Thiếu quy trình kiểm tra nước RO, thảm họa y tế ở Hòa Bình có thể tiếp tục xảy ra ở nơi khác

Bích Hiền |

Thiếu quy trình kiểm tra nước RO là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến thảm hoạ ở Hòa Bình. Bộ Y tế nên bổ sung khẩn cấp các quy trình còn thiếu để hạn chế rủi ro tính mạng cho người bệnh.

Sáng 29/5, sự kiện đau lòng xảy ra tại khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Đa Khoa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), hàng loạt bệnh nhân đang được lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng.

Sự kiện gây chấn động, là thảm hoạ y tế chưa từng xảy ra tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến công nhận sự cố ở Hoà Bình là bài học xương máu đắt giá để cảnh báo các cơ sở y tế, không chỉ riêng về chạy thận mà tất cả các kỹ thuật y tế khác đều phải vô cùng thận trọng.

 Ngay sau đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chạy thận nhân tạo tuân thủ quy trình lọc máu chu kỳ, kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận, quy định kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời yêu cầu các đơn vị rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, quy trình vận hành máy...

Một tháng sau thảm hoạ y khoa này, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã xác định có việc tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO. 

Các mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và 13 cho thấy các chỉ tiêu pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Flouride lần lượt cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Chính mức Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần này là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Hòa Bình.

Thiếu quy trình kiểm tra nước RO, thảm họa y tế ở Hòa Bình có thể tiếp tục xảy ra ở nơi khác - Ảnh 1.

Thiếu quy trình kiểm tra nước RO: Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến thảm hoạ

Ngày 8/6, sở Y tế Hoà Bình thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố y khoa ngày 29/5 nhằm định hướng tìm ra nguyên nhân. Các thành viên hội đồng đều thống nhất kết luận: "Quy trình tiếp nhận, khám, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể của bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp quy trình". (Trích Biên bản báo cáo họp hội đồng chuyên môn sáng 8/6).

Một câu hỏi lớn đặt ra, vì sao các khâu chuyên môn đều được thực hiện đúng quy trình nhưng thảm hoạ vẫn xảy ra?

Để giải đáp câu hỏi trên, Báo điện tử Trí thức trẻ đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế cung cấp tài liệu liên quan đến quy trình chạy thận nhân tạo bao gồm:

- Quy trình lọc thận chu kỳ.

- Quy trình khử khuẩn quả lọc thận thủ công.

- Quy trình khử khuẩn quả lọc thận bằng máy.

- Quy trình vệ sinh khử khuẩn hệ thống nước RO của máy lọc thận nhân tạo.

Trả lời chúng tôi, đại diện Bộ Y tế đã gửi các văn bản bao gồm Quyết định Về việc ban hành "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận" (số 1338/2004/QĐ-BYT) và tài liệu Quy trình quản lý chất lượng nước RO của Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai.

Xem xét Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT, chúng tôi nhận thấy văn bản này hướng dẫn khá chi tiết quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận. 

Nhưng đây mới chỉ là quy trình hướng dẫn rửa quả lọc thận. Như vậy không có quy trình về bảo dưỡng, sửa chữa cũng như kiểm tra an toàn hệ thông nước RO sau khi bảo dưỡng, sửa chữa.

Tài liệu thứ 2 về Quy trình quản lý chất lượng nước RO của Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn chi tiết các bước kiểm tra chất lượng hệ thống xử lý nước lọc máu. Tuy nhiên, phần mục đích của tài liệu này ghi rõ: Đảm bảo chất lượng xử lý nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Bạch Mai được an toàn và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bộ văn bản quy định về quy trình chạy thận nhân tạo mà Bộ Y tế cung cấp không có văn bản nào thể hiện các đơn vị chạy thận nhân tạo bắt buộc phải áp dụng quy trình của bệnh viện Bạch Mai.

Như vậy có thể hiểu, đây là tài liệu nội bộ được áp dụng riêng cho bệnh viện Bạch Mai. Nếu các đơn vị khác có sử dụng thì chỉ mang tính tham khảo, không bắt buộc phải áp dụng và không thể coi đây là quy trình của Bộ Y tế.

Việc thiếu hụt quy trình vệ sinh khử khuẩn hệ thống nước RO của máy lọc thận nhân tạo có thể coi là lỗ hổng lớn trong quy trình chạy thận nhân tạo của Bộ Y tế. 

Điều này lý giải vì sao rất nhiều các bác sĩ làm công tác chạy thận nhân tạo đều xác nhận không được đào tạo, hướng dẫn các thao tác kiểm tra độ an toàn của hệ thống nước RO trước khi đưa vào sử dụng. Niềm tin được đặt toàn bộ vào bên thứ 3 là đơn vị bảo trì, bảo dưỡng.

Thực tế, tại khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Hoà Bình, nơi xảy ra sự cố, một bác sĩ làm công tác chạy thận nhân tạo lâu năm (xin giấu tên) cho biết, BS chưa bao giờ được đào tạo hay hướng dẫn các thao tác kiểm tra hệ thống nước RO sau khi bảo dưỡng, bảo trì mà do phía công ty (đơn vị ký hợp đồng bảo trì bảo dưỡng) chịu trách nhiệm.

Trước đó, trong các biên bản bàn giao sau bảo dưỡng đều ghi rõ phía công ty chịu trách nhiệm về chất lượng của đường nước RO.

Khi thảm hoạ xảy ra, chúng ta mới nhận thấy việc thiếu bất cứ khâu nào trong quy trình chạy thận nhân tạo đều đe doạ đến tính mạng người bệnh. Sự việc xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình rất đau lòng, đáng tiếc.

Nhưng một sự thật có thể nhìn thấy, nếu tình trạng thiếu quy trình như ở Hoà Bình là phổ biến tại các đơn vị Thận nhân tạo trên toàn quốc, thì sự cố tương tự có thể còn xảy ra ở bất cứ nơi đâu.

Không chỉ ở lĩnh vực chạy thận, ngày 10/6, trả lời phỏng vấn trên tờ Công an nhân dân Online, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến công nhận: "Ở nhiều lĩnh vực y tế khác cũng xảy ra tai biến y khoa. Ví dụ, trong phòng mổ có đường khí CO2 và đường khí Oxy, nhưng đã có cơ sở y tế đưa nhầm cho bệnh nhân thở bằng đường CO2 và khi phát hiện ra thì bệnh nhân không qua khỏi".

Lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế không khỏi làm giật mình nhiều người. Tuy nhiên, việc cần làm không chỉ là "giật mình".

Có lẽ, Bộ Y tế nên rà soát lại hàng loạt quy trình, bổ sung khẩn cấp các quy trình còn thiếu, đảm bảo nhân viên y tế được hướng dẫn cụ thể và thực hành các quy trình đó, đồng thời đảm bảo giám sát các đơn vị thực hiện đầy đủ quy trình để hạn chế rủi ro tính mạng cho người bệnh.

Thiếu quy trình, bác sĩ hoang mang, lo ngại rủi ro cho chính mình

Trong thảm hoạ y tế ở Hoà Bình, cơ quan điều tra bước đầu xác định trách nhiệm của những người liên quan trong đó có BS Hoàng Công Lương, khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hoà Bình.

Thông tin từ phía công an cung cấp, BS Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không nhưng vẫn ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân.

Trách nhiệm của BS Lương đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, những người có chuyên môn trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo cảm thấy hết sức hoang mang bởi những bất cập vì không có quy định có thể khiến họ gặp rủi ro bất cứ lúc nào.

Thiếu quy trình kiểm tra nước RO, thảm họa y tế ở Hòa Bình có thể tiếp tục xảy ra ở nơi khác - Ảnh 3.

Trên thực tế, để biết được nguồn nước RO sau khử khuẩn đã đảm bảo tinh khiết để đưa vào hoạt động hay chưa, cần phải có đơn vị kiểm định độc lập tiến hành xét nghiệm và so sánh các chỉ số sinh hoá. Việc kiểm tra này trong điều kiện thuận lợi nhất cũng kéo dài từ 7 - 10 ngày đòi hỏi các đơn vị chạy thận phải có phương án hỗ trợ bệnh nhân nhằm đảm bảo việc chạy thận không bị gián đoạn.

Một phương pháp nữa được áp dụng tại bệnh viện Bạch Mai khi tiến hành khử trùng hệ thống phân phối nước RO bằng dung dịch giaven là sau khi khử trùng thiết bị, xả bỏ dung dịch giaven 5% và xả rửa hệ thống đường ống cho đến khi hết giaven thì tiến hành kiểm tra nồng độ Clo có trong nước RO bằng cách sử dụng kit kiểm tra HACH cho tới khi nồng độ Chloramine đạt 0,1mg/l.

Tuy nhiên, giải pháp test nhanh này chỉ kiểm tra được dư lượng Chloramine mà không kiểm tra được dư lượng Flouride đã đạt tiêu chuẩn hay chưa.

Tại Việt Nam, rất ít bệnh viện đảm bảo được quy trình trên. Việc kiểm tra độ tinh khiết của nước RO sau khử khuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị bảo trì, bảo dưỡng. Ngay cả việc có biên bản bàn giao của đơn vị này đảm bảo chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước thì bác sĩ cũng không có cách gì kiểm chứng được.

Khi chưa có phương án hỗ trợ bệnh nhân không bị gián đoạn việc chạy thận, bệnh nhân không thể chờ, còn bác sĩ lại không kiểm soát được tình hình, thì việc ra một y lệnh mang tính rủi ro cao như BS Lương là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặt giả thiết nếu đó là một chuyên gia đầu ngành, trong điều kiện làm việc như vậy, có thể làm khác được không?

Rút kinh nghiệm từ sự cố thương tâm ở Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, thiết nghĩ Bộ y tế cần có biện pháp kiểm tra chéo, nghiệm thu từ một đơn vị độc lập để kiểm tra chất lượng thiết bị chạy thận nhân tạo sau vệ sinh, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và đảm bảo điều kiện chuyên môn để các bác sĩ yên tâm làm việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại