Tết Mậu Thân 1968 trong hồi ức của cựu binh Mỹ

Theo Infonet |

3 cựu chiến binh Mỹ cùng kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ của họ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 tại Việt Nam.

Tết là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất với người Việt Nam. Trong nhiều năm, Tết đồng nghĩa với một lệnh ngừng bắn không chính thức trong chiến tranh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, 45 năm trước đây vào ngày 30/1/1968, quân đội Việt Nam tiến hành khởi nghĩa ở 13 thành phố khắp miền Nam. Trong suốt nhiều ngày và nhiều tuần, thêm hàng trăm vụ tấn công khác được thực hiện nhằm vào tòa nhà Chính phủ, căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh.

Charlie Lehman ở Great Falls, bang Montana, tham chiến ở Việt Nam thời điểm đó khi mới ngoài 20.

Thời điểm trước Tết, nhiệm vụ của ông nhẹ nhàng như một chuyến đi dã ngoại. Bản thân Lehman và nhiều người khác không nhận ra rằng chiến dịch ở Khe Sanh là chiến thuật nghi binh cho cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Và khi cuộc tổng tiến công nổ ra, Lehman nằm trong số nhiều binh sĩ bị thương khi tham gia một đoàn xe hộ tống. Lúc đó, chiếc xe tăng dẫn đầu bị súng phóng lựu tấn công và đoàn xe bị phục kích. “Chúng tôi mất cả một trung đội xe tăng ngày hôm đó”, Lehman nhớ lại.

3 cựu binh Mỹ từng tham chiến trong dịp Tết Mậu Thân ở Việt Nam (từ trái qua phải) Charlie Lehman, Bill Garberg và Johnnie Sweeten nói chuyện về trải nghiệm của họ.

Một trong những vụ tấn công táo bạo trong cuộc khởi nghĩa của quân đội Việt Nam dịp Tết này là nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Cựu chiến binh Johnnie Sweeten là người đã ở một căn cứ gần đại sứ quán khi vụ tấn công xảy ra.

Sweeten ở Việt Nam từ năm 1966 và là một xạ thủ trên trực thăng. Ông lúc đó phục vụ cho đại đội trực thăng tấn công số 120 thuộc lữ đoàn hàng không số 1.

Sweeten nhớ rằng, ở Sài Gòn lúc đó chỉ còn duy nhất đơn vị trực thăng tấn công của ông và họ đã rất bận rộn. Đơn vị của ông có một trực thăng bị bắn hạ nhưng các phi hành đoàn may mắn thoát chết. Khi giải ngũ, ông đã ở Việt Nam 3 năm, 23 ngày, 22 giờ và 16 phút.

Một cựu chiến binh khác là Bill Garberg lúc đó ở trại Blackhorse tại Long Giao, gần làng Xuân Lộc. Ông là một binh sĩ của tiểu đoàn kỹ sư chiến đấu số 27. Garberg nói rằng, trại Blackhorse nằm trong một khu vực phòng ngự có rừng rậm và có mìn bao quanh. Khi cuộc tổng tiến công dịp Tết bắt đầu, họ bị tấn công bởi đạn cối và rocket.

Cả đêm hôm đó, trại Blackhorse hứng chịu hỏa lực mạnh. Sáng hôm sau, họ mất 2 đến 3 xe tăng, một vài xe bọc thép và di chuyển tới một ngôi làng bên ngoài Xuân Lộc vài dặm.

Garberg nói rằng không ai thực sự nhận ra quân đội Việt Nam có thể tiến hành đúng dịp Tết, nhưng ông nghĩ chỉ huy của ông dường như đã cảm thấy điều bất thường vì hôm đó họ được lệnh sẵn sàng di chuyển.

“Tôi nhớ đã lau chùi vũ khí ngay trước khi vụ tiến công diễn ra. Không có điều gì là chắc chắn bởi chiến tranh là địa ngục. Bạn phải để ý mọi thứ diễn ra ngay trước mặt”, Garberg nói.

Khi về nhà, cựu chiến binh ở Great Falls nói rằng ông sẽ không nói chuyện với bất kỳ ai, trừ những người từng tham chiến ở Việt Nam. Đó cũng là điều mà Sweeten và Lehman đã làm. Cả 2 đều không nói nhiều về thời gian nhập ngũ ở Việt Nam và không mặc quân phục ở nơi công cộng bởi hiểu được sự phi nghĩa của cuộc chiến mà họ tham gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại