bá Tức, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh trường THCS An Mỹ

Anh Nguyễn Văn Chung, giáo viên dạy Văn và Giáo dục công dân của trường từng tham gia thi giáo viên dạy kỹ năng sống của huyện Mỹ Đức, anh thấy rất rõ, tầm quan trọng của các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh trong môi trường nhà trường cũng như bên ngoài cuộc sống. Ví dụ như, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng điều tiết cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề,...

"Lứa tuổi các em còn rất nhiều suy nghĩ, hành động bồng bột, do đó, việc thư viện được trang bị những cuốn sách về kỹ năng sống như thế này quả là tuyệt vời, giúp các em có thể tự học, tự trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết", anh Nguyễn Văn Chung chia sẻ thêm.

Học sinh thích đọc sách giáo khoa nhất

Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại trường, chúng tôi cũng cố gắng tiếp xúc, trò chuyện với các em học sinh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những mong ước tương lai của các em.

Chúng tôi đã rất tò mò khi nghe câu nói của em Vũ Thị Mai, học sinh lớp 6B, trường THCS An My, rằng: "Cháu thích đọc sách giáo khoa nhất".

Vũ Thị Mai nói như vậy, không phải rằng trong nhiều lựa chọn, em chọn sách giáo khoa, mà vì, ngoài sách giáo khoa ra, em chưa từng được đọc bất kỳ cuốn sách nào khác.

Bởi theo chia sẻ của các thầy cô và bạn bè của em, gia đình Mai rất nghèo, mẹ mất được 4 năm, giờ nhà chỉ có 3 cha con, anh trai 17 tuổi nhưng đã nghỉ học.

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 7.

Mai thương và anh lắm nên cũng không bao giờ xin tiền mua thêm cho mình những cuốn sách yêu thích nào khác. Đôi mắt cô bé lúc nào cũng đượm bườm, kém vui hơn các bạn.

Thương cha, em tranh thủ học ở trường với các bạn, rồi tan trường lại vội vã về lo phụ những công việc nhà như nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp,... Tuy khó khăn, vất vả nhưng đã 5 năm liền cô bé là học sinh tiên tiến.

Chia sẻ về người cha của mình, Mai không giấu được giọt nước mắt, em nói: "Cháu thương bố lắm, bố cháu 52 tuổi rồi, hàng ngày bố vẫn phải đi phun thuốc sâu, thuốc cỏ thuê cho người ta để lấy tiền".

Trong những giọt nước mắt kia của cô học sinh lớp 6 này hẳn chất chứa nỗi buồn lo cho sức khỏe của người cha già khi ngày ngày phải tiếp xúc với các loại hóa chất trừ sâu, diệt cỏ rất độc hại.

Em Trần Bảo Quyên cũng là một trong những học sinh khó khăn của lớp 6B. Nhà có 3 mẹ con, mẹ của em đã hơn 40 tuổi, thu nhập của ba mẹ con chủ yếu dựa vào đồng ruộng và công việc đi may của mẹ. Trong cái vẻ nhút nhát của cô bé Quyên có hình ảnh của bé Mai. Các em đều lớn lên trong sự thiếu thốn về vật chất và tình cảm của cha hoặc mẹ.

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 8.

Em Trần Bảo Quyên (áo vàng) cùng Mai và nhóm bạn thân.

Khác với sự nhút nhát, dặt dè của các em lớp dưới, các bạn học sinh khối 7 có vẻ dạn dĩ hơn nhiều.

Khi được hỏi bạn nào học giỏi nhất lớp, cả lớp 7A chỉ tay về cô bé đang đứng cạnh chúng tôi. Một cô bé hay cười, trông rất lém lỉnh và nhanh nhảu, đó là Ngô Thị Thanh Thảo, lớp trưởng lớp 7A.

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 9.

Ngô Thị Thanh Thảo lớp trưởng lớp 7A hồn nhiên bên bạn bè

Thanh Thảo dường như không có vẻ gì là ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ, cô bé rất tự tin nói chuyện, chia sẻ về ước mơ của mình.

Chia sẻ say sưa về sở thích và ước mơ cũng như sở trường của mình, Ngô Thị Thanh Thảo nói: "Cháu học giỏi toán, nhưng hiện cháu rất yêu thích học văn". Nghe có vẻ "ngược" nên cô bé giải thích thêm:

"Vì cháu cảm thấy yếu môn văn nên cháu phải đầu tư vào môn văn, phải yêu thích nó, vì cái gì mình yêu thích thì mình mới làm tốt được ạ. Từ nay, có nhiều sách ở thư viện rồi, cháu sẽ tích cực lên thư viện tìm đọc để bồi dưỡng thêm khả năng viết ạ".

Mới học lớp 7, thân hình nhỏ nhắn nhưng bù lại sự thông minh, nhanh nhẹn, Thanh Thảo đã định hướng cho mình rằng, "sau này cháu sẽ thi khối A...". Điều mà chưa hẳn anh chị lớn nào khóa trên nghĩ được tới.

Anh Nguyễn Trọng Hoàn, Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách đội, người tâm huyết với các hoạt động phong trào, bề nổi của đoàn thể Nhà trường cho biết:

"Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn chủ động tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cho ĐVTN, Cho Đội viên TNTP Hồ Chí Minh luôn giáo dục động cơ học tập đúng đắn, xứng đáng là lực lượng xung kích trong nhà trường, 8 năm học liền Đội TNTPHCM được Trung ương Đoàn tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác đội.

Chúng tôi luôn cố gắng khích lệ các em để các em phát huy tối đa tính sáng tạo, tự chủ...".

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 10.

Luôn khích lệ các em để các em phát huy tối đa tính sáng tạo, tự chủ...

Thỏa ước ao sách của học trò miền quê An Mỹ - Ảnh 11.

Các em hào hứng chuyền tay nhau những cuốn sách mới mẻ lần đầu được đọc

Thông qua cuộc nói chuyện, anh Nguyễn Trọng Hoàn nêu bật tầm quan trọng của thư viện và sách trong công tác giáo dục, đào tạo. Anh nói:

"Chúng tôi nhận thấy rằng, trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện hiện nay, thư viện ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần giáo dục. Trong điều kiện nhà trường còn khó khăn, số sách được tặng như thế này, quý giá vô cùng.

Trường THCS An Mỹ cam kết, đẩy mạnh thực hiện tốt việc đọc sách tại thư viện, để thư viện thực sự trở thành trái tim của Nhà trường, trở thành mối quan tâm, điểm đến hấp dẫn, lí thú bổ ích đối với các em học sinh".

Độc giả quan tâm ủng hộ chương trình THƯ VIỆN VÙNG QUÊ NGHÈO của Báo điện tử Trí Thức Trẻ có thể gửi về địa chỉ sau:

BÁO ĐIỆN TỬ TRÍ THỨC TRẺ

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Người tiếp nhận: Phạm Đình Mạnh, Phụ trách Truyền thông và Công tác xã hội

Số điện thoại: 0974.974.104

Trân trọng cảm ơn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại