Tạm quên Hoàng đế Càn Long đang “khuấy đảo” trong Diên Hi công lược đi, đây mới là những vị vua chung tình nhất lịch sử

Min |

Những vị Hoàng đế dù tam cung lục viện nhưng vẫn si tình với một cô gái thì chẳng có gì lạ nhưng làm vua nắm trong tay cả thiên hạ mà chỉ nhất nhất một vợ thì quả thật là "hàng hiếm".

Vị vua tàn bạo nhưng lại vô cùng dịu dàng với vị Hoàng hậu duy nhất

Minh Thái Tổ, tên thật là Chu Nguyên Chương, được xem như là một trong các Hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng của mình với đất nước. 

Không chỉ vậy, ông còn khiến người đời sau ngưỡng mộ bởi tình cảm sâu đậm của Minh Thái Tổ đối với Mã hoàng hậu.

Mã hoàng hậu tên là Mã Tú Anh (1332-1382), người Túc Châu, tỉnh An Huy. 

Khi còn nhỏ, người cha vì trượng nghĩa đã giết chết tên phú hào độc ác tại địa phương nên cha con phải phiêu bạt tránh nạn và ông đã bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Trước khi lâm chung, ông đã gửi con gái cho người bạn tốt là Quách Tử Hưng nuôi dưỡng. 

Vốn là cô bé có tố chất thông minh hơn người lại rất hiền lành, ngoan ngoãn nên được cha mẹ nuôi vô cùng yêu thương. 

Từ nhỏ bà đã kiên quyết không chịu bó chân theo truyền thống mà để phát triển tự nhiên. Chính vì thế mà Mã Tú Anh có biệt danh là "nàng Mã chân to".

Thời đó, chính quyền nhà Nguyên thối nát, bách tính sống cảnh lầm than, khắp nơi oán thán nên rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. 

Quách Tử Hưng cũng cầm cờ khởi nghĩa và chiếm được Hào Châu (nay là Hàm Dương). Lúc đó, Chu Nguyên Chương là thân binh dưới quyền. 

Ông chiến đấu dũng mãnh và được Quách Tử Hưng vô cùng tín nhiệm nên đã gả con gái nuôi Mã thị cho ông.

Tạm quên Hoàng đế Càn Long đang “khuấy đảo” trong Diên Hi công lược đi, đây mới là những vị vua chung tình nhất lịch sử - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Mã Tú Anh một lòng một dạ giúp đỡ chồng, cùng chồng giải quyết tháo gỡ những khó khăn. 

Chu Nguyên Chương chiến đấu anh dũng, lập nên rất nhiều kỳ công, nhưng bản tính tự phụ, nóng nảy, thẳng thắn đôi chút cục cằn nên thường xuyên bị mọi người ghen ghét, đố kỵ. 

Ông đã từng rất nhiều lần bị mưu hại nên cũng đã nhiều lần bị Quách Tử Hưng bắt giam. Những lần đó, Mã Tú Anh đều tìm cách minh oan giúp ông thoát tội. 

Sau khi Quách Tử Hưng chết trận, Chu Nguyên Chương dần dần thống lĩnh quân đội, nắm giữ binh quyền. Quân trang đều được Mã Tú Anh quản lý, sắp xếp rất khoa học.

Nghe nói có một lần Chu Nguyên Chương bị thương trên sa trường, Mã Tú Anh đã không màng hiểm nguy, xông vào chiến trận cõng Chu Nguyên Chương chạy trốn.

Sau khi đăng cơ Hoàng đế, Chu Nguyên Chương luôn dành sự tôn trọng và sự biết ơn sâu sắc đến người vợ tào khang của mình. 

Ông đã sắc phong cho bà là hoàng hậu cai quản hậu cung. Trong quá trình củng cố ngôi vị của mình, Chu Nguyên Chương cũng giống bao bậc đế vương khác không ngừng tìm mọi cớ để giết những lương tướng công thần. 

Về việc này, Mã hoàng hậu luôn tìm cách khuyên giải và cố gắng giảm tải rất nhiều án oan, giữ được tính mạng của nhiều công thần vô tội như Chu Văn Chính, Lý Văn Trung, Mộc Anh.

Ở trong cung, Mã hoàng hậu một mặt chủ trương nội thị không được phép kiêm nhiệm chức vụ ngoại thần quan văn quan võ để ngăn chặn tận gốc thần quan làm loạn. 

Một mặt bà ra sức ủng hộ tiết kiệm chi tiêu, kiến nghị không xây dựng rầm rộ xa hoa lãng phí. Hàng ngày ăn uống đạm bạc. 

Bà còn làm gương trong việc dệt vải may áo quần trong cung, sau đó ban thưởng cho các vương phi và các công chúa. 

Bà muốn những người sống trong hậu cung phải biết yêu quý và trân trọng đồ vật, phải thấu hiểu được sự gian khổ của người trồng dâu nuôi tằm kéo tơ.

Khi các đại thần cống tiến vàng bạc châu báu bà đều khuyên Chu Nguyên Chương rằng: "Triều Nguyên chính vì những thứ này mà đã không giữ nổi giang sơn. 

Chỉ có chiêu nạp nhân tài mới có thề trị vì tốt thiên hạ". Những ý kiến của bà luôn được Chu Nguyên Chương lắng nghe, trân trọng.

Chu Nguyên Chương vốn là người nổi tiếng tự phụ, đa nghi nhưng đối với người vợ hiền của mình ông luôn dành cho bà sự tôn trọng. Năm 1382, Mã hoàng hậu bị bệnh qua đời. 

Mất đi người tâm giao tri kỉ, người vợ hiền đức hạnh nên Chu Nguyên Chương vô cùng đau lòng. 

Ông đã quyết định không lập thêm hoàng hậu để tưởng nhớ bà cũng như muốn dành tấm chân tình cho người vợ tào khang của mình.

Vị Hoàng đế khác người ban hành luật "một vợ một chồng" và cả đời chung thủy đến khó tin

Hoàng đế Hoằng Trị (tên húy Chu Hựu Đường), vị vua thứ 9 của nhà Minh, lấy hiệu Minh Hiếu Tông, trị vì từ năm 1487 đến năm 1505.

Hoàng đế Hoằng Trị là con trai thứ 3 của Hoàng đế Thành Hóa (tên húy Chu Kiến Thâm), hiệu Minh Hiến Tông, và Hiếu Mục hoàng hậu (tên húy Thục Kỷ), vốn là phi tần trong hậu cung.

Khi đó, vua Thành Hóa có con trai với Vạn quý phi, người rất được vua sủng ái. Tuy nhiên, vị hoàng tử ấy chết yểu. Vạn quý phi tính tình hiểm độc, lập dã tâm không để bất cứ vị phi tần nào sinh con.

Nhưng số trời đã định, chỉ có duy nhất một đứa trẻ thoát khỏi nanh vuốt của Vạn quý phi, đó là Chu Hựu Đường (hoàng đế Hoằng Trị sau này). 

Mẹ ruột của Hựu Đường là Kỷ thục phi, người đã che dấu kỹ càng thân phận của vị vua tương lai trong 5 năm, nhờ sự giúp đỡ của một thái giám thân tín và cả hoàng hậu Hiếu Trinh Thuần.

Tạm quên Hoàng đế Càn Long đang “khuấy đảo” trong Diên Hi công lược đi, đây mới là những vị vua chung tình nhất lịch sử - Ảnh 2.

Tranh vẽ Minh Hiếu Tông trong lịch sử.

Sau khi nhận ra con cái của mình "bỗng dưng" chết yểu, Hoàng đế Thành Hóa vô cùng hoảng loạn, ông bắt đầu chú trọng hơn tới những sự việc xảy ra trong cung cấm. 

Tới khi Hựu Đường xuất hiện sau thời gian dài ở ẩn, Minh Hiến Tông vô cùng vui mừng, lập tức chọn vị hoàng tử nhỏ tuổi làm người kế nhiệm.

Đến lúc này, Vạn quý phi muốn hạ sát Hựu Đường cũng không thể. Bà tức giận ra lệnh giết chết Kỷ thục phi. Kể từ giây phút đó, Hựu Đường biết chắc rằng, triều đình tương lai của mình sẽ không tồn tại hậu cung.

Có lẽ vị vua này đã bị ám ảnh bởi cuộc tàn sát, tranh giành quyền lực chốn hậu cung cùng cái chết đau lòng của mẫu thân. 

Khi lên ngôi, ông quyết định chỉ "chung chăn gối" với một người phụ nữ duy nhất, để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như dập tắt những mầm mống tranh quyền đoạt vị sau này.

Theo luật nhà Minh, từ thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập quốc, nếu vị vua đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, vị vua có quyền lập thêm một vương phi, được người vợ cả chọn lựa (cần phân biệt rõ ràng giữa cung tần mỹ nữ và vương phi, dù tất cả có thể ở hậu cung nhưng vương phi là người được vua ưu ái dựng làm vợ lẽ).

Nếu mục đích của việc lập phi chỉ là sinh con nối dõi thì hoàng đế Hoằng Trị cũng không cần đoái hoài. 

Bởi ông đã có 2 con trai và 3 con gái với người vợ duy nhất của mình, Hiếu Thành Kính hoàng hậu (tên húy Trương thị).

Hoàng đế Hoằng Trị cũng không hề có con ngoài giá thú và cũng không có quan hệ ngoài hôn nhân, ông nhất nhất chung chăn gối với đúng một người là hoàng hậu của mình.

Tất cả những việc vị Hoàng đế đáng kính làm cũng chỉ là muốn những người thân yêu của mình được sống một cuộc sống bình yên, bởi tề gia thì mới trị được quốc.

Đạo thánh chỉ 'lãng mạn' bậc nhất lịch sử của một ông vua nặng nghĩa tình

Hán Tuyên Đế, tên thật là Lưu Tuân, là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Lưu Tuân thân là chắt trai của Hán Vũ Đế, chào đời được mấy tháng đã bị liên lụy bởi vụ án "Vu cổ chi họa" trong cung, còn trong tã lót đã trở thành tù phạm trong ngục, cha mẹ ông đều bị hại chết.

Tạm quên Hoàng đế Càn Long đang “khuấy đảo” trong Diên Hi công lược đi, đây mới là những vị vua chung tình nhất lịch sử - Ảnh 3.

Tạo hình Hán Tuyên Đế.

Về sau ông được bà ngoại nhận về nuôi. Sống ở dân gian trong suốt thời gian dài, Lưu Tuân hiểu được nỗi khổ của người dân, cũng đã bồi dưỡng thành tính cách chất phác và tư tưởng gần gũi với người dân áo vải bần cùng.

Mãi cho đến khi Hán Vũ Đế hạ chiếu đưa Lưu Tuân về nuôi trong dịch đình, địa vị hoàng thất của ông đến lúc này mới được phục hồi. 

Quan dịch đình Trương Hạ nguyên là bộ hạ cũ của phụ thân Lưu Tuân. Ông đối với Lưu Tuân giống như con ruột của mình vậy, không những bỏ tiền cung ứng cho Lưu Tuân đọc sách, mà sau còn cưới cho ông một người con gái trong vùng tên là Hứa Bình Quân làm vợ.

Hứa Bình Quân là người phụ nữ chuyên cần hiền đức. 

Trong những ngày tháng khó khăn nhất của Lưu Tuân, không những không hề chê bai chồng, trái lại còn cùng chồng nương tựa vào nhau mà sống, dùng tình cảm dịu dàng của mình khiến cho vị vương tử nghèo túng này cảm nhận được ấm áp của gia đình và tình cảm phu thê.

Năm 74 TCN, sau khi Hán Chiêu Đế qua đời, bởi không có con nối dõi, dưới tấu chương của Đại tư mã Hoắc Quang, Lưu Tuân 18 tuổi bất ngờ được lên ngôi Hoàng đế. 

Vì để tranh thủ sự ủng hộ của Hoắc Quang, vị quyền thần nắm giữ triều chính khi đó, ông phải cưới con gái của Hoắc Quang.

Lưu Tuân biết rõ bản thân mình thế đơn sức bạc, Hoắc Quang bảo gì ông đều ngoan ngoãn nghe theo. 

Nhưng chỉ có một việc khiến cho Hoắc Quang lấy làm không vui, cũng khiến cho quần thần vò đầu bứt tóc, đó chính là lập hoàng hậu.

Lúc đó, quần thần vì để lấy lòng Hoắc Quang, đều ồ ạt thi nhau dâng sớ tiến cử con gái Hoắc Quang làm ứng viên tốt nhất cho ngôi vị hoàng hậu. 

Đối với việc này, Lưu Tuân cũng không chút động tâm, chỉ ừ cho qua chuyện. Ngày hôm sau, ông liền ban bố đạo thánh chỉ nói "muốn tìm lại thanh kiếm cũ thuở hàn vi".

Trong chiếu thư nói: "Nhớ trẫm thời cơ hàn có một thanh kiếm cũ. Hiện giờ trẫm rất nhớ nó, liệu chư vị ái khanh có thể giúp trẫm tìm nó trở về hay không?".

Tạm quên Hoàng đế Càn Long đang “khuấy đảo” trong Diên Hi công lược đi, đây mới là những vị vua chung tình nhất lịch sử - Ảnh 4.

Tranh minh họa.

Các đại thần cơ trí mau chóng đoán ra thâm ý của đạo thánh chỉ này. 

Ngay đến cả một thanh kiếm cũ được dùng thuở hàn vi còn nhớ mãi không quên, tất nhiên Hoàng đế cũng sẽ không vứt bỏ người phụ nữ đã cùng chung hoạn nạn với mình.

Các quan hiểu ra, nhất loạt chuyển hướng, đều xin lập Hứa Bình Quân làm hoàng hậu. 

Lưu Tuân cũng nương theo đó mà "ưng thuận" ý kiến của bá quan, lập Hứa Bình Quân làm hoàng hậu. 

Từ đó về sau, "Kiếm cũ tình thâm" đã trở thành một điển cố lãng mạn mà ai ai cũng biết.

Dù cho có thể mất đi đế vị vẫn muốn dành cho người phụ nữ mà mình yêu thương một danh phận tôn quý bậc nhất đáng phải có. 

Đạo thánh chỉ này của Lưu Tuân chính là thánh chỉ lãng mạn nhất trong lịch sử Á Đông. 

Ẩn giấu trong từng hàng chữ chính là lời hứa hẹn tình yêu son sắt của bậc vương tử dành cho một cô gái nghèo.

Xưa nay đế vương có tam cung, lục viện, hàng nghìn mỹ nữ phi tần là chuyện bình thường, không ai bàn đến. 

Nhưng chung tình như Hán Tuyên Đế Lưu Tuân thì đúng là hiếm gặp. Cũng chính sự thủy chung ấy, sự thuần thiện ấy đã dưỡng thành nên một bậc minh quân.

Sử sách chép lại rằng, dưới thời Hán Tuyên Đế trị vì, nhà Hán duy trì được sự thịnh trị, mở mang cả về kinh tế cũng như quân sự. 

Vì xuất thân từ nhỏ chịu cảnh nghèo khó, Tuyên Đế hiểu rõ sự cơ cực của dân chúng. 

Ông cho giảm thuế, bớt nhẹ hình phạt, mở rộng bộ máy quan lại, tuyển chọn người tài khiến cho chính sự trong nước ổn thỏa, dân chúng trong thiên hạ đều được cảm ân đức của thiên tử vậy.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại