Thổ Nhĩ Kỳ khoe tên lửa mới khi bị chê quá yếu

Tuấn Vũ |

Không giống với Không quân, phòng không Thổ Nhĩ Kỳ hiện bị cho là rất yếu và khó có thể chống đỡ được đòn tấn công bằng tên lửa từ bên ngoài.

Ngày 3/12, Tập đoàn quốc phòng Roketsan và Havelsan đã phối hợp với Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Hisar-O do nước này tự phát triển.

Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tướng Fikri Isik cho biết: "Thử nghiệm thành công là nỗ lực mãnh liệt của chúng ta để cho ra đời hệ thống hiện đại hơn. Hôm nay, chúng ta vui mừng tiến hành thử nghiệm hệ thống Hisar-O. Chúng ta hãnh diện về loại vũ khí này".

Đại tướng Fikri Isik phát biểu đầy tự hào: "Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu và phát triển thành công một số công nghệ quan trọng để sản xuất hệ thống tên lửa phòng không. Thổ Nhĩ Kỳ đạt được sự tiến bộ đáng kể, mặc dù khởi đầu muộn. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có nhiều loại vũ khí nhanh và mạnh hơn".

Ông này cho biết thêm hệ thống tên lửa phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hoạt động như một lực lượng răn đe trong khu vực. "Không có quốc gia nào có thể gây hấn với chúng ta, nếu chúng ta có hệ thống phòng thủ mạnh mẽ riêng", Fikri Isik nhấn mạnh.

Theo những thông tin được công khai, hệ thống tên lửa Hisar-O dùng bảo vệ căn cứ quân sự, cảng biển, cơ sở hạ tầng và chống lại mọi mối đe dọa không kích. Đây là hệ thống tên lửa phòng thủ được phát triển bởi Roketsan và Aselsan, 2 tập đoàn quốc phòng hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ.

Được biết, trước khi có thử nghiệm thành công với hệ thống Hisar-O, hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là yếu kém và khó có thể chống đỡ được một cuộc tấn công đường không từ bên ngoài nhằm vào lãnh thổ nước này.

Theo hãng thông tấn TASS hồi tháng 6/2016, tuy không có con số cụ thể nhưng trái với lực lượng Không quân, lực lượng phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là khá yếu kém. Đây chính là nguyên nhân không phận nước này phải đặt dưới sự bảo vệ của NATO.

Theo bảng xếp hạng của trang web Global Fire Power tính đến hết năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu sức mạnh quân sự đứng thứ 7 trên thế giớ và đứng thứ 3 trong khối NATO (chỉ sau Mỹ và Anh).

Theo bảng xếp hạng này, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có tới gần 2000 máy bay trong biên chế. Loại tiêm kích hiện đại nhất không quân nước này là F-16 với khoảng 240 chiếc, trong đó, có 30 chiếc F-16C block 52 plus, còn lại là các máy bay thế hệ cũ như F-5E, F-4 Phantom, 4 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không B-737.

Dù sở hữu lực lượng Không quân rất mạnh nhưng trong vài năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục mạnh tay đầu tư cho Không quân. Cụ thể, vào tháng 4/2011, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua hợp đồng mua 109 máy bay trực thăng T-70 Blackhawk của Mỹ với tổng trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Đó là chưa kể kế hoạch nước này sẽ mua 600 máy bay trực thăng hiện đại trong những năm tới. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang mở thầu tìm mua tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung mới trị giá ước tính khoảng 4 tỷ USD.

Đặc biệt, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức một cách rất quy mô và bài bản, họ có khá nhiều kinh nghiệm trong các cuộc chạm trán với phòng không các nước trong các chiến dịch quân sự cùng với NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại