Thế giới có hơn 1,1 tỷ người 'vô hình'

Lan Anh |

Chương trình “Nhận dạng vì phát triển” (ID4D) của Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo, hơn 1,1 tỷ người trên thế giới trở nên vô hình vì không đăng ký khai sinh.

Phần lớn người “vô hình” sống ở châu Phi và châu Á. Hàng triệu trẻ em lần đầu tiên được chính quyền biết đến khi chúng đến tuổi đi học. Một phần ba số trẻ em này là những đối tượng dễ bị tổn thương vì bạo lực và bọn buôn người. Vấn đề này tưởng chừng nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn bởi họ bị tước đoạt các dịch vụ y tế và giáo dục. Họ sống mà như không tồn tại. Đây là vấn đề nhạy cảm liên quan khu vực địa lý, nơi người dân phải đối mặt nghèo đói, phân biệt đối xử, dịch bệnh hoặc xung đột vũ trang.

Vyjayanti Desai, người quản lý chương trình ID4D, cho biết, khoảng cách giữa người dân và các dịch vụ công ở các khu vực đang phát triển là một vấn đề lớn. Theo Carolina Trivelli, cựu Bộ trưởng Phát triển Peru, việc đăng ký khai sinh đối với dân số sống ở khu vực Amazon của Peru là một trở ngại lớn, bởi lẽ, để đi đăng ký khai sinh, người dân phải mất 5 ngày đi bằng thuyền mới tới cơ quan hành chính. Ngoài ra, nhiều gia đình không nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh. Họ không biết rằng, việc không đăng ký khai sinh đồng nghĩa với việc bị từ chối các quyền và lợi ích cơ bản hoặc khả năng bị buộc lao động hoặc kết hôn ở tuổi vị thành niên.

Anne-Sophie Lois, đại diện của Liên Hợp Quốc tại Geneva, giám đốc tổ chức Plan International về trợ giúp trẻ em, cho biết, ngay cả khi cha mẹ nhận thức được nhu cầu khai sinh, chi phí có thể là một nguyên nhân khiến họ bỏ qua. Bầu không khí chính trị cũng là một trong những nguyên nhân không khuyến khích các gia đình đăng ký khai sinh cho con mình.

ÔngTrivelli cho biết: “Mọi người lo ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu như chính phủ nước họ ưu ái một số nhóm dân tộc này thay vì một dân tộc khác”. Và ở nhiều quốc gia, việc sinh con ngoài giá thú hoặc do bị hãm hiếp đôi khi được cố ý che giấu vì sợ phân biệt đối xử. Ở Trung Quốc, nhiều người trốn đăng ký khai sinh cho con do hậu quả của chính sách một con.

Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức quốc tế đang kiên nhẫn làm việc để xác định những người “vô hình”, dù họ hết sức thận trọng trong việc bảo vệ sự riêng tư và dữ liệu cá nhân. Các công nghệ số đã được áp dụng và có những chuyển biến đáng kể. Bà Trivelli cho biết, chỉ với chiếc điện thoại di động, người dân và chính quyền có thể kết nối với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều. Ngay từ năm 2005, UNICEF đã phát động chiến dịch “Đếm trẻ em”, góp phần đăng ký cho 40 triệu trẻ em ở 32 quốc gia.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng thừa nhận, các hệ thống nhận dạng tập trung có thể khiến các nhóm dễ bị tổn thương do phải chịu rủi ro liên quan sử dụng sai dữ liệu cá nhân của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại