Thế giới tai nghe đang đi vào thử thách giống như đồng hồ Thụy Sĩ ngày trước

Gia Cường |

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng sẽ mãi mãi "sống tốt" khi các công nghệ mới tiện lợi hơn và rẻ tiền hơn lên ngôi. Thập niên 1970, đồng hồ quartz chạy pin xuất hiện. So với đồng hồ cơ, đặc biệt là đồng hồ Thụy Sĩ, đồng hồ quartz không chỉ rẻ tiền hơn, dễ sản xuất hơn mà còn chính xác và bền bỉ hơn.

Quartz đã đẩy ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ vào thảm kịch. Từ 1970 đến 1988, số việc làm dành cho đồng hồ Thụy Sĩ giảm hơn 3 lần, từ 90.000 xuống còn 28.000. Đến 1983, số doanh nghiệp chế tác đồng hồ đã giảm từ 1600 xuống 600.

Khi cổng tai nghe chết đi...

Thế giới tai nghe đang đi vào thử thách giống như đồng hồ Thụy Sĩ ngày trước - Ảnh 1.

Apple đã thúc đẩy một danh mục tai nghe mới.

Thế giới tai nghe có thể đang trải qua một cuộc lật đổ tương tự. Năm 2016, Apple loại bỏ cổng tai nghe hàng chục năm tuổi đời. Người tiêu dùng phản đối, nhưng hàng loạt các hãng smartphone khác vẫn theo chân Apple – bao gồm cả Google.

Những tưởng thế giới âm thanh sẽ lên tiếng phản đối, nhưng không, các nhà sản xuất như Sennheiser hay Audio Technica còn lên tiếng ủng hộ. Có một sự thật hết sức rõ ràng: khi cổng tai nghe chết đi, tiềm năng kinh doanh phụ kiện DAC/amp hay tai nghe Bluetooth sẽ tăng lên đáng kể.

Audio Technica, tên tuổi Nhật Bản gắn liền với rất nhiều model audiophile thực thụ, thậm chí còn tuyên bố:

"Thúc đẩy giới hạn của công nghệ tai nghe không dây đã và sẽ luôn là một trụ cột quan trọng với tai nghe của chúng tôi và bạn có thể chờ đợi những điều thú vị từ Audio Technica".

Thế giới tai nghe đang đi vào thử thách giống như đồng hồ Thụy Sĩ ngày trước - Ảnh 2.

Cả một thị trường đang chuyển biến quyết liệt.

Số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy Audio Technica không hề quyết định sai. Năm vừa qua, giá trung bình của tai nghe bán ra trên toàn cầu đã lần đầu vượt mốc 40 USD. Công ty thực hiện thống kê này, Futuresource, khẳng định chính nhu cầu tăng cao dành cho tai nghe không dây là lý do thúc đẩy cả thị trường đi lên.

Cả một ngành công nghiệp chuyển biến

Cứu cánh của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, trớ trêu thay, lại chính là một chiếc quartz. Ra mắt năm 1983, chiếc Switch – vốn là sản phẩm của cả một liên minh – đã nhanh chóng đạt đến doanh số 2,5 triệu chiếc trong năm đầu ra mắt.

Các nhà sản xuất tai nghe sẽ không đợi đến lúc rơi vào thảm họa mới chịu động chân động tay. Gần như ngay sau khi Apple vén màn AirPods, Sony cũng đã ra mắt chiếc tai nghe True Wireless của riêng mình.

Danh sách các mẫu tai nghe Bluetooth của Sony cũng ngày một dài hơn trong lúc những chiếc tai nghe "audiophile đích thực" như MA900, MDR-R10 hay CD300 đã ngày một ấn tượng hơn.

Thế giới tai nghe đang đi vào thử thách giống như đồng hồ Thụy Sĩ ngày trước - Ảnh 4.

Rẻ hơn, tiện lợi hơn - cũng giống như quartz và đồng hồ cơ.

Một số hãng tai nghe đình đám khác cũng đang theo chân Sony. Danh mục tai nghe không dây và tai nghe smartphone của Sennheiser và Audio Technica đang ngày một nhiều hơn. Đến cả Audeze, một hãng tai nghe vốn chuyên công nghệ planar cao cấp nay cũng đã có sản phẩm tập trung cho smartphone.

Đau lòng hơn, cũng đã có những thương hiệu audiophile "thực thụ" chết đi: phòng nghiên cứu của AKG (Áo) đã bị đóng cửa, vĩnh viễn khép lại di sản của những chiếc tai nghe huyền thoại như K1000 hay K701.

Giờ đây, thương hiệu AKG phổ biến nhất qua những chiếc tai nghe bán kèm smartphone Galaxy hay những các mẫu inear/on-ear trẻ trung, hiện đại. Tất cả đều mang dấu ấn của Harman (trực thuộc Samsung) hơn là AKG Austria ngày nào.

Vẫn còn đồng hồ cơ

Thế giới tai nghe đang đi vào thử thách giống như đồng hồ Thụy Sĩ ngày trước - Ảnh 5.

Vẫn có những giá trị trường tồn...

Dĩ nhiên, sự chuyển biến nhanh nhạy của các thương hiệu audiophile không có nghĩa rằng toàn bộ ngành sản xuất tai nghe sẽ chạy theo các trào lưu công nghệ mới. Ví dụ điển hình là Grado. Ngay sau khi Apple bỏ cổng tai nghe, Grado tuyên bố:

"Chúng tôi chỉ cần bất cứ kết nối nào có thể dùng để giữ âm thanh mà gia đình chúng tôi đã xây dựng trong suốt 63 năm qua".

Đến nay, tai nghe Grado vẫn luôn luôn... có dây. Không mẫu Grado nào có điều khiển dành cho smartphone, và cũng chẳng mẫu nào có Bluetooth cả.

Thế giới tai nghe đang đi vào thử thách giống như đồng hồ Thụy Sĩ ngày trước - Ảnh 6.

Nhưng không có thị trường nào là đứng yên tại chỗ cả.

Sennheiser, Audio Technica hay Beyerdynamic cũng sẽ tiếp tục ra mắt những chiếc tai nghe tương tự. Không có Bluetooth và... có dây. Đến cuối cùng, các công nghệ lỗi thời vẫn sẽ có những tín đồ riêng. Họ sẽ đi tìm những giá trị mà công nghệ mới không thể đem đến được: màu của phim, những chuyển động "huyễn hoặc" của máy cơ hay âm thanh tuyệt vời của tai nghe có dây.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thị trường sẽ không chuyển biến để chạy theo cái mới. Trong 1,46 tỷ mẫu đồng hồ bán ra trên toàn thế giới vào năm 2015, có tới 1,42 tỷ mẫu sử dụng máy quartz.

Năm ngoái, Apple Watch được tuyên bố là chiếc đồng hồ bán chạy nhất thế giới. Trong khi nhiều người vẫn kiên quyết theo đuổi các giá trị trường tồn, phần đông thị trường vẫn chọn những gì dễ dàng nhất, dễ tiếp cập nhất.

Một sự thay đổi như vậy có thể bóp chết một ngành công nghiệp, hoặc có thể tạo ra "cú huých" để cả ngành công nghiệp đó phải chuyển mình. Liệu những chiếc tai nghe sẽ thuộc về trường hợp thứ nhất hay thứ hai?

Hãy chờ xem.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại