7 VĐV Cameroon mất tích: Bi hài giấc mộng đổi đời

hongtrang |

Việc 7 VĐV đoàn thể thao Cameroon rời làng Olympic, một đi không trở lại, có gây xôn xao, nhưng không đủ làm chấn động.

Bởi chuyện VĐV của các nước kinh tế kém phát triển dự giải đấu tại những quốc gia phát triển hơn, rồi bỏ trốn để nuôi mộng đổi đời ở nước sở tại, đã không còn mới.

7-vdv-cameroon-mat-tich-bi-hai-giac-mong-doi-doi

Hôm qua, sau 1 ngày phóng viên các báo Anh cố gắng liên lạc với đại diện Ủy ban Olympic Cameroon nhưng đều thất bại, cơ quan quản lý thể thao cao nhất của quốc gia này rốt cuộc cũng đưa ra lời khẳng định chính thức chuyện 7 VĐV của họ tự ý rời làng Olympic, và hiện vẫn chưa trở lại tập trung. Nhóm xé rào này bao gồm một thủ thành dự bị môn bóng đá nữ, một VĐV bơi lội và 5 VĐV quyền Anh.

Theo thủ tục, cảnh sát nước chủ nhà đưa ra một nghi vấn tương đối hợp lệ: 7 VĐV này bị mất tích hoặc họ đã trở về quê nhà. Tuy nhiên, theo tờ Le Messager (Cameroon), 7 VĐV này đích thực đã trốn lại nước Anh, mang theo toàn bộ dụng cụ thể thao, tiền thưởng lên tới 5.000 bảng. Họ sẽ dùng số tiền ít ỏi đó tồn tại cho đến hết Olympic, trước khi tính chuyện xin tị nạn tại Anh. Chỉ có điều, cơ quan quản lý nhân khẩu Anh khẳng định, chuyện 7 VĐV này có được xét duyệt tị nạn hay hoàn hảo hơn nữa là được nhập cư hay không thì vẫn chưa rõ.

Vụ việc này đang gây xôn xao dư luận, nhưng nó chưa đủ tạo nên một cơn địa chấn. Bởi ngay từ trước khi Olympic London 2012 khởi tranh, đã có 3 VĐV Sudan trốn khỏi trại tập huấn. Một trong 3 VĐV này sau đó đã nộp đơn xin tị nạn tại Anh.

7-vdv-cameroon-mat-tich-bi-hai-giac-mong-doi-doi

7 VĐV Cameroon nuôi mộng đổi đời trên đất Anh

Thực ra, chuyện VĐV các nước nghèo, hoặc nhóm VĐV không có nhiều cơ hội phát triển tại quê nhà, lẩn trốn tìm cách ở lại những quốc gia phát triển hơn là không hiếm. 2006 có lẽ là năm ghi nhận trào lưu này mạnh mẽ nhất. Tại một giải đấu thể thao diễn ra ở Melbourne, Australia năm đó, có tới 26 VĐV đến từ nhiều quốc gia châu Phi bỗng dưng mất tích, rồi xuất hiện trở lại khi các đoàn thể thao đã về nước.

Năm 2001, 15 VĐV điền kinh của đoàn Ethiopia cũng đã biến mất theo cách tương tự tại giải điền kinh All African diễn ra trên đất Mozambique.

Không khó để lý giải cho xu thế này. Đơn cử như tại Nigeria, trang mạng allafrica.com không ngần ngại công khai thực trạng các liên đoàn thể thao, cơ quan chủ quản nợ lương VĐV lên tới… 12 tháng diễn ra như cơm bữa. Ở các quốc gia như Ethiopia, những VĐV không được liệt vào danh sách ứng viên giành huy chương tại những giải đấu lớn, thường phải chịu mức lương dưới 200 bảng/tháng.

Cuộc sống thiếu thốn, cực khổ, cơ hội phát triển không nhiều, vậy chẳng có dịp nào đổi đời thích hợp hơn là bám càng đoàn VĐV sang tham dự những giải đấu, rồi trốn lại, làm thuê làm mướn còn kiếm khá hơn (lương chạy bàn quán cafe ở London lên tới 32 bảng/ngày).

Ước vọng đổi đời là bản năng của mỗi con người. Thế nhưng, rõ ràng cái cách tìm đường thay đổi số phận của những VĐV kể trên khiến nhiều người cảm thấy sốc.

Ngoài chuyện danh dự quốc gia bị xem nhẹ, thì ngay cả những tiêu chí cao đẹp của Olympic cũng đã bị xem nhẹ. Và khi cái đích của con đường mà những “kẻ đào tẩu” lựa chọn rốt cuộc là một quán cà phê tồi tàn nơi đất khách, thì chẳng biết nên cười hay nên mếu cho giấc mộng thoát nghèo nữa đây!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại