Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất cơ hội vào EU nếu tử hình ngay phe đảo chính

Hải Võ |

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ cần tuân thủ luật pháp, sau khi Tổng thống Erdogan khởi động chiến dịch lớn đàn áp các phần tử đảo chính thất bại.

Theo đài CNN, việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "giáng nắm đấm thép" xuống các thành phần tham gia âm mưu đảo chính hôm 15/7 đã làm dấy lên nghi vấn về tình trạng dân chủ ở nước này.

Những lời kêu gọi áp dụng án tử hình được đưa ra ngay sau khi chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố dập tắt vụ đảo chính.

Phát biểu tại tang lễ những người bị chết trong các cuộc giao tranh tối 15, rạng sáng 16/7, ông Erdogan khẳng định không loại trừ khả năng tử hình thủ phạm đảo chính.

Ông nói: "Khi đám đông hô hào 'chúng tôi muốn án tử hình', thì chính phủ không thể phớt lờ yêu cầu trong một nền dân chủ. Đó là quyền lợi của anh."

Tử hình lập tức thủ phạm đảo chính nghĩa là từ bỏ EU

CNN cho hay, giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với chất vấn về nền dân chủ mà nước này muốn thể hiện.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại, bà Federica Mogherini, phát biểu tại Brussels ngày hôm nay (18/7) rằng vụ âm mưu đảo chính quân sự không phải "là cái cớ" để Ankara có hành động vượt giới hạn, cụ thể là nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt hơn 7.500 người và sa thải hơn 9.000 quan chức.

Nếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa trở lại án phạt tử hình không xét xử thì Ankara cũng tự đánh mất cơ hội gia nhập EU - theo lời bà Federica Mogherini.

"Tôi sẽ nói rõ ràng một quan điểm: Không quốc gia nào có thể trở thành thành viên EU nếu họ thi hành án tử hình không xét xử," bà nói.

Bà Mogherini cho biết các ngoại trưởng EU nhất trí rằng "luật pháp cần được gìn giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ và không có lý do nào ngụy biện cho những bước đi đẩy nước này xa rời điều đó", và thêm rằng điều này "vì lợi ích của chính Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngoại trưởng Kerry là một trong số quan chức cấp cao của thế giới ủng hộ chính phủ Erdogan cầm quyền.

Dù vậy, ông Kerry vẫn thúc giục Ankara hành động trong khuôn khổ pháp luật.

"Chúng tôi thúc giục mạnh mẽ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự ổn định trong nước, đồng thời giữ vững những tiêu chuẩn cao nhất để tôn trọng thể chế dân chủ và pháp luật. Đương nhiên chúng tôi sẽ ủng hộ việc đưa những người âm mưu đảo chính ra công lý," ông Kerry nói trong cuộc gặp các lãnh đạo EU.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất cơ hội vào EU nếu tử hình ngay phe đảo chính - Ảnh 1.

Cựu Tư lệnh Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Akin Ozturk (giữa, hàng đầu) bị chính phủ Erdogan cáo buộc là nằm trong số 27 người cầm đầu cuộc đảo chính bất thành. (Ảnh: Anadolu Agency)

Theo AFP, các ủy viên EU phụ trách vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập khối cho rằng chính phủ Erdogan đã chuẩn bị sẵn một bản danh sách "bắt bớ" từ trước khi vụ đảo chính xảy ra.

Uỷ viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn nói: "Bản danh sách đã có sẵn ngay sau sự kiện (đảo chính) nổ ra cho thấy nó đã được chuẩn bị để sử dụng ở một thời điểm nào đó."

Ankara đã yêu cầu Mỹ trao trả giáo sĩ Hồi giáo lưu vong Fethullah Gulen, nhân vật bị Erdogan cáo buộc là chủ mưu đảo chính.

Nhưng ông John Kerry nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ "phải chắc chắn trong hồ sơ và yêu cầu gửi Mỹ, và phải gửi bằng chứng chứ không phải là những cáo buộc".

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đệ đơn xin gia nhập EU từ năm 1987, nhưng chỉ thực sự được xem xét như một ứng cử viên từ 1999.

Hồ sơ của Ankara đã bị đình trệ một vài lần, nhưng gần đây đã được đẩy nhanh tiến độ sau khi họ đạt thỏa thuận với EU để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Trung Đông vượt qua biên giới nước này và xâm nhập vào các nước châu Âu như Đức.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích "những cảnh tượng nổi loạn, hành động bừa bãi và trả thù các quân nhân trên đường phố" sau khi xuất hiện nhiều hình ảnh các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng bị ngược đãi.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói rằng "luật pháp cần được đặt lên trước".

"Pháp chỉ trích âm mưu đảo chính. Không thể chấp nhận quân đội chiếm quyền. Đồng thời, chúng ta phải thận trọng khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không xây dựng một hệ thống để khôi phục nền dân chủ," ông nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders thúc giục: "Việc trừng phạt những người dính líu đến đảo chính là bình thường, nhưng yêu cầu tôn trọng luật pháp cũng vậy."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại