Mourinho chê bóng đá Việt là phải rồi!

Nguyễn Đỉnh |

(Soha.vn) - Chẳng qua là Jose Mourinho chưa bao giờ trực tiếp nói kháy bóng đá Việt Nam , chứ bất cứ ai đã từng theo dõi V-League cũng đều biết thực trạng thế nào.

Chuyện chẳng có gì đáng bàn thì bỗng chốc trở thành tiêu điểm. Jose Mourinho hoàn toàn chẳng có ý nghĩ gì quá đáng khi đưa tên nước Việt Nam vào một bài phỏng vấn chỉ để nói rằng làm việc ở đâu cũng đều áp lực như nhau. Đấy là tự do ngôn luận.

Và xét theo một khía cạnh nào đó, việc Mourinho lấy Việt Nam với Trung Quốc ra để nói là điều hết sức… xứng đáng. Lấy bóng đá ra để làm chính trị, đúng là đâu chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc.

Mourinho chê bóng đá Việt là phải rồi!
 

Mourinho chưa từng nói một cách trực tiếp những gì ông nghĩ về bóng đá Việt Nam , nhưng chắc hẳn ông cũng biết nó như thế nào. Nền bóng đá Việt Nam đầy rẫy những điều tiêu cực và cả những thực tế phi logic. Trọng tài ăn hối lộ, cầu thủ bán độ, cầu thủ đuổi trọng tài trên sân, khán giả đuổi đánh cầu thủ ngoài đường phố, một ông chủ sở hữu mấy đội bóng cùng lúc… Cái xấu quá nhiều, và những cái tốt thì vừa quá ít vừa quá mờ nhạt để được nhắc đến.

Từ sự tồi tệ của bóng đá Trung Quốc

Bóng đá Việt Nam cũng tồi tệ chẳng kém gì bóng đá Trung Quốc. Thân Hoa Thượng Hải, đội bóng đã mời Didier Drogba và Nicolas Anelka đến thi đấu, bị tước ngôi vô địch quốc gia năm 2003 vào năm… 2013 vì dàn xếp tỷ số các trận đấu trong năm đó. 11 đội khác đã bị phạt tiền vì dính líu tới bán độ. 58 cá nhân khác nhau, từ quan chức, cầu thủ, trọng tài cho tới huấn luyện viên đã phải vào nhà đá vì ăn hối lộ, dàn xếp tỷ số và đánh bạc, trong đó 33 người bị kết án chung thân.

“Lịch sử” bóng đá Trung Quốc đầy rẫy những dàn xếp tỷ số, và cho dù lương của cầu thủ Trung Quốc bây giờ đã tăng lên và nạn cầu thủ bán độ đã bớt đi, những trận đấu mờ ám vẫn diễn ra mà nguyên nhân là do chính các quan chức địa phương dàn xếp trận đấu để “gìn giữ” các mối quan hệ chính trị của họ. Ông Mã Đức Hưng, tổng biên tập của tuần san thể thao Titan Weekly từng nói thẳng về thực trạng bóng đá Trung Quốc: “Không hẳn vì tiền thôi đâu, chẳng qua vì cái mặt của các vị lãnh đạo mà thôi”.


	Quá nhiều bê bối, Drogba và Anelka đều phải tính kế thoát thân khỏi Thân Hoa Thượng Hải

Quá nhiều bê bối, Drogba và Anelka đều phải tính kế thoát thân khỏi Thân Hoa Thượng Hải

Ông Mã đã chỉ ra, trong 58 người bị kết án được đề cập ở trên, không một ai là các quan chức địa phương, những người đứng đằng sau giật dây mọi việc. Những người này có quyền lực rất to lớn với đội bóng địa phương tới mức nếu muốn đưa một cầu thủ nào vào đội hình chính, HLV sẽ phải nhận được cái gật đầu của vị quan chức có máu mặt kia. Và nếu ông ta không ưa cầu thủ nào, cầu thủ đó sẽ bị đá khỏi đội mà không cần một lời giải thích rõ ràng nào.

Bóng đá đã trở thành thứ hàng hóa mua đi bán lại đối với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, tới mức cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc, ông Nam Dung, đã thừa nhận trước tòa phúc thẩm rằng nếu bỏ ra khoảng 250.000 USD, cầu thủ nào cũng có thể được lên đội tuyển. Đoán xem điều gì xảy ra? ĐTQG Trung Quốc chơi thê thảm ở tất cả các vòng loại World Cup kể từ năm 2002 tới giờ, và Nam Dung bị kết án 10 năm tù vì ăn hối lộ.

Tới những vấn đề của bóng đá Việt

Ngoài chuyện trọng tài gần đây bị phanh phui, giải VĐQG Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều nghi án nổi tiếng khác. Năm 2001, Nam Định bước vào vòng đấu thứ 18 với 34 điểm ở vị trí đầu bảng, nhiều hơn 1 điểm so với Sông Lam Nghệ An. Nam Định đối đầu Cảng Sài Gòn đã an bài ở vòng cuối trên sân nhà, trong khi SLNA chạm trán Công an TP. HCM trên sân khách. Nam Định khi đó đang hơn hẳn SLNA về mặt hiệu số (+9 so với +3).

Nhưng bất ngờ đã xảy ra ở vòng 18. Nam Định thua tan tác 0-5 trước Cảng Sài Gòn, trong khi SLNA đánh bại Công an TP. HCM 4-3. Còn ngạc nhiên hơn nữa, chiếc cúp vô địch, thay vì được mang tới cho đội đang dẫn đầu bảng Nam Định, lại được mang tới TP. HCM. Hành động đó như là sự chuẩn bị sẵn để SLNA đăng quang. Phải chăng các nhà tổ chức đã biết trước rằng Nam Định sẽ thất bại và SLNA sẽ là nhà vô địch đầu tiên trong lịch sử V-League?


	Trưởng và Phó ban trọng tài của VFF đã bị cách chức ngày hôm qua

Trưởng và Phó ban trọng tài của VFF đã bị cách chức ngày hôm qua

Đó là xa, còn quá khứ gần thì sao? Trong năm 2010 - năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - T&T Hà Nội, một cách rất “tình cờ và đúng giờ” vô địch V-League bất chấp một kết quả hết sức thiếu thuyết phục. Trong 7 trọng tài bắt các trận đấu của T&T Hà Nội từ vòng 17 (vòng đấu mà họ leo lên ngôi đầu bảng) cho tới hết mùa, thì có 2 trọng tài đã bị treo còi do ăn hối lộ, và trong cả 2 trận lượt đi lẫn lượt về với Bình Dương của T&T Hà Nội, hai trọng tài chính đều bị Bình Dương khiếu nại xử ép.

Phải chăng trong năm Thăng Long - Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 1000 năm, nhất thiết T&T Hà Nội phải vô địch? Cùng năm ấy Ngọc Hân - một người Hà Nội - đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010.

Hầu như trong các sự kiện kể trên ở Việt Nam đều có những điều khuất tất khó giải thích, mà trong đó điều nhiều người dễ thấy nhất là những mục đích chính trị của nó. Mùa V-League đầu tiên cúp được trao tay SLNA, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An rồi Bình Dương lần lượt chia sẻ ngôi vô địch V-League từ 2003 cho tới 2008, cứ đều đặn sau 2 năm lại một nhà vô địch mới. Nhà vô địch SHB. Đà Nẵng của năm 2009 và T&T Hà Nội của năm 2010 đều thuộc quyền sở hữu của bầu Hiển.

Thử ngẫm xem, khi những sự kiện cứ diễn ra như có xếp đặt, động cơ chính trị xen lẫn vào nó như thế, và có rất nhiều tiêu cực đã bị phát hiện như thế, liệu có ai tin là bóng đá Việt Nam đang vận động một cách tích cực, thuần khiết hay không?

Ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH, TT&DL, cách đây 2 tuần đã bị báo chí chỉ trích vì một phát ngôn lộ rõ sự thiên vị “người nhà” khi cho rằng Thứ trưởng Lê Khánh Hải xứng đáng cho chức vụ chủ tịch VFF đang bỏ trống. Xin được trích nguyên văn: “Anh Hải là cán bộ trẻ, có năng lực và quan hệ, lại xuất thân từ gia đình cách mạng và lại nhiệt huyết. Tôi cho rằng từng ấy yếu tố đủ để anh Hải sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình”.

“Gia đình cách mạng” thì liên quan gì tới bóng đá?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại