Tên lửa TOW xác định lại bảng xếp hạng xe tăng thế giới

Thùy Dung |

Theo National Interest, bảng xếp hạng những dòng xe tăng mạnh nhất cần xác định lại ngôi vị sau khi T-90A, M1A1 Abrams, Leopard 2A4 lần lượt bị TOW tấn công.

Bảng xếp hạng mới nhất

Trang quốc phòng Military-Today đã phân tích tổng thể các xe tăng trên thế giới dựa trên các chỉ số về khả năng tự bảo vệ, hỏa lực, độ chính xác và mức cơ động, và chọn ra 10 chiếc xe tăng mạnh nhất trên thế giới hiện nay.

Theo bảng xếp hạng này, đứng đầu tiên là tăng chủ lực Leopard 2A4 do Đức sản xuất. 

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, phiên bản 2A4 có rất nhiều thay đổi, trong đó có hệ thống chữa cháy tự động và ngăn chặn nổ, một hệ thống điều khiển hỏa lực với tất cả các hệ thống kỹ thuật số có thể xử lý các loại đạn mới. Đặc biệt, tháp pháo của phiên bản này được tăng cường với giáp titan/vonfram phẳng.

Trên dòng tăng Leopard 2 và phiên bản nâng cấp 2A4 đều dùng công nghệ giáp phức hợp composite tương đương kiểu giáp tuyệt mật Chobham của Anh. Loại giáp này được đánh giá là cung cấp mức độ bảo vệ cao trước các loại đạn xuyên giáp APCR và đạn tên lửa chống tăng ATGM.

 Tên lửa TOW xác định lại bảng xếp hạng xe tăng thế giới  - Ảnh 1.

Leopard 2A4 bị khủng bố thu làm chiến lợi phẩm

Các cuộc thử nghiệm hồi cuối những năm 1990 đánh giá được rằng, giáp trước của xe tăng Leopard 2 có thể kháng chịu phát đạn xuyên giáp APFSDS cỡ 125 mm chuẩn Nga từ cự ly bắn 1.500 m. Giáp trước Leopard 2A4 sau này còn tiếp tục dày thêm hơn.

Ngoài hệ thống giáp cực tốt, hệ thống hỏa lực của chiến tăng này cũng rất ấn tượng với hỏa lực chính là khẩu pháo nòng trơn 120 mm L44 có thể phóng tên lửa chống tăng LAHAT (của Israel) qua nòng, tăng được nạp đạn bằng tay nhưng điều này không ảnh hưởng đến tốc độ bắn (đảm bảo 6 - 7 phát/phút).

Xếp ngay sau Leopard 2A4 của Đức là chiến tăng số 1 của Mỹ hiện nay - chiếc Abrams. Để đảm bảo an toàn tối đa cho tổ lái xe, nhà sản xuất Mỹ trang bị cho tăng Abrams giáp đa lớp nhưng được bổ sung thêm vật liệu uranium nghèo tỉ khối lớn.

Khi xe tăng bị bắn đạn xuyên thì trên một diện tích rất nhỏ viên đạn bắn vào sẽ tập trung đa phần năng lượng, thổi bay khối lượng kim loại trong lỗ thủng đạn bắn vào. 

Vì thế, nếu sử dụng kim loại có tỉ khối thấp, thì đạn xuyên càng tốn ít năng lượng để xuyên giáp. Do đó, sử dụng giáp uranium nghèo với tỉ khối lớn sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả các loại đạn bắn vào xe tăng.

Điều khá bất ngờ trong bảng xếp hạng này là xe tăng T-90 của Nga bị xếp vị trí thứ 9 (chỉ đứng trên tăng Oplot-M của Ukraine) trong tổng số 10 chiếc tăng mạnh nhất thế giới.

Thực chiến định ngôi vị

Dù tăng Mỹ và Đức được đánh giá rất cao nhưng khi tham gia cuộc chiến tấn công khủng bố tại Trung Đông, bảng xếp hạng này cần được định lại vị trí, theo tạp chỉ National Interest.

Theo số liệu thống kế của trang RIAN, số lượng các xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams do Mỹ cấp cho Quân đội Iraq đang giảm nhanh tột độ, sau khi hàng tá xe tăng loại này bị tên lửa của phiến quân nướng chín trong các trận chiến.

Trong giai đoạn năm 2013 - 2014, Mỹ đã chuyển giao tổng cộng 146 xe tăng M1A1 cho Sư đoàn 9, quân đội Iraq. Tuy nhiên, sau khi đi vào chiến đấu, các xe tăng này gần như không thể hiện được sức mạnh chiến đấu trong điều kiện đô thị, một số lượng lớn bị tên lửa của phiến quân phá hủy và bị thu làm chiến lợi phẩm.

Và dù đứng top đầu thế giới nhưng Leopard 2A4 đã bị đánh tan tác bởi các tay súng khủng bố ngay lần đầu tiên dòng tăng này tham gia thực chiến. Tính đến nay sau khoảng 4 tháng Leopard 2A4 tham gia chống khủng bố, IS đã phá hủy ít nhất 3 chiếc Leopard 2A4 bởi tên lửa chống tăng TOW và 2 chiếc Leopard 2A4 vừa bị IS bắt sống.

Trong khi đó, bị xếp vị trí bét bảng nhưng T-90A của Nga đã thể hiện thành tích chiến đấu khá ấn tượng. Từ khi tham gia tấn công khủng bố tại Syria, đã có ít nhất 4 lần IS dùng tên lửa TOW tấn công T-90A nhưng chưa một lần chiến tăng này bị phá hủy.

Lần đầu tiên là vào tháng 2/2016, khi đó chiếc T-90A đã trúng tên lửa ngay mặt trước tháp pháo, tuy nhiên lớp giáp phản ứng nổ Kontact-5 giúp nó chỉ thiệt hại nhẹ.

Hình ảnh ghi nhận từ video cho thấy lớp giáp Kontact-5 này đã hoạt động tốt khi chiếc T-90A bị trúng quả tên lửa TOW. Một tiếng nổ lớn bùng lên từ giáp phản ứng nổ, đẩy đầu đạn của TOW ra khỏi xe tăng, giúp cho lớp giáp chính không bị xuyên thủng.

Sau tiếng nổ, tháp pháo xe tăng vẫn còn nguyên vẹn, hộp đạn của súng máy 12,7 ly trên xe không bị bung ra, và không có dấu hiệu nào cho thấy đạn pháo bên trong xe tăng bốc cháy. Có thể nói T-90A đã sống sót một cách ngoạn mục sau cú đòn.

Khả năng không thể với phương Tây

Để tăng hiệu quả đánh chặn cho xe tăng và an toàn cho kíp lái, T-90A được tranh bị lớp giáp đa lớp. Đầu tiên là hệ thống phòng vệ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora 1. Nhiệm vụ chính của hệ thống phòng vệ này là vô hiệu hóa đầu dẫn bằng laser của các loại tên lửa chống tăng của đối phương.

Shtora 1 gồm các thiết bị dò tìm tia laser, vốn được phiến quân sử dụng để chỉ thị mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa TOW. Khi Shtora 1 phát hiện xe tăng đang bị thiết bị ngắm laser định vị, nó sẽ tự động phóng lựu đạn khói, tạo ra một bức tường khói rộng 20 m, cao 10 m.

Việc phóng lựu đạn khói được thực hiện trong chưa đầy ba giây và kéo dài khoảng 20 giây. Màn khói có tác dụng ngụy trang cho xe tăng trước thiết bị ngắm quang học của TOW, khiến phiến quân không thể xác định được chính xác mục tiêu.

Shtora 1 còn được trang bị đèn chế áp quang học, phát ra ánh sáng bức xạ có tần số và dải sóng gần giống với nguồn sáng điều khiển tên lửa. Càng đến gần xe tăng, tên lửa càng nhận được ít tín hiệu điều khiển hơn, trong khi ánh sáng bức xạ gây nhiễu càng mạnh lên, khiến hệ thống điều khiển tên lửa bị nhiễu loạn và ra lệnh tự hủy khi nó còn cách xe tăng vài mét.

Lớp giáp thứ hai là hệ thống giáp phản ứng nổ thế hệ thứ ba Relikt có khả năng hấp thụ gần như hầu hết động năng của các tên lửa chống tăng một khi chúng tiếp xúc và phát nổ trên lớp giáp này. 

Lớp giáp trong cùng là lớp giáp bảo vệ thế hệ thứ ba hiện đại nhất của Nga, được làm bằng chất liệu tổng hợp gồm kim loại và gốm rất bền chắc, được đánh giá là một tuyệt tác của các chuyên gia quân sự Nga.

Đặc biệt, khẩu pháo nòng trơn 125 mm trên T-90A có hệ thống điều khiển bắn được trang bị ống ngắm nhiệt, thiết bị định tầm bằng laser, cùng thiết bị nạp đạn tự động cho phép T-90A bắn 4-6 phát/phút vào vị trí mà tên lửa TOW vừa được bắn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại