Tết thành phố "sành điệu" trút bầu tâm sự cùng Tết quê

Bảo Nam |

Đang chạy xe ngắm phố phường ngày Tết, tình cờ nhóm phóng viên chúng tôi hóng được cuộc nói chuyện ngắn giữa Tết quê và Tết thành phố. Xin kể lại cho độc giả nghe.

Anh Tết thành phố xúng xính đồ hiệu đầy người, lấp la lấp lánh gặp anh Tết quê vênh mặt hỏi: Ơ kìa ông ẻm, Tết nhất mà lên đồ tuyền toàng thế, có cần anh tài trợ cho ít quần áo diện Tết không?

Anh Tết quê cười hiền: Bác cứ trêu em. Tướng tá em thô kệch, dát vàng lên người nó vẫn quê. Người quê em chỉ được tấm lòng thôi bác ạ. Nhà cửa bác khang trang quá, Tết nhất thế nào rồi?

Anh Tết thành phố bỗng hạ giọng xuống tone trầm: "Nói thật với ông em, anh trông tươi tắn, sang trọng thế này thôi chứ trong lòng buồn lắm. Tết nhất mà như ngày thường chú ạ".

Tết thành phố sành điệu trút bầu tâm sự cùng Tết quê - Ảnh 1.

Tết đến, trên những con đường tại các thành phố lớn đều khoác lên mình "tấm áo mới". Ảnh minh hoạ

 "Vẫn tắc đường, xe cộ vậy chạy loạn xạ, vạch anh kẻ rõ ràng, đường có chiều xuôi chiều ngược mà dân vẫn cứ thích đi tắt. Đường Giảng Võ, Láng Hạ thoáng thế mà vẫn có dăm người chạy xe trong làn dành riêng cho BRT".

"Ôi dào bác cứ khó tính. Tết nhất đường xá thoáng hơn, phiên phiến thôi bác ạ. Ra Tết lại vào khuôn khổ. Em đi trên đường Lê Văn Lương nghe loa phường nhắc đi nhắc lại: Ra Giêng mà dân còn chạy trong làn BRT là phạt thẳng tay".

Tết thành phố vẫn thở dài: "Có phải mỗi chuyện giao thông đâu. Dân thành phố bây giờ người ta không thích Tết nữa rồi. 

Tết trăm thứ đổ lên đầu. Nào tắc đường, nào giá cả tăng vọt, nào trang trí nhà cửa, rồi báo cáo, sổ sách, tổng kết, tất niên… đàn ông thì say suốt còn phụ nữ thì chạy hết nhà nội tới nhà ngoại, vất lắm".

"Thế mới có chuyện người ta đòi bỏ Tết. Họ bảo ảnh hưởng tới kinh tế, sản xuất ỳ trệ các kiểu. Anh cũng có dịp đi đây đi đó mới biết, Trung Quốc người ta ăn Tết gần 20 ngày, phương Tây cũng ăn Giáng sinh – Năm mới cả chục ngày, có ai kêu ca gì đâu".

Tết thành phố sành điệu trút bầu tâm sự cùng Tết quê - Ảnh 2.

Ngày Tết ở quê là như này đây! Ảnh minh hoạ

 Tết quê vỗ vai an ủi: "Khổ thân bác. Dưới em Tết nhất vui lắm, đúng nghĩa vui như Tết luôn. Dân quê thì có gì ngoài thời gian nên bọn em chuẩn bị Tết chu đáo, ấm cúng hơn trên này".

"23 chạp bọn em đã rục rịch rồi. Tiễn ông Công ông Táo về trời xong là dân mổ lợn, bắt đầu chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tẻ, làm giò, thịt vài con gà. Bà con chòm xóm chạy qua chạy lại giúp đỡ nhau".

"Nhà ai thừa cái gì thì biếu nhà thiếu. Bàn thờ dọn dẹp tinh tươm, bày biện trang trọng. Tết quê được cái đầm ấm, bà con láng giềng biết nhau cả nên câu chuyện về Tết lúc nào cũng thường trực. Tối đến pha ấm trà, các cụ ngồi nói chuyện thời sự, chuyện con cái làm ăn xa Tết này có về không".

"Gần Tết đám sinh viên về nhà lại càng vui đáo để. Cả năm mới về đoàn tụ với gia đình, gặp lại bạn bè cũ nên cứ ríu rít cả ngày. Thăm hỏi người lớn, họ hàng, rồi tụ tập ôn lại kỷ niệm xưa, kể cho nhau nghe cuộc sống trên thành phố ra sao, năm tới có dự định gì, học thêm môn gì, có người yêu chưa…".

"Tết quê đúng nghĩa là ngày sum họp nên suốt nửa tháng làng xóm lúc nào cũng đầm ấm tình người, tràn ngập những câu thăm hỏi, chúc tụng. Bà con lam lũ quanh năm, Tết đến mặc cái áo dài, bộ vest, tóc tai chải chuốt gọn gàng nhìn khác ngày thường lắm".

Tết thành phố sành điệu trút bầu tâm sự cùng Tết quê - Ảnh 3.

Sum họp gia đình mới đúng là Tết. Ảnh minh hoạ

 Nói đến đây, Tết thành phố đã rơm rớm nước mắt: "Đấy, Tết phải như thế chứ. Trên này cả năm dân lúc nào cũng ăn diện, Tết đến trông chả khác ngày thường. Cái đám ngân hàng đi làm mặc vest, Tết cũng mặc vest, khác gì đâu".

"Lũ sinh viên sống cùng bố mẹ cả năm, Tết cũng chẳng có nhu cầu ngồi nhà. Chúng nó đi làm thêm, dư dả rồi nên cũng chả coi trọng tiền mừng tuổi nữa. Nhiều thì chúng nó đút túi, mà lỡ ít thì chúng nó chê ỏng chê eo, còn post lên Facebook chê bai này nọ".

"Dân đi làm thì bắt đầu nghỉ Tết là chạy hết khỏi thành phố. Dư dả tiền bạc thì đi nước ngoài, mà ít thì ra biển nằm xả hơi. Lễ lạt chúng nó chê lạc hậu, mê tín nên hương khói chả thắp, hoa hoét cũng không thèm mua vì có ở nhà đâu",

"Đấy ông em xem, Tết trên này có khác gì ngày thường đâu, nên tôi cố tình ăn mặc lòe loẹt, hoành tráng để đánh lừa cảm giác, để tự ru ngủ mình đây là Tết, chứ có không khí gì đâu. Nghe ông em kể về Tết quê mà ứa nước mắt".

Anh Tết quê vỗ vai an ủi rồi cũng xin cáo biệt. Tết quê vẫn mang cái hồn của truyền thống, nên dù có sơ sài vẫn là Tết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại