Thị trường dầu lửa có thể chao đảo vì Venezuela?

Bình Minh |

Tình hình rối ren ngày càng nghiêm trọng ở Venezuela có thể sớm tạo ra những cơn rung lắc trên thị trường dầu lửa toàn cầu.

CNN Money nhận xét, không chỉ chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo, Venezuela còn chứng kiến sản lượng dầu thô - nguồn thu ngoại tệ gần như là duy nhất của quốc gia Nam Mỹ này - sụt xuống mức thấp nhất trong 13 năm.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tiếp tục chuyển xấu, sản lượng dầu lửa của Venezuela thậm chí có thể giảm sâu hơn. 

Một báo cáo mới đây của Trung tâm Chính sách năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia của Mỹ đã gọi Venezula là một “rủi ro ngày càng lớn về nguồn cung đối với thị trường dầu lửa trong năm 2017”.

Giá dầu thế giới hiện ở mức khoảng 45 USD/thùng, giảm mạnh từ mức khoảng 110 USD/thùng cách đây hai năm. Lý do chính khiến giá dầu giảm là nguồn cung dầu thế giới dư thừa. 

Tuy nhiên, ranh giới giữa thừa cung và thiếu cung trên thị trường dầu là khá mong manh, và Venezuela hoàn toàn có thể khiến tương quan cung-cầu hiện nay đảo chiều.

Venezuela là “nhân tố bí ẩn” lớn nhất hiện nay trên thị trường dầu lửa - ông Matt Smith, giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc công ty ClipperData, nói. 

“Nền kinh tế nước này đã không còn nằm trong vòng kiểm soát. Lo ngại nằm ở chỗ sản lượng dầu của Venezuela sẽ sụt sâu hơn nữa”.

Venezuela là một nước thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Nhưng trong lúc các nước còn lại trong OPEC đẩy mạnh khai thác dầu, Venezuela lại giảm sản lượng, bất chấp việc nước này sở hữu trữ lượng dầu lửa đã được phát hiện lớn nhất thế giới.

Trong tháng 6, sản lượng dầu của Venezuela là 2,1 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 30 % từ mức 3 triệu thùng/ngày vào năm 2008 và giảm khoảng 12 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu dầu của Venezuela trong 6 tháng đầu năm nay đi ngang so với cùng kỳ năm 2015, đồng nghĩa với việc những rắc rối ở Venezuela còn chưa “chạm” đến thị trường dầu lửa toàn cầu.

Venezuela đang đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì mức xuất khẩu dầu như hiện tại. Tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA của nước này gánh những khoản nợ khổng lồ, trong đó có vài tỷ USD là nợ đáo hạn vào mùa thu năm nay. 

Nhiều chuyên gia cho rằng PDVSA không thể trả nổi những khoản nợ sắp đến hạn thanh toán đó.

Hai công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu của Mỹ là Halliburton và Schlumberger mới đây đã tuyên bố giảm hoạt động ở Venezuela do không được thanh toán đầy đủ. Theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Venezuela đã giảm 1/3 trong vòng 1 năm trở lại đây.

Ngoài ra, do Chính phủ Venezuela không chịu đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành dầu khí, xu hướng dài hạn của sản lượng dầu thô và khí đốt nước này là đi xuống.

Mặc dù vậy, có một số ý kiến cho rằng phần sản lượng dầu mất mát ở Venezuela sẽ nhanh chóng được bù đắp bởi nguồn cung từ Mỹ và các quốc gia khác. 

Sản lượng dầu của Mỹ hiện nay đã giảm khoảng 800.000 thùng/ngày so với mức đỉnh gần đây, và các công ty dầu lửa của Mỹ có khả năng linh hoạt lớn trong việc phản ứng trước sự thiếu hụt nguồn cung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại