Khi thất bại đã trở thành thói quen của Argentina

Trần Dũng |

Tưởng như thế hệ những người đã vô địch U20 thế giới, sẽ viết nên một trang mới cho Argentina. Nhưng chờ đợi rồi lại đợi chờ. Argentina trắng tay một lần nữa, vẫn ở Nam Mỹ, nhưng nỗi đau còn lớn hơn so với mùa Hè năm ngoái.

Đến khi nào Argentina mới tìm được nụ cười chiến thắng trên gương mặt của Leo Messi.

Cầu thủ xuất sắc nhất mà họ sở hữu sau Diego Maradona trong 10 năm qua. Một thế hệ đẹp của Argentina đã bị hoài phí, và cả tình yêu của những người hâm mộ bóng đá xứ sở tango nữa. Vì sao thế Argentina?

Ai gánh trách nhiệm cho thất bại?

Leo Messi sẽ chịu trách nhiệm chính. Dĩ nhiên, vì anh là ngôi sao lớn nhất của đội bóng, là tất cả những gì mà người Argentina có.

Nhưng Messi không phải hổ thẹn, vì đã cống hiến tất cả. Trong khi Argentina, chính xác là các đồng đội và HLV Tata Martino, đã không đáp đền cho những gì anh trao gửi.

Đây là cách ông Martino khiến Argentina bị lép vế hoàn toàn trước Chile. Một, ông muốn Javier Pastore tổ chức trận đấu, còn Leo Messi thu hút sự chú ý của hệ thống phòng ngự của đội chủ nhà.

Sai lầm, vì Javier Pastore không thể lên bóng trong sự vây ráp của đối thủ. Messi thì bị “ăn đòn” đủ từ Aranguiz và Gary Medel.

Hai, khi Di Maria rời sân vì chấn thương, người ta chờ đợi Carlos Tevez xuất hiện, nhưng không, đó là Ezequiel Lavezzi.

Sự điều chỉnh tồi tệ khiến Argentina mất đi sự liên kết cần thiết. Không hiểu ông hi vọng gì vào Lavezzi, cầu thủ cần nhiều khoảng trống và khá đơn điệu.

Tiền đạo của Paris St Germain không những bị chuột rút, mà còn gây ức chế vì đường chuyền sai cách cho Higuain vào cuối trận.

Ba, Sergio Aguero không hề chơi tệ, anh thật sự đói bóng ở phía trên, khi Leo Messi bị các tiền vệ Chile quây chặt ở bất cứ điểm nào di chuyển đến.

Còn Pastore không có nổi đường chuyền sáng nước cho tiền đạo mang áo số 11. Thay thế anh là Gonzalo Higuain, người lặp lại nỗi thất vọng của mùa Hè năm ngoái, khi bỏ lỡ cơ hội ngay trước vạch khung thành.

Bốn, Marcos Rojo và Otamendi là hai cầu thủ tệ nhất ở hàng phòng ngự, Argentina liên tục bị khoét ở cánh trái, và Argentina cũng may mắn khi không để thua sau sai lầm của bộ đôi này. Nhưng Martino không có điều chỉnh nào cả.

Năm, ông không thể giải mã được chiến thuật của Chile và bất lực nhìn các học trò bị hành hạ vì tốc độ, sức mạnh và lối chơi rắn của đối thủ.

Sự hạn chế của Martino khiến Argentina chịu trận và phải bước tới loạt sút luân lưu rủi ro, rồi gục ngã vì sự kém cỏi từ hai trong số 3 sự thay thế của ông.

Thất bại như một thói quen?

Có ánh mắt nào thẫn thờ hơn của Messi sau trận chung kết. Có ai hiểu được cảm giác chán chường đó, ngoài cậu bé vòng tay ôm lấy anh, chia sẻ nỗi buồn của tiền đạo này trên đất Chile.

Người hâm mộ Albiceleste có thể nổi giận hoặc chìm trong sự khắc khoải khôn nguôi: Thất bại dễ đến thế sao Argentina?

Cái kết khắc nghiệt cho Leo Messi, rất có thể cho đến khi treo giày, anh và Argentina chẳng bao giờ bước lên đỉnh cao.

Trong 11 năm qua, Argentina 4 lần thất bại trong việc chinh phục danh hiệu. Messi góp mặt trong 3 trận, và hai lần với tư cách đội trưởng. Mascherano còn đau hơn, khi có mặt trong cả 4 trận và đều nhìn đối thủ bước lên bục chiến thắng. Vì đâu nên nỗi?

Argentina đã không còn là đội bóng lì lợm theo kiểu của Maradona những năm 86, 90. Các HLV của họ cũng cố gắng để thích ứng với sự thay đổi của bóng đá, các cầu thủ trụ cột đều thi đấu đỉnh cao. Nhưng rốt cuộc, đều thiếu cá tính lớn trong thời khắc quyết định.

Riquelme tài năng, nhưng anh không thể xốc đồng đội với tính cách trầm lặng. Carlos Tevez là kiểu cá tính thất thường.

Leo Messi là của hiếm thời hiện đại, nhưng lại hiếm khi lao vào các tình huống tranh cãi trên sân và thúc giục được các đồng đội. Mascherano là mẫu thủ lĩnh kiểu va chạm nhiều hơn là kiểu đoàn kết cả đội.

Cần hay không một HLV xuất sắc, đó là câu hỏi lớn cho Argentina. Họ đã có Bielsa, Basile, Sabella hay Pekerman, những người tài năng nhưng cũng đều thất bại.

Chẳng nhẽ, về nhì lại là thói quen, xin đừng Argentina, đừng để nỗi đau dài thêm nữa.

1 Chức vô địch đầu tiên của Chile sau 5 trận chung kết Copa America. Và cũng là danh hiệu đầu tiên của họ ở cấp độ đội tuyển.

57% Thời gian kiểm soát bóng của Chile là 57% nhỉnh hơn so với Argentina (43%)

18 Các cầu thủ Chile đã thực hiện 18 cú sút về phía khung thành Argentina với 4 lần trúng đích. Trong khi con số tương ứng của Argentina là 8 cú sút và 2 lần trúng đích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại