Cõng xác cha mẹ đi chôn trong "rừng ma"

BB |

(Soha.vn) - Đó là một tập tục tồn tại từ lâu đời của người Xơ Đăng để thể hiện lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành và giúp linh hồn người chết sớm được siêu thoát.

Người Xơ Đăng sinh sống chủ yếu ở Kon Tum (phía bắc Tây Nguyên), mặc dù đến nay đã có sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người phụ cận xong người Xơ đăng vẫn bảo lưu được những giá trị văn hoá truyền thống đã có từ ngàn xưa, trong đó nổi bật là tập tục tang ma độc đáo.

Người dân ở đây thường an táng người chết dưới những tán rừng. Những khu rừng đó được gọi là “rừng ma”. Họ bảo vệ “rừng ma” để bảo vệ đời sống tâm linh, bảo vệ phần hồn của mình. Đó cũng là lời khẩn nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn người chết.

Người Xơ Đăng quan niệm, sống chết là thuận theo quy luật của tự nhiên. Con người cũng như cái cây, con thú trong rừng, có sinh ra, lớn lên thì cũng phải chết đi. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, ngôi nhà để ở, con nước để uống. Khi chết trở lại với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi. Người Xơ Đăng chôn người thân dưới những tán cây rừng to như một lời khẩn nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn người chết. Vậy nên, chốn ấy như linh hồn của dòng tộc vậy.


	Những ngôi mộ trong "rừng ma" bên chân núi.

Những ngôi mộ trong "rừng ma" bên chân núi.

Trong "rừng ma", quan tài được đặt trên những giá gỗ với bốn cây cọc, cách mặt đất 0,5-1m… Phía trên quan tài lợp mái tôn, xung quanh vứt đầy những vật dụng mà người chết được “chia phần” như radio, bàn ghế, xe đạp, vàng bạc, ghè rượu, xoong nồi, dao rựa, phích nước…

Mặt người chết được đặt xoay về hướng Tây. Người ta cho rằng, làm vậy con ma dữ không thể thấy được người sống để làm hại dân làng (làng của người sống ở về hướng Đông của "rừng ma")

Người Xơ Đăng rất tự hào về khu “rừng ma” của mình. Mặc dù ngôi nào cũng giống nhau, nhưng không bao giờ có chuyện nhầm lẫn mộ của người này với người khác. Theo phong tục, sau khi chôn cất người chết, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Hàng năm, mỗi khi đến lễ mang nước hoặc tết lúa mới, khi con lợn trong chuồng, con dê trên rẫy đã lớn, người Xơ Đăng tổ chức cúng ma để tưởng nhớ đến người thân đã mất.

Nghi thức được cho là đặc biệt nhất trong tang lễ của người Xơ Đăng là tục cõng người chết đi chôn.

Theo tập tục của người Xơ Đăng, khi cha mẹ chết, con trai là người phải cõng xác cha mẹ đi chôn để tỏ lòng hiếu thảo. Nếu chẳng may, người con chết trước thì sự thương tiếc của cha mẹ được thể hiện qua việc cõng xác con đến nơi an nghỉ cuối cùng ở một cánh rừng già phía tây của làng, nơi vẫn được xem là cánh rừng thiêng, cánh rừng ma của cả làng. Cũng có những trường hợp, cha mẹ chết đi khi người con còn quá nhỏ, không đủ sức cõng cha mẹ đi chôn thì phải nhờ người khác cõng thay. Một điều lưu ý là người được nhờ làm giúp việc này phải là người có quan hệ huyết thống trong dòng họ.

Trong quan niệm tâm linh, người ta cho rằng điều đó sẽ giúp linh hồn người chết dễ siêu thoát hơn so với việc để thi thể người chết trong quan tài.


	Toàn cảnh "rừng ma", nơi con trai phải cõng xác cha mẹ đến đây để chôn cất.

Toàn cảnh "rừng ma", nơi con trai phải cõng xác cha mẹ đến đây để chôn cất.

Ngoài ra, người Xơ Đăng rất quý trọng giá trị của cuộc sống mà theo họ là do thần linh sắp đặt cho con người. Chính vì vậy, cái chết do con người tự gây ra như tự tử bị lên án nặng nề và bị xem là những cái chết dữ. Với những người như vậy sẽ không được cõng mà chỉ được khiêng đến nơi chôn cất. Huyệt mộ là một hố đào sơ sài, không có ngách ngang, người chết không được đặt nằm mà chôn ở tư thế ngồi xổm (ngồi bó gối), vài sợi tóc của người chết được kéo ngược lên trên và để lộ ra trên mặt đất khi lấp đất (người Xơ-Đăng xưa để tóc dài).

Tổng hợp

Theo Kiến thức/VOV

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại