Thảm kịch chết hàng chục người vì kẹo cao su

Thu Hằng |

Kẹo cao su có mối quan hệ phức tạp, thậm chí bi thảm với Liên Xô. Nó từng là nguyên nhân dẫn đến một cuộc dẫm đạp hỗn loạn làm hàng chục người chết.

Thảm kịch chết hàng chục người vì kẹo cao su  - Ảnh 1.

Thổi bóng bằng kẹo cao su là thú vui một thời của trẻ em Liên Xô.

Trong suốt một thời gian dài, kẹo cao su, nếu không bị chính thức cấm, thì cũng hoàn toàn không được hoan nghênh tại Liên Xô. Bởi nó là một sản phẩm của phương Tây, của “lối sống Mỹ”.

Ngon, nhưng lại hiếm, kẹo cao su là thứ quà xa xỉ, chỉ đến được tay của một số ít nhà có bố mẹ, người thân mang về sau những chuyến đi nước ngoài. 

Những chiếc kẹo cao su vì thế có giá trị cao ở Liên Xô, người sử dụng thường nhai đi nhai lại rất lâu trong miệng kể cả khi nó đã không còn mùi vị. 

Nhiều đứa trẻ còn cất bã kẹo vào lọ mứt, hoặc bọc đường vào để ăn tiếp. Những đứa trẻ kém may mắn hơn thì tìm những thứ thay thế kẹo cao su, chẳng hạn như nhai cả mẩu nhựa đường mà chúng thấy trên phố.

Nhưng thảm kịch ngày 10/3/1975 đã thay đổi hoàn toàn thành kiến của các nhà lãnh đạo Xô viết với kẹo cao su.

Ngày hôm đó, các cầu thủ đội hockey thiếu niên Canada tới thi đấu giao hữu với đội tuyển Liên Xô. Sau trận đấu, đội bạn bắt đầu chương trình quảng bá hình ảnh với việc phát kẹo cao su Wrigley’s. 

Những chiếc kẹo cao su miễn phí đã gây ra sự phấn kích tột độ tại nhà thi đấu Sokolniki ở Moskva, nơi đang tập trung hàng ngàn khán giả. Một cuộc chen lấn, dẫm đạp lên nhau để tranh giành kẹo, đã khiến 21 người tử vong, hầu hết là thiếu niên.

Sau thảm kịch tại Sokolniki, kẹo cao su được chính quyền Liên Xô “bật đèn xanh”. 

Thêm vào đó, nhằm hướng tới đăng cai Thế vận hội năm 1980, Liên Xô muốn chứng tỏ cho các vị khách quốc tế thấy rằng họ cũng có thể đi theo các xu hướng toàn cầu. 

Vì thế từ năm 1976, kẹo cao su được sản xuất rộng rãi trên khắp Liên Xô, từ vùng Kavkaz tới Baltic.

Thảm kịch chết hàng chục người vì kẹo cao su  - Ảnh 2.

Vụ dẫm đạp tại nhà thi đấu Sokolniki ở Moskva vào ngày 10/3/1975.Vụ dẫm đạp tại nhà thi đấu Sokolniki ở Moskva vào ngày 10/3/1975.

Các nhà sản xuất kẹo cao su đầu tiên của Liên Xô là những nhà máy bánh kẹo: gồm nhà máy Kalev ở Estonia và Rot-Front ở Mosvka. Cả hai công ty này đều đã trụ được qua sự sụp đổ của Liên Xô nhưng đến nay họ không còn sản xuất kẹo cao su nữa.

Loại kẹo cao su Liên Xô đầu tiên mà người dân được nếm có các vị cam, bạc hà, dâu tây và cả vị cà phê. Nhưng với người phương Tây thì kẹo Liên Xô quá mềm, mất hương vị quá nhanh và khó thổi bóng.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, kẹo cao su cùng với nhiều loại đồ thực phẩm, nước uống phương Tây tràn ngập thị trường Nga. Ăn kẹo cao su, đặc biệt là sưu tập vỏ kẹo, trở thành một thú vui ưa thích của trẻ em Nga vào những năm 1990.

Từng bị cấm thời Xô viết, sau này kẹo cao su đã gắn với nền văn hoá trẻ của Nga. Nhu cầu lớn cũng đã tạo ra một thị trường trị giá 180 triệu USD/năm.

Vào năm 1999, William Wrigley, công ty sản xuất kẹo cao su lớn nhất thế giới, với doanh thu toàn cầu 1,8 tỉ USD, đã chiếm lĩnh khoảng 60 phần trăm thị trường Nga.

Bà Anastasia Vasilevskaya, một phó giám đốc công ty bất động sản của Anh tại St. Petersburg hồi tưởng: “Hồi tôi còn bé, huấn luyện viên bơi lội của tôi nói rằng, người nước ngoài bỏ kim vào kẹo cao su để làm hại trẻ con Nga. Đó là cách họ ngăn trẻ con khỏi thèm muốn kẹo cao su”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại