"Thế trận" đảo chiều vì Mỹ luận tội ông Trump: Nga bình thản nhưng số phận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ như "chỉ mành treo chuông"

Mạnh Kiên |

Thổ Nhĩ Kỳ đang lo ngại việc Tổng thống Trump bị luận tội sẽ khiến nước này không thoát khỏi nguy cơ bị Mỹ trừng phạt về vấn đề S-400.

Thế trận đảo chiều vì Mỹ luận tội ông Trump: Nga bình thản nhưng số phận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ như chỉ mành treo chuông - Ảnh 1.

Tổng thống Trump.

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung sự chú ý vào chủ đề luận tội Tổng thống Donald Trump đang gây xôn xao ở Mỹ và đặt ra câu hỏi về việc sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington như thế nào.

Theo Al-Monitor, họ quan tâm đến khả năng bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ của ông Trump sẽ bị suy giảm trước sức ép từ Quốc hội Mỹ do kết quả của quá trình luận tội gây ra. Nhiều người lo lắng rằng luận tội sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ thấp thỏm chờ luận tội

Các bất đồng cốt lõi bao trùm mối quan hệ của hai quốc gia đồng minh gần đây tiếp tục đi vào bế tắc, bao gồm cả quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua thêm hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria được phát động vào tháng 10 chống lại Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn cũng là một vấn đề khác gây trở ngại cho mối quan hệ.

Giới chức ngoại giao, quốc phòng và đặc biệt là Quốc hội Mỹ đã kêu gọi đưa ra các biện pháp trừng phạt khắt khe chống lại Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến những tranh cãi nói trên.

Chính quyền Tổng thống Trump cho đến nay đã từ chối đi theo những lời kêu gọi của Quốc hội. Ông thậm chí còn bày tỏ sự thông cảm với lập trường của Ankara về vấn đề S-400, đổ lỗi cho chính quyền Obama vì đã từ chối bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ trước đó.

Trong quá trình luận tội lần này, ông Trump sẽ đứng trước hai kịch bản, hoặc là được tha bổng, hoặc là sẽ bị bãi nhiệm chức vụ. Các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng với đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện, ông Trump sẽ không bị bỏ phiếu cách chức, nhưng điều này cũng chưa phải là tin vui đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sinan Ulgen, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại (EDAM) có trụ sở tại Istanbul tin rằng việc "cứu" ông Trump trong quá trình luận tội sẽ khiến nhà lãnh đạo Mỹ phải nhượng bộ đảng Cộng hòa tại Thượng viện hơn trước.

"Tổng thống Trump sẽ trở nên khó xử hơn khi bỏ qua các yêu cầu của Thượng viện trong việc thực hiện lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ", ông Ulgen nêu quan điểm.

Burhanettin Duran, người đứng đầu tổ chức tư vấn SETA ở Ankara cũng nói về triển vọng ảm đạm cho tương lai của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ.

"Chính sách về Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ đang được xác định ngày càng rõ nét bởi sự can thiệp của Thượng viện trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Vì một số nhóm có xu hướng thân Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã thay đổi lập trường, một bầu không khí chống Thổ Nhĩ Kỳ ở lưỡng đảng đã phát triển", ông Duran nói với hãng thông tấn Anadolu.

"Giống như một chiếc xe hơi lao dốc vì mất phanh, chúng tôi đang chứng kiến một vụ tai nạn sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ song phương".

Hiện tại, Ankara chỉ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhà Trắng, do mối quan hệ đặc biệt mà ông Erdogan đã xây dựng với ông Trump. Nhưng với tình hình hiện tại, sự trợ giúp của Tổng thống Mỹ sẽ ngày càng khó khăn.

Quá phụ thuộc

Thế trận đảo chiều vì Mỹ luận tội ông Trump: Nga bình thản nhưng số phận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ như chỉ mành treo chuông - Ảnh 2.

Hệ thống S-400.

Trong một bài viết gần đây, các cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Tuygan và Yusuf Buluc nhấn mạnh nguy cơ mà Ankara gặp phải khi chỉ dựa vào sự hỗ trợ duy nhất đến từ ông Trump.

"Để mặc mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vào trong tay ông Trump, coi thường các trung tâm quyền lực khác chỉ đưa chúng ta đến ngõ cụt", hai người viết.

Cần phải nhớ rằng, Tổng thống Trump đã từng thể hiện năng lực gây tổn hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào vào năm 2018, khi chính ông ra lệnh trừng phạt chống lại Ankara vì từ chối thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson, người bị cầm tù vì các cáo buộc khủng bố.

Vào tháng 1/2019, ông Trump cũng đe dọa trên Twitter về việc tàn phá nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tấn công người Kurd ở Syria. Cả hai lời tuyên bố trên đã khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào vòng xoáy suy giảm.

Nhiều nhà phân tích tin rằng đó chính là dấu hiệu cho thấy sự rủi ro khi Ankara chỉ dựa vào ông Trump trong các thỏa thuận với Washington. Bất chấp áp lực từ Washington, Ankara cũng từ chối thỏa hiệp về các vấn đề gây căng thẳng giữa hai nước và đe dọa sẽ trả đũa thay thế.

Trong một tuyên bố gần đây, ông Erdogan cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa căn cứ không quân Incirlik chiến lược ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà Mỹ đã sử dụng trong nhiều thập kỷ và là nơi lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tổng thống Erdogan cũng đe dọa đóng cửa căn cứ radar tiên tiến ở Kurecik, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phòng thủ của NATO.

Nói với Al-Monitor, một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết, Washington sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ đến cùng.

"Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ không ngây thơ và nhất định sẽ thực hiện các kế hoạch dự phòng trong trường hợp Ankara thực hiện việc loại người Mỹ ra khỏi căn cứ Incirlik", nhà ngoại giao nói.

Ông chỉ ra thực tế rằng Washington đã mở rộng các cơ sở quân sự ở Qatar và cố gắng tăng cường sự hiện diện ở các nước trong khu vực như Romania, Bulgaria và Hy Lạp.

"Cuối cùng, quyết định đóng cửa căn cứ Kurecik sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trực tiếp với NATO vì đây là căn cứ của NATO. Nhiều người hoài nghi về việc Ankara sẽ để kịch bản đó xảy ra", nhà ngoại giao nhấn mạnh.

Theo dự đoán của giới quan sát, mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì căng thẳng vào năm 2020, khi ông Trump mải mê bận rộn với chiến dịch tái tranh cử của mình và có ít thời gian hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại