Thấy gì qua vụ đổ cột thu phát sóng làm chết người

Tú Anh-Thanh Hà-Minh Quang |

Cột thu phát sóng đặt tại nóc toà nhà Thăng Long Ford số 105 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) bị gãy, đổ làm 1 người chết một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn của các công trình tháp thu phát sóng viễn thông, cột BTS trên địa bàn Hà Nội khi mùa mưa bão đang đến.

Lộ cột thu phát không phép?

Trưa 6/7, cột thu phát sóng nặng hàng trăm kg trên nóc tòa nhà 10 tầng Thăng Long Ford số 105 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ đổ, gãy làm một người đàn ông đang làm việc trong tòa nhà tử vong, nhiều đồ đạc hư hỏng.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi xảy ra sự việc, đoàn kiểm tra liên ngành Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng đã xuống hiện trường để nắm tình hình.

Tuy nhiên, hiện trường đang được cơ quan công an phong tỏa để điều tra do chết người.

"Theo quy định việc cấp phép các cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động và thiết bị phụ trợ được lắp đặt trên các công trình đã được xây dựng như ở toà nhà 105 Láng Hạ là do phòng văn hoá thông tin các quận, huyện cấp phép", vị cán bộ cho biết.

Lãnh đạo Đội Thanh tra xây dựng Đống Đa cho hay: "Đang cho anh em phối hợp với các bên để xử lý vụ việc. Đây là công trình cột thu phát sóng viễn thông lắp từ trước năm 2009 nên khả năng không có phép", vị này cho biết.

Về thông tin cho rằng, cột thu phát sóng viễn thông đỗ gãy này được lắp đặt trên tầng cơi nới không phép của toà nhà, vị này cho biết sẽ tiến hành kiểm tra vì hiện chưa tiếp cận hồ sơ và đang mời chủ công trình 105 Láng Hạ đến làm việc.

Trong khi đó, phóng viên nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND phường Láng Hạ và lãnh đạo Phòng Văn hoá-Thông tin quận Đống Đa thì các vị này đều không nghe máy.

Bất an vì cột thu phát sóng

Hà Nội là nơi có rất nhiều công trình tháp thu phát sóng viễn thông, cột BTS trên địa bàn. Trong đó, nhiều nhất các trạm BTS (loại 2), là loại cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động và thiết bị phụ trợ được lắp đặt trên các công trình đã được xây dựng.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, tại một số khu vực nội thành Hà Nội như đường Láng Hạ, Láng, Trần Duy Hưng, Lê Duẩn, Ô Chợ Dừa, La Thành… đang tồn tại rất nhiều cột thu phát sóng làm bằng sắt lắp ghép, cao 20-30 m và được cố định bởi nhiều sợi cáp trên nóc nhà các toà nhà cao tầng.

Anh Nguyễn Hữu Sơn (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, gia đình anh đã phải sống chung với tiếng ồn phát ra từ tầng 2 ngôi nhà bên cạnh từ khoảng 5 năm nay - nơi đặt buồng máy của một trạm thu phát sóng cao khoảng 30 m.

Theo anh Sơn, việc đặt cột thu phát sóng trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn bất cứ lúc nào.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ sơ xin cấp phép lắp đặt các trạm BTS này gồm 15 loại giấy tờ liên quan, trong đó khó nhất là văn bản xác nhận của chính quyền địa phương và sự đồng ý của người dân về vị trí lắp đặt trạm.

Thực tế có nhiều trạm BTS đã đưa vào hoạt động chưa có phép hoặc mới xin cấp phép để hợp thức hóa", vị cán bộ phường cho biết.

Theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội, tính đến 31/5/2015, Hà Nội có 6.340 trạm BTS đang hoạt động. Trong đó nhiều nhất của các nhà mạng như Viettel có 1.750 trạm; MobiFone 1.600 trạm; Vinaphone 1.900 trạm…

Cũng theo đánh giá, trong số này nhiều trạm BTS được xây dựng từ trước năm 2008 chưa được cấp phép.

Trao đổi Tiền Phong, ông Phạm Quốc Bản, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, việc các trạm BTS trước đây chưa được cấp phép là do thiếu quy hoạch và quản lý nhà nước trên địa bàn nên đã đem lại một hạ tầng viễn thông phát triển "tự phát" vừa mất cảnh quan đô thị, vừa mất an toàn: "Việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS trong mọi trường hợp phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận.

Nhưng thực tế có nhiều trạm BTS hiện lắp đặt trên các công trình nhà dân, khu chung cư chưa được kiểm soát chặt chẽ", vị này nói.

Theo Bộ Xây dựng, thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước có 149 cột tháp ăng ten cao trên 100m và hàng vạn cột tháp có chiều cao dưới 100m. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 68/149 cột tháp cao trên 100m được kiểm định chất lượng.

Đối với các cột tháp có chiều cao dưới 100m các chủ đầu tư, đơn vị khai thác sử dụng chủ yếu đang rà soát số lượng và chất lượng để phân loại, lập kế hoạch kiểm định, bảo trì.

Kết quả các cột tháp đã thực hiện kiểm định cho thấy một số cột tháp ăng ten còn tồn tại khiếm khuyết về chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không kịp thời khắc phục có nguy cơ xảy ra sự cố khi chịu tác động của gió bão.

Không có cơ quan nào quản lý?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TTTT cho biết, "Cục không quản lý việc cấp phép cột, kèo, trạm phát sóng.

Cục Tần số vô tuyến điện chỉ cấp phép cho các thiết bị và tần số phát sóng, bên viễn thông cũng không cấp phép cho việc xây dựng các trạm thu phát sóng. Việc cấp phép xây dựng tôi cũng chưa nắm rõ".

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Ấn định và Cấp phép tần số, Cục Tần số vô tuyến điện, trước năm 2015 Cục có cấp phép cho 1 thiết bị phát sóng tại địa điểm 105 Láng Hạ.

Tuy nhiên, từ năm 2015 máy phát đó đã chuyển sang số 15 đường Phạm Hùng. "Hiện nay tại vị trí đó, Cục Tần số Vô tuyến điện không cấp phép cho thiết bị nào".

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra Sở đã kiểm tra. Đây là cột thu phát sóng của một hãng taxi. Sở không quản lý vì không cấp phép cho cột này.

Bình thường các cột thu phát sóng thông tin di động BTS thì do Sở cấp phép và quản lý.

Trao đổi với phóng viên lãnh đạo UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cho biết: "Thời gian qua chúng tôi không xác nhận cho nhà mạng nào để lắp đặt các trạm BTS, cột thu phát viễn thông ở trên nhà dân, khu dân cư.

Còn các cột phát sóng viễn thông lắp trên nhà dân ở trên khu đường Đê La Thành là những cột không phép lắp đặt từ lâu".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại