Thế giới chi kỷ lục cho vũ khí

XUÂN VINH |

Các mối đe dọa khủng bố, xung đột vũ trang, sự trở lại của cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng trên trường quốc tế đã thúc đẩy “một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn thế giới”, với mức chi kỷ lục năm 2016 là 1.568 tỷ USD, theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp).

Sau nhiều thập kỷ duy trì hoặc giảm chi phí quân sự, cuộc đua vũ trang quay trở lại vào giữa năm 2015 với số tiền đầu tư vào lĩnh vực này lên đến 1.676 tỷ USD, tương đương 2,3% GDP của toàn thế giới, theo thẩm định của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Trong đó, riêng Mỹ chiếm 40%, với khoảng 622 tỷ USD. Sau 15 năm tương đối giải trừ vũ khí, châu Âu chuyển sang chiến lược phòng thủ vì "thời kỳ vô lo đã chấm dứt", như lời cảnh báo vào cuối tháng 12-2016 trên tờ Les Echos của Tham mưu trưởng quân đội Pháp, Tướng P.Đ.Vi-li-ơ (Pierre de Villiers).

Trong khu vực Liên minh châu Âu, hiện chỉ có bốn nước trên tổng số 28 thành viên tôn trọng mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ấn định.

Nếu các nước khác cũng tuân theo mục tiêu trên, tổng chi phí của toàn khối sẽ ở mức 100 tỷ USD hằng năm. Pháp, đứng thứ 7 trên thế giới, dành 1,7% GDP cho quốc phòng. Năm 2017, Pháp sẽ tăng thêm ngân sách lên 32,7 tỷ ơ-rô, trong khi đó Đức sẽ chi khoảng 37 tỷ ơ-rô (tăng khoảng 7%) và mục tiêu là đạt đến 39 tỷ ơ-rô vào năm 2020.

Tại khu vực Trung Đông, các nước vùng Vịnh liên tục tăng số lượng đơn đặt hàng vũ khí để đối phó với tình hình bất ổn trong vùng do khủng bố thánh chiến và cuộc chạy đua vũ trang giữa A-rập Xê-út (Saudi Arabia) đứng thứ 5 trên thế giới với 48,6 tỷ USD và I-ran.

Các nước vùng Ban-tích cũng muốn tăng đầu tư cho quốc phòng, đứng hàng thứ 6 trên thế giới về chi phí quốc phòng với khoảng 48 tỷ USD. Từ năm 2008, Nga đã thúc đẩy kế hoạch hiện đại hóa quân đội để chiếm lại vị thế cường quốc quân sự.

Thế nhưng, theo nhật báo Les Echos, hiện tượng tăng ngân sách quân sự một cách chóng mặt lại diễn ra ở châu Á. Tổng chi phí quốc phòng của châu Á cao hơn 100 tỷ USD so với tổng chi của toàn Liên minh châu Âu. Trung Quốc được đánh giá là nước có ngân sách quốc phòng "khủng" ở khu vực này.

Ngoài lực lượng hùng hậu khoảng 9.000 xe bọc thép tân tiến, Trung Quốc có khoảng hơn 2 triệu quân nhân được huấn luyện chuyên nghiệp. Ấn Độ cũng đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 8%, vượt lên đứng vị trí thứ 4 trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại