Tên lửa chống hạm SM-6: Ngoài mong đợi của Mỹ

Tuấn Vũ |

Theo Tập đoàn Raytheon, cơ quan này và Hải quân Mỹ vừa có thử nghiệm thành công đầu tiên về khả năng diệt hạm của tên lửa phòng không SM-6.

Ngày 22/6, tên lửa SM-6 đã phá hủy và đánh chìm 1 tàu mục tiêu trong vụ thử được thực hiện ở ngoài khơi theo Trường Thử nghiệm Tên lửa Thái Bình Dương, Hawaii.

"Vụ thử chứng minh SM-6 có thể tấn công 1 tàu chiến. Nó đã phá hủy một tàu khu trục lớp Perry. Thành công lớn đối với chúng tôi là SM-6 chứng hoàn hảo khả năng phá hủy mục tiêu trên mặt biển", ông Mike Campisi, giám đốc phòng thiết kế SM-6 Tập đoàn Raytheon cho biết.

Qua lần thử lửa đầu tiên của SM-6 trong nhiệm vụ chống hạm, Hải quân Mỹ và Tập đoàn Raytheon sẽ phân tích cấu hình phần mềm mới lắp đặt trên tên lửa cho phép nó có khả năng theo dõi và phá hủy mục tiêu trên mặt biển cũng như đánh chặn vũ khí của kẻ thù.

Hệ thống sẽ nhanh chóng xác định mục tiêu và đeo bám nó. Dựa vào tín hiệu, phần mềm trong SM-6 sẽ chọn đường đánh gục mục tiêu địch, ông Mike Campisi cho biết thêm.

 Tên lửa chống hạm SM-6: Ngoài mong đợi của Mỹ  - Ảnh 1.

Hải quân Mỹ phóng tên lửa SM-6

Theo tiết lộ của vị đại diện Tập đoàn Raytheon, để hoàn thành nhiệm vụ kép, SM-6 được tích hợp hệ thống kết nối mạng và radar dò tìm chủ động, được thiết kế để tấn công các mục tiêu ngoài tầm quan sát radar của tàu.

Sử dụng hệ thống tác chiến kiểm soát hỏa lực hỗn hợp của hải quân, một tàu chiến lớp Aegis có thể tấn công các mục tiêu ngoài đường chân trời nhờ dùng dữ liệu chỉ thị mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm E-2D "Mắt Diều hâu" tối tân.

Phạm vi hoạt động của một radar dải tần S trên chiến hạm lớp Aegis đạt khoảng 402,3 km đối với mục tiêu bay ở độ cao 9,1 km. 

Trong trường hợp mục tiêu bay thấp hơn, tầm dò của radar cũng bị thu hẹp và đây chính là lúc máy bay cảnh báo sớm E-2D phát huy tác dụng. Tập đoàn Raytheon cho rằng, tầm bắn của tên lửa SM-6 còn có thể vượt qua phạm vi 402 km.

Máy bay E-2D có khả năng theo dõi những mục tiêu trên mặt nước và trên không, vì thế khi kết hợp với tên lửa SM-6, tổ hợp này sẽ giúp các tàu chiến Mỹ tấn công hiệu quả các tàu mặt nước đối phương từ ngoài đường chân trời bởi vận tốc của tên lửa lên tới 1.191 m/s.

Đầu đạn của SM-6 tương đối nhỏ, nhưng với khả năng đánh chặn được tên lửa đạn đạo, SM-6 hoàn toàn đủ sức tiêu diệt chiến hạm của đối phương chỉ sau một lần bắn trúng.

"Đây là một vũ khí hải đối không tuyệt vời", ông Mike Campisi nhấn mạnh. "SM-6 là một trong những vũ khí uy lực và tiên tiến nhất của chúng tôi". Cũng theo ông, do SM-6 là tên lửa "hai trong một" nên đây là giải pháp tiết kiệm chi phí.

Dù đầu đạn nhỏ nhưng SM-6 vẫn sẽ phát huy hiệu quả trong thực chiến nhờ tốc độ đầu đạn. Động năng từ một tên lửa tốc độ siêu thanh có thể tạo ra sức công phá rất lớn, nhất là với các tàu chiến có lớp giáp mỏng như hiện nay, vị đại diện này cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại