Thấy gì qua cuộc gặp giữa hai “ông Trump” của châu Mỹ?

Minh Vương |

Một là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người còn lại được gọi là “Donald Trump của xứ Nhiệt đới”, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Những ý tưởng lớn có gặp nhau? Cả hai ông có "kề vai sát cánh" trên các vấn đề của khu vực? Báo Thế giới và Việt Nam bình luận.

Sở dĩ nhà lãnh đạo Brazil có biệt danh như vậy bởi ông Jair Bolsonaro là một người có cá tính mạnh và thường đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội. Mới đây nhất, ngày 5/3, nhân dịp lễ hội đường phố Carnival, Tổng thống Brazil đã đăng tải một video clip có nội dung phản cảm trên Twitter và lên tiếng chỉ trích những hành động trong video clip này.

Song động thái này đã phản tác dụng: Việc lãnh đạo quốc gia chia sẻ nội dung nhạy cảm trên trang cá nhân đã thành chủ đề tranh luận sôi nổi của người dân Brazil. Nhiều người, trong đó có cả đồng minh chính trị của ông Bolsonaro, cho rằng đây là hành vi không phù hợp của một Tổng thống và kêu gọi luận tội ông.

Chưa hết, tương tự như “thần tượng”, Tổng thống Jair Bolsonaro cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã phải sa thải một Bộ trưởng vì scandal, trong khi con trai và đồng minh chính trị thân cận bị cáo buộc rửa tiền bất hợp pháp.

Tại Quốc hội, nhà lãnh đạo này sẽ phải giành phần thắng trong một cuộc chiến dài hơi để thông qua dự thảo về luật tiền lương hưu, hiện chỉ nhận được 43% sự ủng hộ của người dân. Theo một khảo sát hồi giữa tháng Hai, tỷ lệ ủng hộ của người dân với Tổng thống Bolsonaro chỉ đạt mức 39%, thấp hơn so với những người tiền nhiệm của ông.

Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng đang vướng vào những rắc rối mới khi ngày 17/3, ông có dòng Tweet chỉ trích Cố Thượng Nghị sỹ John McCain, gây nhiều bất bình. Ông chủ Nhà Trắng, bất chấp những thành tích kinh tế - chính trị, tiếp tục phải đối mặt với cuộc điều tra của Công tố viên Robert Mueller liên quan đến kết quả bầu cử năm 2016. Đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có tiến triển đáng kể, quan hệ Nga – Mỹ tiếp tục căng thẳng, trong khi quan hệ với nhiều đồng minh đang diễn biến không thuận lợi.

Ý tưởng lớn gặp nhau

Giữa bộn bề những lo toan đó, ngày 19/3, hai nhân vật đặc biệt này của châu Mỹ đã lần đầu gặp gỡ và thảo luận sôi nổi tại Washington.

Ngay khi đặt chân tới Washington, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chứng minh tại sao ông được gọi là “Donald Trump của xứ Nhiệt đới”, với nhiều hành động giành thiện cảm của người đồng cấp nước chủ nhà Donald Trump.

Việc chỉ trích những “tin tức giả” (fake news) của nhà lãnh đạo này đã nhận được sự tán thành của ông chủ Nhà Trắng. Đáp lại, Tổng thống Trump khẳng định ông Bolsonaro đã “hoàn thành công việc tuyệt vời” và có một “chiến dịch tranh cử phi thường”.

Ông Bolsonaro cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Về phần mình, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ ủng hộ nỗ lực của Brazil trong việc trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về khả năng ký kết một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà nếu thành hiện thực, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả đôi bên.

Các nhà kinh tế học tỏ ra tương đối bi quan về triển vọng phát triển của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ trong năm 2019 và một FTA với Mỹ sẽ là cú huých cần thiết để Brazil lấy lại đà tăng trưởng cần thiết. Trong khi đó, một FTA với Brasillia, đối tác tiềm năng của Washington ở Nam Mỹ, sẽ điền thêm vào bảng thành tích của ông Donald Trump, tạo tiền đề thuận lợi để nhà lãnh đạo này chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Kề vai sát cánh

Xa hơn nữa, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông chủ Nhà Trắng còn khẳng định sẽ hỗ trợ Brazil trở thành “đồng minh quan trọng không thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, thậm chí là “đồng minh trong NATO”. Đây là tín hiệu tốt với Brazil bởi từ lâu, Brasillia đã mong muốn “kề vai sát cánh” với Washington để dễ dàng mua vũ khí, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, điều này là không hề dễ dàng bởi theo cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis, người từng đảm nhận vai trò Tư lệnh tối cao NATO từ năm 2009 – 2013, Brazil không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo Hiến chương NATO năm 1949, văn kiện dường như sẽ khó thay đổi trong một sớm một chiều.

Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm về duy trì một chính sách nhập cư cứng rắn. Ông Bolsonaro, người trước đó từng khẳng định Brazil không thể trở thành một “quốc gia mở cửa biên giới”, đã tỏ ý tán thành chính sách nhập cư của người đồng cấp Mỹ và nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc thiết lập bức tường biên giới ngăn người nhập cư tại Mexico.

Cuối cùng, cả ông Donald Trump và ông Jair Bolsonaro đều đồng thuận trong việc mở rộng các lệnh trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, cũng như tiếp tục các chiến dịch hỗ trợ cho lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido. Tuyên bố này của hai vị nguyên thủ đã gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ từ Caracas, cho rằng những lệnh trừng phạt “là bước lùi” trong việc duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chuyến thăm Washington và gặp gỡ người đồng cấp Donald Trump của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro sẽ mang lại những bước tiến đáng kể, khai phá tiềm năng to lớn trong quan hệ song phương, với hai “ông Trump” đóng vai trò cầu nối, nối liền đôi bờ châu Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại