Tham vọng tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc còn rất xa

Huy Bình |

Biên đội tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sẽ giống với cụm tàu Liêu Ninh, nhưng được trang bị hiện đại và mạnh mẽ hơn.

Biên chế Cụm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh

Theo Popular Science, sau khi tiến hành một đợt luyện tập ở khu vực Bột Hải hồi đầu tháng trước, Trung Quốc đã điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako của Nhật Bản và eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines, sau đó tới diễn tập ở Biển Đông.

Theo tạp chí “Tàu thuyền thế giới”, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh được biên chế 3 tàu khu trục tên lửa làm nhiệm vụ phòng không hạm đội, 3 tàu hộ vệ tên lửa làm nhiệm vụ hộ tống và chống ngầm. Ngoài ra, biên đội được sự bảo đảm hậu cần, nhiên liệu từ 1 tàu bổ trợ tổng hợp viễn dương.

Cụ thể, biên đội tàu hộ tống Liêu Ninh gồm có: tàu khu trục tên lửa 173 Trường Sa (Type 052D) và 151 Trịnh Châu, 171 Hải Khẩu (đều thuộc Type 052C); 

Tàu hộ vệ tên lửa 538 Yên Đài và 547 Lâm Nghi (đều thuộc Type 054A, nhiệm vụ hộ tống), tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ 594 Chu Châu (Type 056, chống ngầm); cùng với tàu hậu cần tổng hợp 966 Cao Bưu Châu, thuộc Type-093A.

Người phát ngôn của hải quân Trung Quốc là Lương Dương cho biết, đây là lần đầu tiên biên đội tàu sân bay Liêu Ninh mang theo các chiến hạm hiện đại nhất của Trung Quốc và số lượng lớn tiêm kích hạm J-15 xuyên phá qua “Chuỗi đảo Thứ nhất” của Mỹ.

Hành quân từ Bột Hải đến Hoàng Hải và xuống Đông Hải, Liêu Ninh đã vừa đi vừa huấn luyện theo phương châm “hợp thành, hệ thống và thực chiến hóa”, hiệp đồng chỉ huy tác chiến giữa biên đội tàu hộ tống và nhóm không quân hạm, đồng thời kiểm tra khả năng tiếp tế trên biển.

Trên đường hành trình, phi đội tiêm kích hạm J-15 (phiên bản nhái của chiếc Su-33 của Liên Xô) đã thực hiện các bài huấn luyện tiêm kích hạm cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh để chứng minh khả năng tác chiến của cụm tàu sân bay chiến đấu (CVBG) này.

Các chuyên gia quân sự thế giới cho rằng, đến năm 2030, các tàu sân bay Trung Quốc tiếp theo sẽ được xây dựng giống cụm tác chiến Liêu Ninh hiện nay. Nó được trang bị các khu trục hạm và khinh hạm thế hệ mới, tạo thành hệ thống tấn công và phòng thủ đa tầng hiện đại hơn.

Tàu sân bay hat nhân tương lai của Trung Quốc

Hiện Trung Quốc ấp ủ kế hoạch chế tạo tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 003, có lượng giãn nước lớn hơn nhiều so với Liêu Ninh. Tàu sân bay này sẽ có lượng giãn nước khoảng 90.000 - 100.000 tấn, mang theo 70 - 100 trực thăng và máy bay tiêm kích hạm.

Với việc được trang bị một lò phản ứng hạt nhân, Type 003 có tốc độ hành trình trên 55 km/h, đồng thời lò phản ứng này có thể cung cấp năng lượng cho hệ thống máy phóng điện từ (EMALS), hiệu suất phóng cao hơn, vận hành đơn giản hơn và bảo trì dễ dàng hơn máy phóng hơi nước.

 Tham vọng tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc còn rất xa  - Ảnh 1.

Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc

Lực lượng hàng không hạm vẫn là tiêm kích đa nhiệm J-15 và biến thể tác chiến điện tử. Để thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, tàu sân bay cũng có thể mang theo biến thể hải quân của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như J-31 hay J-20.

Ngoài các chiến đấu cơ, hệ thống EMALS có thể giúp Type 003 phóng phi cơ có khối lượng cất cánh tới 50 tấn như các máy bay tiếp liệu, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử, máy bay vận tải cỡ nhỏ - điều mà Liêu Ninh hiện không làm được.

Trong bối cảnh Bắc Kinh quan tâm tới công nghệ UAV, Type 003 cũng có thể được biên chế một UAV trinh sát tầm cao, tầm xa hoặc thâm chí là một máy bay tấn công không người lái tàng hình như “Lợi Kiếm” (tương tư như UCAV X-47 trên hàng không mẫu hạm Mỹ).

Biên đội hộ tống trong cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gồm khu trục hạm thế hệ mới Type 055 và một tàu hộ vệ mới thuộc Type 057.

Khu trục hạm Type 055 sẽ được tích hợp hệ thống động cơ mới có nguồn năng lượng lớn hơn, giúp nó vận hành thiết bị cảm biến và vũ khí năng lượng. Tàu cũng có thể trang bị hàng trăm tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình tấn công mặt đất và tên lửa phòng không tầm xa.

Tùy vào nhiệm vụ, các tàu đổ bộ như Type 071 có thể được biên chế vào cụm tàu sân bay chiến đấu để triển khai quân thủy quân lục chiến và lực lượng yểm trợ đổ bộ trên không bằng các máy bay trực thăng tấn công và các tàu đổ bô đệm khí siêu tốc.

Lực lượng hộ tống dưới mặt biển sẽ là tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng Type 095, có khả năng tàng hình cao hơn, được trang bị hỏa lực mạnh hơn (tên lửa hành trình tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) so với các tàu ngầm hiện nay của Trung Quốc thuộc Type 091 hay 093.

Kết luận

Quân đội Trung Quốc hiện đang ở mốc khởi đầu quan trọng với tàu sân bay Liêu Ninh, giúp họ huấn luyện và xây dựng được những cơ sở thiết yếu nhất của lực lượng tàu sân bay.

Tuy nhiên, định hướng tương lai của Bắc Kinh không phải là những tàu sân bay sử dung động cơ thông thường và thiết kế mũi vểnh (máy bay cất cánh kiểu cầu bật) như của Liên Xô/Nga.

Trung Quốc sẽ cần vài thập kỷ nữa để trước hết là thiết kế được loại đông cơ hạt nhân đáng tin cậy. Đồng thời, họ cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để phát triển được các máy bay trinh sát, máy bay tác chiến điên tử, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm cánh cố định cho tàu sân bay.

Sau đó, Bắc Kinh còn phải trải qua quá trình vận hành lâu dài để thu thập kinh nghiệm sử dụng các tàu sân bay có mặt boong phẳng và máy phóng kiểu Mỹ. Cùng với đó là yêu cầu phải có những tiêm kích hạm thế hệ mới khiến họ cần rất nhiều thời gian nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại