Tên lửa Triều Tiên "đe dọa bất cứ địa điểm nào trên thế giới"

Phạm Nghĩa |

Liên minh Các nhà khoa học liên quan (UCS, Mỹ) cho biết tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên bắn hôm 29-11 có thể vươn tới thủ đô Washington cũng như các khu vực khác của lục địa Mỹ.

Các quan chức Nhật Bản cho biết tên lửa bay trong vòng 53 phút trước khi rớt xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Quân đội Hàn Quốc cho hay tên lửa được phóng theo quỹ đạo dốc lên, đạt độ cao khoảng 4.500 km và bay chừng 960 km. "Tên lửa bay cao hơn bất cứ vụ thử nghiệm nào trước đây của Triều Tiên. Rõ ràng họ muốn tiếp tục phát triển các tên lửa đạn đạo có thể đe dọa bất cứ nơi nào trên thế giới và chắc chắn là đe dọa cả Mỹ" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với báo giới tại Nhà Trắng.

Theo UCS, nếu bay với quỹ đạo chuẩn (không phải bắn chếch lên cao), tên lửa Triều Tiên (được cho là một quả KN-08) sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km, tức có thể vươn tới thủ đô Washington của Mỹ. Tuy nhiên, UCS lưu ý còn chưa rõ đầu đạn của tên lửa nặng bao nhiêu cũng như chưa biết nó có thể mang đầu đạn hạt nhân hay không.

Tên lửa Triều Tiên đe dọa bất cứ địa điểm nào trên thế giới - Ảnh 1.

Đầu năm nay, Triều Tiên cũng bắn 1 quả ICBM nhưng là Hwasong-14. Ảnh: TELEGRAPH

Báo The New York Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng tên lửa mới nhất của Triều Tiên bay xa và lâu hơn so với hai vụ phóng ICBM ngày 4-7 (kéo dài 37 phút) và ngày 28-8 (kéo dài 47 phút). Các chuyên gia cho rằng đây là tên lửa tầm bắn xa nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng.

Nhà khoa học David Wright thuộc UCS đánh giá vụ phóng sáng 29-11 của Triều Tiên thành công hơn so với hai vụ phóng hồi tháng 7. Theo ông Wright, tên lửa này không chỉ vươn tới được Washington hoặc bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ mà còn đủ khả năng bắn tới châu Âu hoặc Úc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Trung Quốc cần tăng cường vai trò của mình để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng.

Theo Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, trong cuộc điện đàm, hai ông Donald Trump và Abe đồng ý tăng cường khả năng ngăn chặn của Mỹ và Nhật Bản nhằm chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.

Ông Abe mô tả vụ thử nghiệm là "một hành động bạo lực không thể bỏ qua". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh hành động này là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với hoà bình toàn cầu.

Tên lửa Triều Tiên đe dọa bất cứ địa điểm nào trên thế giới - Ảnh 2.

KN-08 có tầm bắn vươn tới lục địa Mỹ, châu Âu và Úc. Ảnh: TELEGRAPH

Chỉ vài phút sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo quân đội nước này đã tổ chức một cuộc tập trận tên lửa thật gần lãnh hải giáp Triều Tiên.

Tham gia cuộc tập trận kéo dài 20 phút bao gồm các lực lượng thủy quân lục chiến, hải quân, không quân, các khí tài quân sự như tên lửa Hyunmoo-II, Haesong-II, SPICE-2000 và chiến đấu cơ KF-16.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào chiều 29-11 để thảo luận về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu.

Hội đồng Bảo an dự kiến thảo luận về những tiến bộ đạt được sau 3 vòng trừng phạt Bình Nhưỡng gần đây. Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt, cho phép các quốc gia chặn tàu chở hàng đến và đi từ Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại