Thổ Nhĩ Kỳ không hoãn chiến dịch dù có lệnh ngừng bắn

Thái Lai |

Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh nghị quyết ngừng bắn 30 ngày ở Syria của LHQ nhưng nói lệnh này không ảnh hưởng tới chiến dịch quân sự mà nước này đang phát động ở Afrin, Syria.

“Chúng tôi hoan nghênh nghị quyết ngừng bắn này của LHQ nhằm giải quyết tình hình nhân đạo đang tồi tệ trên khắp Syria, đặc biệt ở Đông Ghouta ” – Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-2 ra thông cáo, theo Press TV.

Tuy nhiên, Bộ này thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ “vẫn kiên quyết chiến đấu chống các tổ chức khủng bố đã đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị của Syria”.

Ankara mở chiến dịch “Cành ô liu” ở Afrin, Syria nhằm loại bỏ lực lượng dân quân người Kurd kể từ ngày 20-1. Nước này cảnh báo chiến dịch có thể mở rộng sang Manbij gần đó.

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cũng khẳng định chiến dịch “Cành ô liu” sẽ không bị tác động bởi yêu cầu ngừng bắn của LHQ. “Chẳng có gì lăn tăn liệu quyết định của HĐBA LHQ có tác động tới chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi hay không” – ông Bozdag nhấn mạnh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đưa ra cùng ý kiến, nói rằng sẽ không có việc ngưng hẳn chiến dịch Afrin. “Chiến dịch sẽ tiếp tục cho tới khi tên khủng bố cuối cùng bị tiêu diệt” – ông Erdogan khẳng định.

Ông Erdogan thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ hơn 2.020 “tên khủng bố” kể từ khi mở chiến dịch “Cành ô liu”.

Về phía Nga, liên quan tới lệnh ngừng bắn của LHQ, Bộ Ngoại giao Nga ngày 25-2 nói rằng Moscow hy vọng người bảo trợ nước ngoài cho lực lượng chống chính phủ Syria sẽ đảm bảo lực lượng này tuân thủ lệnh ngừng bắn, tin từ TASS.

“Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao diễn biến” – Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Thông báo của Bộ này cho biết phía Nga ủng hộ nghị quyết ngừng bắn do Thụy Điển và Kuwait - nước đang giữ vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 2-2018 - soạn thảo và đề xuất. Nghị quyết yêu cầu "không trì hoãn" mà phải chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria .

“Có lẽ, một số người cố tình không hiểu hoặc phớt lờ nhưng cuộc đàm phán với các tay súng về lệnh ngừng bắn ở Đông Ghouta đã được tiến hành. Tuy nhiên, họ đã bác bỏ tất cả phiên bản được đề xuất. Hơn nữa, họ từ chối giải phóng dân thường đang bị dùng làm lá chắn sống khỏi các khu vực bị kiểm soát và làm cản trở hành lang nhân đạo” – Bộ Ngoại giao Nga viết.

Moscow cũng làm rõ thêm lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Jabhat al-Nusra hay al-Qaeda, cũng như các "cá nhân, tổ chức và thực thể" có liên quan tới tổ chức khủng bố. Phía Nga khẳng định cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục.

“Cuộc chiến này sẽ tiếp tục, bất chấp nỗ lực từ các bên bảo trợ nước ngoài trong việc liên kết những kẻ khủng bố quốc tế và các nhóm tay súng âm mưu lật đổ chính phủ hợp pháp của Cộng hòa Ả Rập Syria và chia cắt nước này” – thông cáo nêu rõ.

Nga sẽ kiên quyết phản đối các hành động phá hoại tiến trình chính trị ở Syria, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.

Trong một diễn biến liên quan, quân đội Nga thông báo bất chấp lệnh ngừng bắn 30 ngày ở Syria của HĐBA LHQ, tình hình chiến sự ở Đông Ghouta đang leo thang với việc các nhóm khủng bố tiếp tục tấn công lực lượng chính phủ, theo Sputnik.

Năm nhóm khủng bố, trong đó có Jayish al Islam và Mặt trận al-Nusra đã lập ra một trung tâm liên chỉ huy ở Đông Ghouta.

“Tình hình ở Đông Ghouta ngày một tồi tệ. Tại khu vực này, các nhóm khủng bố Jayish al Islam, Jabhat Al-Nusra, Ahrar al-Sham, Failak Ar-Rahman và Fajr Al-Umma đã lập ra một trung tâm liên chỉ huy về phối hợp hành động giữa các nhóm” – thông cáo Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Bộ này thêm rằng bất chấp lệnh ngừng bắn, các nhóm nổi dậy đã tấn công lực lượng chính phủ Syria dọc theo đường tiếp xúc vào sáng 25-2. Tổng cộng 31 đợt pháo kích đã nổ ra ở Damascus trong 24 giờ qua.

Quân đội Syria cũng đã chặn phá thành công một vụ tấn công bằng bom xe gần thị trấn Qaboun. Chiếc xe lao đến từ khu vực đặt dưới sự kiểm soát của Failak Ar-Rahman và Mặt trận al-Nusra.

Lãnh đạo các nhóm khủng bố đang chuẩn bị cho vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta, ý định đổ lỗi cho chính phủ Damascus tấn công dân thường. Đây là cách hạ bệ uy tín của chính phủ Syria trong chiến dịch chống khủng bố ở khu vực, Bộ Quốc phòng Nga lưu ý.

Kể từ ngày 18-2, lực lượng chính phủ Syria bắt đầu chiến dịch có mật danh “Damascus Steel” nhằm quét sạch bóng dáng các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Đông Ghouta. Tình hình nhân đạo ở khu vực nhanh chóng trở nên tồi tệ khi các nhóm khủng bố khiêu khích lực lượng Damascus và ngăn dân thường rời khỏi vùng chiến địa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại